'Chè thoát ế' ngày Thất tịch: Trái ngược cảnh bán online cháy hàng, bán truyền thống giảm sút

Một vài năm trở lại đây, nhờ trào lưu ăn 'chè thoát ế' (chè đậu đỏ) của giới trẻ mà vào ngày lễ Thất tịch, nhiều cửa hàng bán chè ở Hà Nội 'bỏ túi' doanh thu cao gấp 2 - 3 lần so với ngày thường không phải là chuyện hiếm gặp. Tuy nhiên, sức mua giảm trong năm nay đã khiến không ít cửa hàng bị bất ngờ.

Những năm gần đây, trào lưu “ăn chè thoát ế” vào lễ Thất tịch bỗng trở nên nở rộ, đưa chè đậu đỏ trở thành món ăn vặt được “săn lùng” nhiều nhất vào mùng 7 tháng 7 âm lịch hàng năm.

Trên thực tế, tục ăn chè đậu đỏ vào ngày lễ Thất tịch có xuất phát từ Trung Quốc và từ đó lan rộng sang nhiều quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Theo quan niệm của nhiều người, đậu có màu đỏ - điều tượng trưng cho sự may mắn - nên sẽ mang lại nhiều sự tốt lành, niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống. Vì lẽ đó mà ăn chè đậu đỏ trong ngày này được nhiều bạn trẻ truyền tai nhau như một cách cầu duyên.

Lễ Thất tịch năm nay, dù nhiều hộ kinh doanh chè đã chuẩn bị từ sớm với lượng hàng nhiều nhưng lại bán chậm hơn so với năm ngoái.

Nắm bắt tâm lý đó cùng mong muốn đón đầu trào lưu, lễ Thất tịch năm nay (ngày 22/8 dương lịch), nhiều hộ kinh doanh chè trên địa bàn TP. Hà Nội đã tất bật chuẩn bị từ sớm với lượng hàng nhiều hơn hẳn so với ngày thường. Tuy nhiên, theo chia sẻ của nhiều chủ cửa hàng, xu hướng mua “chè thoát ế” năm nay đã giảm nhiều so với năm ngoái.

Anh Trần Duy Phương, chủ quán chè Sầu Liên nằm trên đường Nguyễn Phong Sắc (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy) cho biết, rút kinh nghiệm từ lễ Thất tịch năm ngoái khi chè đậu đỏ bất ngờ bán đắt hàng gấp 2 - 3 lần so với các loại chè khác, năm nay, vợ chồng anh đã chuẩn bị sẵn nguyên liệu đậu đỏ từ nhiều ngày trước đó.

“Năm ngoái, lượng khách đến ăn tại quán và đặt mua qua mạng đều rất nhiều, nhân viên làm luôn tay mà vẫn không kịp để bán. Rút kinh nghiệm nên năm nay, quán làm sẵn, đóng vào cốc mang đi thì khách lại giảm trông thấy. Một cốc chè đậu đỏ bán tại quán có giá từ 15.000 - 25.000 đồng. Nếu bán mang đi thì đắt hơn 5.000 đồng/cốc do nhân viên của quán trực tiếp đi ship hàng. Giá bán vẫn giống như thường ngày chứ không hề tăng lên”, anh Phương cho hay.

Được biết, bên cạnh chè đậu đỏ, quán vẫn bán nhiều loại khác như chè sen, chè bưởi, chè khoai dẻo, chè nếp cẩm, chè đậu xanh, sữa chua mít, tàu hũ trân châu,... Tất cả đều có giá trong khoảng từ 15.000 đến 30.000 đồng/cốc.

Cùng chung tình cảnh như quán chè Sầu Liên của anh Phương, bà Ngọc Lệ, chủ cửa hàng Chè 4 Mùa ở phường Định Công, quận Hoàng Mai cũng chia sẻ lượng khách năm nay đã giảm nhiều.

“Cứ nghĩ lượng khách sẽ đông như những năm trước, tôi dậy từ 3 giờ sáng để nấu chè đậu đỏ. Cả hai cơ sở đều chuẩn bị hàng gấp đôi năm trước để phục vụ mọi người nhưng nhìn chung sức mua giảm so với năm ngoái. Chè đậu đỏ của quán có nhiều loại, giá bán dao động trong khoảng từ 25.000 đến 50.000 đồng/hộp tùy theo kích cỡ”, bà Lệ nói.

Trái ngược với tình cảnh của nhiều hộ kinh doanh truyền thống, mới hơn 3 giờ chiều ngày lễ Thất tịch, chị Nguyễn Ngọc (quận Thanh Xuân) đã phải đăng thông báo trên trang Facebook cá nhân với nội dung đã bán hết sạch chè và mong các khách hàng thông cảm.

Chia sẻ với VnBusiness, chị Ngọc cho biết đã nấu chè bán online được gần 2 năm nay và xây dựng được tệp khách quen của riêng quán: “Có người thậm chí còn đặt online cả chục cốc từ tối hôm trước để hôm sau, tôi đặt ship thẳng đến văn phòng cho khách thưởng thức vào giờ nghỉ trưa. Tôi bán chè quanh năm, thường ngày khách cũng hay ăn nhưng vào những dịp đặc biệt như hôm nay thì thường sẽ hết hàng sớm”.

Do đặc thù bán online, chỉ có 2 mẹ con làm hết tất cả các khâu nên thực đơn của quán trong riêng ngày hôm nay đã được rút gọn xuống, chỉ tập trung vào 2 món chính là chè đậu đỏ trân châu cốt dừa có giá 15.000 đồng/cốc và chè đậu đỏ sữa chua trân châu có giá 20.000 đồng/cốc.

Tuy không đa dạng món và không thể nhận đơn hàng đến hết ngày để tránh tình trạng quá tải do thiếu người làm nhưng bù lại, giá chè khi bán ra thấp hơn so với thị trường chung từ 5.000 - 10.000 đồng/cốc nên được khách hàng ủng hộ. Nhờ vậy mà “bài toán” kinh doanh của chị Ngọc vẫn cho lời giải có lãi.

“Năm nay, tôi đã chủ động nấu nhiều gấp đôi năm ngoái, vậy nhưng không ngờ tới chiều mà 6 nồi đậu đỏ đã hết sạch. Lễ Thất tịch năm nay, tôi bán được hơn 300 cốc chè, doanh thu trong ngày đạt khoảng hơn 5 triệu đồng”, chị Ngọc cho hay.

Có thể thấy, nhờ những trào lưu nở rộ bất ngờ mà không ít người làm kinh doanh đã kịp nắm bắt thời cơ để “hốt bạc” thành công. Ghi nhận thực tế cho thấy trong ngày hôm nay, ngay cả nhiều chợ truyền thống như chợ Nghĩa Tân, chợ Thành Công, chợ Đồng Xuân,... rất nhiều tiểu thương cũng bổ sung thêm chè đậu đỏ vào danh sách hàng bán.

Hà Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//tieu-dung/apos-che-thoat-e-apos-ngay-that-tich-trai-nguoc-canh-ban-online-chay-hang-ban-truyen-thong-giam-sut-1094837.html