'Chạy'... cuối năm

Chiều cuối tuần, sau khi đi bộ một hồi, mấy cụ già ngồi trò chuyện ở góc công viên. Một cụ ông vừa xoa bóp cổ chân vừa nhăn mặt vẻ khó chịu:

- Đã chú ý rồi mà về gần đến đây vẫn bị trẹo chân, may mà chỉ ngã vào khóm hoa thôi các ông ạ. Đào xới, sửa chữa khắp nơi; gạch đất lổn nhổn, đi lại nguy hiểm quá.

- Năm nào chả thế ông ơi. Cứ gần tết là khắp các tỉnh, thành, địa phương sửa chữa, thay thế, tu bổ...

- Ôi dào, cái bệnh “chạy” chỉ tiêu, kế hoạch... còn lâu mới khỏi. Mà bệnh đó có phải chỉ trong lĩnh vực giao thông, xây dựng đâu; thực tế đa dạng, phức tạp và mệt mỏi lắm.

- Ông nói rõ hơn đi xem nào.

- Lúc đầu, tôi cũng nghĩ như các ông, về nói chuyện với con cháu chúng nó bảo: Bố chấp nhận đi. Cuối năm “chạy” tiến độ, “chạy” chỉ tiêu kế hoạch... là “chuyện thường ngày ở huyện”. Chẳng qua là, đào xới, bới moi tung tóe; làm ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường, gây khó khăn cho người dân đúng vào cái lúc nhà ai cũng muốn chỉnh trang cho đẹp đón tết. Người dân buôn bán, cuối năm cũng là cơ hội làm ăn tốt nhất thì lại bị ảnh hưởng… thế nên ai cũng thấy. Chứ trong các cơ quan, bộ, ngành lĩnh vực khác cũng “chạy” đầy ra. Chúng con đang đau đầu vì “bệnh” này đây!

Cuối năm nào cũng liên tục có các cuộc hội thảo, tập huấn, bồi dưỡng... về đủ các nội dung; việc ngập đầu vẫn phải bố trí người tham gia. Cũng không ít những chương trình, dự án, kế hoạch... cả năm chờ đợi, kiến nghị xem xét chả thấy đâu. Đến ngày cùng, tháng tận mới được phê duyệt; thế là cả một hệ thống phía sau lại phải “chạy”. Vẫn biết là, triển khai theo cái kiểu “chạy” tiến độ như thế thì khó đạt hiệu quả cao nhất, nhưng cũng đành chịu.

- Phải có nguyên nhân chứ? Biết rõ bất cập, không phù hợp thời điểm, không thuận lợi huy động nhân lực vật lực, khó đạt hiệu quả tối đa mà vẫn không thay đổi là sao?

- Tôi hỏi chứ, nhưng chúng bảo, cấp nào chả có lí do giải thích cho việc đến lúc ấy mới quyết định triển khai được. Bực nhất là cái cậu A. làm doanh nghiệp tư nhân cạnh nhà, nó còn nửa đùa, nửa thật nói với tôi là: “Ông ơi, cấp nào cũng có rất nhiều việc để làm, vì thế các vị ấy chọn việc “quan trọng” làm trước. Việc sau cùng mới chốt chỉ là để hoàn thiện nốt phần còn dư thôi...”.

- Thế là, ông này “chạy” khiến các ông khác “ngã” à!?

Nói hài, nhưng đây là thực tế không vui mà cần phải quan tâm, suy ngẫm. Vì sao một thực tế không phù hợp, ảnh hưởng đến nhiều cấp, ngành, cơ quan, đơn vị và người dân; rất nhiều người đều thấy, mà vẫn tồn tại dai dẳng. Nguyên nhân sâu xa là gì; cách nào để không còn tình trạng phải chạy tiến độ, triển khai ép các nội dung, chương trình, dự án, kế hoạch khiến người dân nảy sinh suy nghĩ không tốt, nghi ngờ về động cơ, cách làm thiếu khoa học...

Thảo Vi

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/212269/%E2%80%9Cchay%E2%80%9D-cuoi-nam