Chế độ, chính sách người có công: Thay đổi để hướng tới sự công bằng

(baodautu.vn) Uu đãi xã hội đối với người có công với cách mạng là tình cảm, trách nhiệm của nhà nước và toàn xã hội, đi liền với tiến bộ, công bằng xã hội. Dù vẫn còn những hạn chế, nhưng các chính sách đang được Chính phủ nỗ lực sửa đổi để hướng tới sự công bằng, đảm bảo người có công có một cuộc sống ổn định.

Nỗ lực, nhưng còn nhiều hạn chế

Theo bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội, qua giám sát cho thấy một thực tế, ngay cả với những địa phương thu ngân sách khá như: Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương…dù chi ngân sách cho các hoạt động giải quyết chế độ, chính sách cho người có công đã cao hơn hướng dẫn, quy định của nhà nước, nhưng so với mặt bằng giá cả sinh hoạt hiện nay, vẫn có khoảng cách khá xa so với những bộ phận còn lại của cộng đồng dân cư. Vậy còn những địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, sẽ như thế nào? Những người có công với cách mạng, thương bệnh binh…không đủ sức khỏe để làm việc kiếm thêm thu nhập sẽ ra sao”, bà Mai nhấn mạnh.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, hiện toàn quốc có hơn 8 triệu người được hưởng chế độ ưu đãi một lần và hàng tháng; hàng chục ngàn con thương binh liệt sĩ được hưởng các chế độ ưu đãi về giáo dục - đào tạo, y tế; gần 15.000 cán bộ lão thành cách mạng được hỗ trợ cải thiện về nhà ở, về mức sống; hơn 44.000 mẹ VNAH được phụng dưỡng, chăm sóc suốt đời…Cuộc sống thực chất của đại bộ phận gia đình họ, theo Bộ LĐ-TB&XH là “cơ bản bằng hoặc hơn mặt bằng xã hội nơi cư trú”.

Tuy nhiên, mỗi khi Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về sửa đổi một số điều Pháp lệnh Ưu đãi người có công, vẫn còn quá nhiều việc phải làm, phải sửa về mặt chính sách pháp luật quy định. Đáng chú ý, việc nghiên cứu mở rộng diện đối tượng được hưởng ưu đãi, trợ cấp là việc cần thiết, ngân sách chi trả, theo Bộ Tài chính cũng khó khăn, do phải cân đối, nhưng có thể đáp ứng được.

Tuy nhiên, để có quy trình, thủ tục xác định nhóm đối tượng được hưởng chính sách từ Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) đang tỏ ra rất phức tạp…dù pháp lệnh này sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/9/2012.

Sửa đổi một số chế độ để đạt sự công bằng

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền, công tác xác nhận người có công đang bộc lộ nhiều vấn đề bất hợp lý. Ví như việc xác nhận bệnh binh và người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học trong chiến đấu, theo bộ trưởng Chuyền, suy cho cùng cần xác định họ đều là người có hoạt động kháng chiến bị bênh tật. Nhưng giữa Bộ LĐ-TB&XH và các bộ ngành có liên quan quy định điều kiện vẫn khác nhau (có 7-8 điều kiện như Nghị định 54/2006/NĐ-CP ban hành, mới được xác nhận, làm thủ tục hưởng), quy trình lại quá rườm rà, thủ tục hành chính phức tạp. Trong 4 năm qua, Chính phủ đã ban hành 4 nghị định điều chỉnh chế độ trợ cấp, ưu đãi người có công. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, chế độ trợ cấp chưa theo kịp mức tiêu dùng bình quân toàn xã hội.

Để sửa đổi căn bản, có tính ổn định lâu dài, theo bà Trương Thị Mai, điểm đầu tiên là cần công bằng trong hoạch định chính sách ưu đãi. Cụ thể, về chế độ người phục vụ, cần bổ sung thêm trường hợp với Mẹ VNAH và người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên sống trong gia đình. Chế độ này tương đương với chế độ người phục vụ thương bệnh binh sống ở gia đình. Cũng theo bà Mai, để đảm bảo tính công bằng trong quá trình thực thi ưu đãi xã hội thì diện đối tượng như: người hoạt động cách mạng đã mất, người có công giúp đỡ cách mạng đã mất, hoạt động kháng chiến bị tù đầy đã mất, người hoạt động cách mạng bị nhiễm chất độc hóa học đã mất…nếu đủ điều kiện xác nhận, thì thân nhân của họ được giải quyết chế độ ưu đãi một lần. “ Ngân sách chi trả có thể lớn, nhưng vẫn cần phải làm, vấn đề là khâu xác nhận phải chuẩn, gọn, đảm bảo tính chính xác”, bà Mai nói.

Theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/9/2012, chuyển nhóm đối tượng người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị đích bắt tù đầy đang hưởng trợ cấp 1 lần sang hưởng trợ cấp hàng tháng. Thực hiện chế độ điều dưỡng 2 năm/lần đối với những người có công thay cho 5 năm/lần, đồn thời bổ sung chế độ điều dưỡng hàng năm đối với trường hợp cha đẻ có 1 con duy nhất là liệt sỹ, cha đẻ, mẹ đẻ có 2 con là liệt sỹ trở lên.

Bà Mai cho rằng, trong điều kiện hiện nay cần tập trung chính sách ưu đãi đối với người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con của họ - một điểm nóng trong ưu đãi chính sách 5 năm gần đây. Hướng sẽ là đối với thế hệ thứ 3 bị ảnh hưởng thì tùy theo khuyết tật sẽ được hưởng chế độ trợ cấp xã hội theo quy định của Luật Người khuyết tật.

Thực tiễn vận hành, thực hiện trong cuộc sống có thể còn nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, cần tiếp tục giải quyết. Tuy nhiên, với chủ trương đảm bảo phát triển kinh tế gắn với giải quyết các vấn đề xã hội, hướng tới sự công bằng xã hội, tin tưởng pháp lệnh mới sẽ giải quyết cơ bản được các bất cập trước đây.

Nguồn Đầu Tư: http://www.baodautu.vn/portal/public/vir/baivietkinhtedautu/repository/collaboration/sites%20content/live/vir/web%20contents/chude/kinhtedautu/doisongxahoi/c238ef337f00000100b68d18737151fa