Chế độ ăn cho người bị hội chứng ngừng thở khi ngủ

Đối với những người bị hội chứng ngừng thở khi ngủ ở giai đoạn nhẹ, thay đổi lối sống, thực hiện chế độ ăn uống được đánh giá là biện pháp hỗ trợ điều trị đơn giản, dễ thực hiện và tương đối có hiệu quả.

1. Tầm quan trọng của chế độ ăn với người bị hội chứng ngừng thở khi ngủ

Nội dung

1. Tầm quan trọng của chế độ ăn với người bị hội chứng ngừng thở khi ngủ

2. Các dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể người bị hội chứng ngừng thở khi ngủ

3. Thực phẩm cần hạn chế đối với người bị hội chứng ngừng thở khi ngủ

Hội chứng ngừng thở khi ngủ được xác định là sự xuất hiện các cơn ngừng thở và giảm thở tái diễn do tắc nghẽn đường hô hấp trên trong khi ngủ. Hậu quả của hội chứng ngừng thở khi ngủ ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống, khiến người bệnh luôn mệt mỏi, khó tập trung, đau đầu, mất ngủ, dễ bị kích động, trầm cảm…

Biến chứng nguy hiểm nhất của hội chứng ngừng thở khi ngủ mà người bệnh phải đối mặt là khi lượng ôxy trong máu giảm đột ngột, gây tăng áp cho hệ tuần hoàn và tim, gây biến chứng đột quỵ, suy tim, nhồi máu cơ tim…

Theo TS.BS. Phạm Thị Bích Thủy, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, hội chứng ngừng thở khi ngủ có thể gây nhiều hậu quả nguy hiểm đối với sức khỏe và chất lượng sống của bệnh nhân.

Vì vậy, bên cạnh các biện pháp chủ động làm giảm các yếu tố nguy cơ gây bệnh như thực hiện lối sống lành mạnh; tập luyện đều đặn; giữ cân nặng hợp lý; ăn uống đủ chất; hạn chế tối đa uống rượu, bia; không hút thuốc lá…

Khi có dấu hiệu mắc hội chứng ngừng thở khi ngủ, người bệnh nên đến cơ sở y tế chuyên khoa khám, làm các xét nghiệm chẩn đoán chính xác nguyên nhân để có biện pháp can thiệp phù hợp.

Có nhiều phương pháp điều trị hội chứng ngừng thở khi ngủ nhưng đối với những bệnh nhân ở giai đoạn nhẹ, với mức độ khó thở được đánh giá là chưa rõ rệt thì thay đổi lối sống và chế độ ăn uống là biện pháp hỗ trợ điều trị được đánh giá là đơn giản, dễ thực hiện và tương đối có hiệu quả.

Người bệnh cần thực hiện lối sống lành mạnh, sinh hoạt, làm việc, nghỉ ngơi hợp lý; Ăn uống đủ chất dinh dưỡng; Từ bỏ các thói quen có hại, không uống rượu bia, không hút thuốc lá, không lạm dụng thuốc an thần gây ngủ; Tập thể dục thể thao thường xuyên; Cần giảm cân nếu bị béo phì…

Người bị hội chứng ngừng thở khi ngủ nên ăn những thực phẩm lành mạnh.

2. Các dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể người bị hội chứng ngừng thở khi ngủ

Chế độ ăn uống đủ chất dinh dưỡng, ưu tiên những thực phẩm lành mạnh giúp duy trì cân nặng hợp lý và bảo vệ sức khỏe tim mạch rất quan trọng đối với người mắc hội chứng ngừng thở khi ngủ.

Thực phẩm lành mạnh bao gồm các nguồn protein tốt (cá, thịt nạc được chế biến tối thiểu, sữa ít béo); rau củ và trái cây; ngũ cốc nguyên hạt, chất béo lành mạnh (như các loại cá béo nhiều dầu; các loại hạt; dầu ô liu, quả bơ…).

Nghiên cứu cho thấy những thực phẩm này đặc biệt có lợi cho sức khỏe tim mạch, giúp kiểm soát cân nặng hợp lý, giảm nguy cơ dẫn đến các biến chứng tim mạch, đột quỵ ở người có hội chứng ngừng thở khi ngủ.

