Châu Âu loay hoay tìm cách tăng cường năng lực quốc phòng

EU đang suy tính lại và quyết định đưa ra các kế hoạch nhằm củng cố năng lực quốc phòng. Tuy vậy, khối vấp phải không ít trở ngại để hiện thực hóa các sáng kiến.

Triển lãm hàng không Quốc tế Farnborough ở Anh trong tháng 7 vốn là sự kiện thường xuyên được tổ chức trong hơn bảy thập niên. Tuy nhiên, lần đầu tiên sau nhiều năm, ngành công nghiệp này đang tận hưởng viễn cảnh dòng tiền chảy về như nước.

Châu Âu đang đảo ngược quá trình thắt chặt chi tiêu quốc phòng trong nhiều năm. Giờ đây, họ muốn trang bị thêm nhiều trang vũ khí, và các công ty tại Farnborough có thể sẽ được hưởng lợi, theo Financial Times.

Ngày càng có nhiều lời đề xuất hợp tác trong các chương trình quân sự và chế tạo vũ khí. Ngay cả Đức cũng đang thúc đẩy chi tiêu và hỗ trợ nhiều dự án chung của châu Âu.

Tuy nhiên, không rõ liệu sự vội vã trong công bố các chính sách mới có khả thi hay không. Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Kajsa Ollongren thừa nhận những cam kết tương tự đã được đưa ra trước đây, nhưng đều thất bại. Tuy vậy, bà tin rằng lo ngại ở châu Âu sẽ mở nút thắt cho bế tắc này.

Bổ sung, thay thế, tái xây dựng

Bên trong tòa nhà ở khu công nghiệp phía đông Belfast, Bắc Ireland, các kỹ sư đang bận rộn chế tạo tên lửa chống tăng vác vai NLAW.

NLAW được thiết kế bởi “ông lớn” quốc phòng Saab của Thụy Điển và lắp ráp bởi công ty Thales của Pháp. Ukraine đã nhận hàng nghìn chiếc NLAW kể từ khi chiến sự nổ ra. Điều này là một trong những ví dụ cho thấy giao tranh có thể thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu.

Tuy nhiên, hiện tại, tất cả NLAW do Vương quốc Anh gửi đến Ukraine đều từ kho dự trữ của chính phủ, thay vì đơn đặt hàng mới.

Kể từ tháng 2, các nước thành viên EU công bố mức tăng chi tiêu quốc phòng khoảng 200 tỷ euro. Tuy vậy, nhiều quan chức chỉ ra đây là mức tăng sau nhiều năm cắt giảm và chi tiêu dưới mức. Từ năm 1999-2021, tổng chi tiêu của khối cho quốc phòng chỉ tăng 20%, so với 66% của Mỹ, 292% của Nga và 592% của Trung Quốc.

Chiến sự Ukraine cũng cho thấy châu Âu thiếu sự chuẩn bị, khi các nước tranh nhau tìm kiếm xe tăng, hệ thống phóng tên lửa và pháo từ các kho dự trữ quốc gia. Những kho dự trữ đó đang dần cạn kiệt.

Bastian Giegerich - Giám đốc phân tích quốc phòng và quân sự tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế - cho rằng khối đang đối mặt với 3 thách thức: Bổ sung kho dự trữ đã cạn kiệt trong 2 thập niên qua, thay thế các thiết bị lỗi thời từ Chiến tranh Lạnh, tái xây dựng và đổi mới để trang bị thêm khả năng mới.

“Họ phải bổ sung, thay thế và xây dựng lại tất cả cùng một lúc. Tôi cho rằng điều này khá khó khăn”, ông nhận định.

Số NLAW mà Anh viện trợ cho Ukraine đều lấy từ hàng dự trữ trong kho. Ảnh: History.net.

Các kế hoạch của châu Âu bị cản trở bởi một số thực tế. Phần ngân sách tăng lên gần đây sẽ chi vào khoản lương của lực lượng vũ trang và bổ sung kho vũ khí dần cạn sau khi hỗ trợ Ukraine.