Rau và trái cây

Rau và trái cây là nhóm thực phẩm rất quan trọng của chế độ ăn uống lành mạnh, là nguồn cung cấp chất xơ dồi dào, giàu vitamin, khoáng chất cần thiết. Đặc biệt là chất chống oxy hóa giúp ngăn ngừa nguy cơ bệnh tật. Ăn nhiều trái cây, rau quả có thể giúp bạn duy trì cân nặng hợp lý vì chúng có ít calo và chất béo tự nhiên.

Ngũ cốc nguyên hạt

Ngũ cốc nguyên hạt giàu chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe. Ngoài vitamin, khoáng chất và dinh dưỡng thực vật, các loại ngũ cốc nguyên hạt như: gạo lứt, bánh mì nguyên cám, yến mạch… rất giàu chất xơ giúp no lâu và duy trì cân nặng khỏe mạnh, hỗ trợ giảm nguy cơ mắc hội chứng ngừng thở khi ngủ.

Protein tốt

Ăn thực phẩm giàu protein giúp tăng cường trao đổi chất, giảm cảm giác thèm ăn và ít tích trữ mỡ trong cơ thể. Điều này rất có lợi cho việc giảm cân và duy trì sức khỏe. Thực phẩm giàu protein lành mạnh bao gồm: thịt nạc, thịt gia cầm bỏ da, cá, trứng, sữa, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, các loại hạt...

Sữa chua nguyên chất, ít chất béo cũng là thực phẩm cung cấp protein chất lượng. Với hàm lượng protein cao, sữa chua làm tăng khối lượng cơ bắp, tăng trao đổi chất, giúp đốt cháy nhiều calo hơn.

Chất béo lành mạnh

Chất béo lành mạnh là những chất béo tốt cho sức khỏe, bao gồm chất béo không bão hòa đơn và không bão hòa đa giúp chống lại chứng viêm, bảo vệ cholesterol trong máu khỏi quá trình oxy hóa, từ đó làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim.

Các loại chất béo này có trong dầu ô liu, quả óc chó, quả bơ và các loại hạt; Các loại cá béo như cá hồi, cá trích, cá thu, cá mòi, cá cơm…

Acid béo omega-3 là một chất béo đặc biệt có lợi cho sức khỏe. Nó được chứng minh bảo vệ sức khỏe tim mạch bằng cách hạn chế tình trạng viêm trong mạch máu, làm giảm nhịp tim bất thường và giảm mức độ chất béo trung tính trong máu.

Nguồn cung cấp acid béo omega-3 tốt nhất là cá béo. Omega-3 cũng được tìm thấy trong các thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật như: dầu hạt cải, dầu đậu nành; hạt lanh, hạt chia, quả óc chó; ngũ cốc; bông cải xanh…

Uống rượu làm trầm trọng hơn triệu chứng ngừng thở khi ngủ.

3. Thực phẩm cần hạn chế đối với người bị hội chứng ngừng thở khi ngủ

Người bị hội chứng ngừng thở khi ngủ cần hạn chế tiêu thụ các loại đồ ăn chứa nhiều đường bổ sung (nước ngọt có gas, nước trái cây thêm đường, nước trái cây đóng hộp…).

Hạn chế ăn thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh (thịt nướng, gà rán, khoai tây chiên, xúc xích, lạp xưởng, thịt xông khói, thịt nguội…). Các sản phẩm ngũ cốc tinh chế (bột mì trắng, bánh mì trắng, bánh quy giòn, món tráng miệng, bánh ngọt…)

Đặc biệt, cần lưu ý hạn chế tối đa uống rượu bia. Ít nhất là không uống rượu trong vài giờ trước khi đi ngủ. Vì uống rượu có thể gây ra chứng ngừng thở khi ngủ, ngủ ngáy do thư giãn cơ đường thở và các rối loạn giấc ngủ khác.

Rượu là chất gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, khiến hoạt động của não bị chậm lại. Uống rượu có thể tác động tiêu cực đến hoạt động của dopamine - một chất dẫn truyền thần kinh và hormone cũng ảnh hưởng đến giấc ngủ. Những người bị rối loạn sử dụng rượu thường gặp các triệu chứng mất ngủ.

Rượu có thể cản trở hô hấp, đặc biệt liên quan đến nguy cơ ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn cao hơn. Các nghiên cứu cho thấy, uống rượu có thể gây ra các đợt ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn ở những người thậm chí không mắc chứng này. Đối với người đã mắc, uống rượu có thể làm cho dấu hiệu tắc nghẽn trầm trọng hơn.

Vân Anh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/che-do-an-cho-nguoi-bi-hoi-chung-ngung-tho-khi-ngu-169240404152423868.htm