Sức hút từ vũ khí Mỹ cũng là trở ngại. Thương vụ mua bán đầu tiên sau khi Đức khởi động quỹ hiện đại hóa quân đội trị giá 100 tỷ euro là máy bay chiến đấu F-35 do Mỹ sản xuất. Do đó, một số giám đốc điều hành công nghiệp châu Âu lo lắng phần lớn số tiền mới bổ sung sẽ không dành cho các công ty nội địa.

“Rủi ro cố hữu là chúng tôi tập trung quá nhiều vào nhu cầu ngắn hạn, chủ yếu mua các thiết bị có sẵn bên ngoài châu Âu”, Michael Schoellhorn - Giám đốc điều hành của Airbus Defense and Space - cho biết.

Ông cảnh báo hành động này sẽ làm suy yếu công nghệ châu Âu về lâu dài, tạo ra sự phụ thuộc trong tương lai, dẫn đến sự suy yếu ngành công nghiệp quốc phòng, gây bất lợi cho quá trình hội nhập của châu Âu nói chung.

Không chỉ vậy, các nước cũng vấp phải thách thức chính trị. Trong quá khứ, quốc phòng được coi là bảo vệ chủ quyền quốc gia, chứ không thể bị kìm hãm bởi EU. EU cố gắng phát triển năng lực hành động quân sự độc lập và quyền tự chủ chiến lược kể từ khi đưa ra chính sách an ninh và quốc phòng chung vào cuối những năm 1990. Nhưng tiến độ diễn ra rất chậm.

Ngành công nghiệp quốc phòng của khối vẫn là sự kết hợp giữa các nhà thầu quốc tế và các công ty quốc gia, cũng như hàng trăm doanh nghiệp vừa và nhỏ. Lĩnh vực phòng thủ trên bộ và hải quân thường phát triển đơn lẻ, trong khi hàng không vũ trụ có nỗ lực hợp tác đa quốc gia, một phần do chi phí nghiên cứu đắt đỏ.

Hợp tác kém hiệu quả trong khối có thể đến từ quỹ chi tiêu thấp. Năm 2020, EU chỉ chi 11% ngân sách quốc phòng cho các dự án hợp tác - thấp hơn nhiều so với mục tiêu 35% do Cơ quan Quốc phòng Châu Âu đặt ra.

Bức tranh chi tiêu cho nghiên cứu công nghệ cũng giống vậy. Vào năm 2020, EU chi 6% cho hợp tác nghiên cứu giữa các quốc gia thành viên - mức thấp nhất kể từ khi thu thập dữ liệu năm 2005 - và thấp hơn nhiều so với mục tiêu 20%.

Kế hoạch "đại tu" năng lực quốc phòng toàn châu Âu

Vào tháng 3, Hội đồng châu Âu đã thông qua La bàn chiến lược EU về quốc phòng, đề xuất tạo ra lực lượng triển khai ở châu Âu cũng như tăng cường tài trợ. Cùng tháng, tại Versailles, giới lãnh đạo kêu gọi Ủy ban châu Âu đề xuất biện pháp tăng cường cơ sở công nghiệp quốc phòng.

Theo kế hoạch, EDA - thành lập từ năm 2004 - đã được giao nhiệm vụ thực hiện loạt sáng kiến mới, bao gồm chi nhiều tiền hơn cho Quỹ Quốc phòng châu Âu và thành lập “lực lượng đặc nhiệm” tập trung vào nhu cầu ngắn hạn.

Về trung hạn, EU ưu tiên hiện đại hóa hệ thống phòng không và mở rộng khả năng bay không người lái, không gian mạng và không gian vũ trụ. Mục tiêu khác là phát triển xe tăng chiến đấu mới để thay thế Leopard của Đức và Leclerc của Pháp. Họ cũng đang đề xuất miễn thuế giá trị gia tăng đối với thiết bị quốc phòng được sản xuất ở châu Âu.

Một quan chức cấp cao EU nhận định tình hình hiện tại là cơ hội lớn để tận dụng tăng chi tiêu quốc phòng, nhằm đại tu năng lực của EU. Trong khi đó, nhiều người trong ngành hoan nghênh kế hoạch mới là bằng chứng cho sự thay đổi chiến lược.

Tuy nhiên, Micael Johansson - Giám đốc điều hành của Saab - cảnh báo đây là quá trình phức tạp và sẽ mất nhiều thời gian trước khi các sáng kiến đi đến hợp đồng thực tế. Ông Armin Papperger - Giám đốc điều hành Rheinmetall của Đức - cho rằng thách thức lớn nhất là phân bổ quyền sở hữu trí tuệ.

Kể từ khi chiến sự Ukraine nổ ra, các nước thành viên EU đã tăng chi tiêu quốc phòng khoảng 200 tỷ euro. Ảnh: AFP.

Một trở ngại nữa với ngành công nghiệp quốc phòng những năm gần đây là khả năng tiếp cận tài chính, khi các ngân hàng và nhà quản lý quỹ đi theo xu hướng đầu tư có trách nhiệm xã hội.

Tuy nhiên, xung đột đã đảo ngược xu hướng này. Trước chiến sự, ngân hàng SEB của Thụy Điển ra lệnh cấm đầu tư vào công ty thu hơn 5% doanh thu từ “phát triển, sản xuất và cung cấp vũ khí". Hiện tại, 6 quỹ của ngân hàng này đã cho phép đầu tư vào lĩnh vực quốc phòng.

Ông Schoellhorn cũng trích dẫn tới một thách thức khác, đó là xuất khẩu quốc phòng. "Điều quan trọng là Đức cần tìm kiếm giải pháp với các đối tác châu Âu, thay vì theo đuổi cách tiếp cận thuần túy mang tính quốc gia", ông nói.

Điều này cũng quan trọng trong việc vận hành các chương trình như Eurofighter Typhoon (máy bay chiến đấu đa quốc gia), cũng như các dự án lớn của châu Âu trong tương lai, ông nói thêm. Trong quá khứ, châu Âu thiếu đồng thuận về xuất khẩu vũ khí đã khiến các mối quan hệ thương mại chủ chốt trở nên phức tạp.

Các quan chức cho biết sự hợp tác giữa NATO và EU là rất quan trọng trong việc hiện thực hóa các sáng kiến. Hai khối này có trụ sở chính ở Brussels, chỉ cách nhau 5 km nhưng không hoạt động tương đồng trước chiến sự Ukraine.

Các quan chức NATO nói chi tiêu quốc phòng của châu Âu, ngay cả khi tăng mạnh, cũng không đạt được mục tiêu nếu EU không buộc các quốc gia thành viên hợp lý hóa mua sắm và chuyển mục tiêu quốc gia sang mục tiêu toàn châu Âu.

Trong khi đó, châu Âu nên thận trọng để vừa đảm bảo tập trung nhiều hơn vào năng lực của khối, vừa không khiến Mỹ cảm thấy họ không còn được chào đón, theo ông Johansson.

"Liên kết xuyên Đại Tây Dương là cực kỳ quan trọng. Đề xuất hoặc báo hiệu biên giới châu Âu đóng kín" với thế giới bên ngoài không tốt cho khả năng cạnh tranh của ngành trong tương lai, ông nói.

Động thái xin gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển đã thúc đẩy hy vọng hợp tác nhiều hơn. Nếu hai quốc gia Bắc Âu chính thức trở thành thành viên, chỉ bốn quốc gia EU - Áo, Cyprus, Ireland và Malta - nằm ngoài liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu.

Josep Borrell - người đứng đầu đối ngoại, quốc phòng và an ninh của EU - nói rõ về tầm quan trọng của sự thống nhất này.

“Điều quan trọng là các quốc gia thành viên phải cùng nhau đầu tư hiệu quả để ngăn chặn tách rời, giải quyết thiếu hụt hiện có”, ông nói. “Nếu chúng ta muốn có lực lượng vũ trang hiện đại ở châu Âu, chúng ta cần hành động ngay bây giờ”.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chau-au-loay-hoay-tim-cach-tang-cuong-nang-luc-quoc-phong-post1337097.html