Châu Âu có dám trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ?

Dù tuyên bố sẽ gia tăng trừng phạt nếu Ankara tiếp tục bắt giữ các chính trị gia và nhà báo nhưng EU đang tự đẩy mình rơi vào bất lợi.

EU dọa trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ

Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ Bild am Sonntag mới đây, ông Martin Schulz, chủ tịch Nghị viện châu Âu đã đưa ra lời cảnh báo trừng phạt kinh tế đối với Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh các chính trị gia và nhà báo thuộc phe đối lập bị bắt giữ tại quốc gia này.

“EU cần cân nhắc các biện pháp trừng phạt kinh tế mà chúng tôi có thể áp dụng đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Đến cuối năm nay, cần đạt được cải cách của Liên minh thuế quan, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên. Tôi không thể hình dung ra rằng, sau làn sóng bắt bớ các đại biểu và nhà báo thuộc phe đối lập, chúng tôi sẽ có thể mở rộng Liên minh thuế quan”, ông Schulz nhấn mạnh.

Chủ tịch Nghị viện châu Âu đã đưa ra lời cảnh báo trừng phạt kinh tế đối với Thổ Nhĩ Kỳ

Ông Schultz nhắc lại lập trường của EU về khả năng thi hành án tử hình ở Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời tuyên bố ủng hộ việc tiếp tục đối thoại với Ankara.

“Nếu Thổ Nhĩ Kỳ trở lại hình phạt tử hình thì các cuộc đàm phán về việc gia nhập Liên minh châu Âu (EU) sẽ kết thúc”, ông Schulz khẳng định.

Tuyên bố trên của chủ tịch Nghị viện châu Âu được đưa ra trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường bắt giữ các nhà báo, phi công cũng như nhiều chính trị gia tại nước này.

Ngày 13/11, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ thông báo đã đình chỉ chức vụ 291 binh sỹ và 19 quan chức cấp cao thuộc lực lượng hải quân với cáo buộc liên quan đến cuộc đảo chính.

Trước đó 1 ngày, chính quyền tổng thống Erdogan đã bắt giữ một nhà báo người Pháp được cho là có liên quan đến vụ đảo chính tại nước này hồi giữa tháng 7.

Người bị bắt giữ là Olivier Bertrand, phóng viên tờ báo tiếng Pháp Les jours. Phản ứng trên trang mạng điện tử, Tổng biên tập tờ báo Isabelle Roberts yêu cầu nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ thả tự do cho nhà báo Bertrand đồng thời khẳng định không có lý do nào cho việc bắt giữ vô lý này.

Không chỉ thế, hôm 9/11, các công tố viên Thổ Nhĩ Kỳ đã ra lệnh bắt giữ thêm 55 phi công thuộc lực lượng không quân nước này. Theo truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, chiến dịch này được tiến hành ở 8 tỉnh nhưng tập trung ở Konya, khu vực Anatolia, miền Trung nước này.

Trong một diễn biến có liên quan, ngày 4/11, Ankara đã gây ra các phản ứng trái chiều khi bắt giữ 2 lãnh đạo và 9 nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ Nhân dân (HDP) của người Kurd với lý do những người này không sẵn sàng cung cấp bằng chứng đối với các tội có liên quan tới tuyên truyền khủng bố.

Thổ Nhĩ Kỳ khiến EU điêu đứng?

Đây không phải là lần đầu tiên EU lên tiếng phản đối những chính sách mà chính quyền tổng thống Erdogan áp dụng trong thời gian qua.

Tuy nhiên giới phân tích cho rằng, đây chỉ là phản ứng mang tính đối phó của châu Âu trong bối cảnh Ankara đang gia tăng các điều kiện với liên minh này.

EU đã nhiều lần khẳng định, Thổ Nhĩ Kỳ cần sửa đổi Luật Chống khủng bố gây tranh cãi và nhiều lần chỉ trích chiến dịch trấn áp mà chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành trong thời gian qua. Một số nước EU cũng tuyên bố ngừng đàm phán kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ để phản đối việc nước này đề xuất khôi phục án tử hình. Tuy nhiên đến thời điểm này, Ankara vẫn tỏ ra thắng thế trong các cuộc đối thoại với EU.

EU tự khiến mình rơi vào thế bất lợi trong cuộc đối đầu với Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngày 10/11, truyền thông quốc tế đồng loạt dẫn lời tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đe dọa sẽ mở cửa cho hàng triệu người tị nạn Syria ồ ạt đổ về châu Âu nếu không có bước tiến trong các cuộc đàm phán gia nhập EU.

“EU nên đưa ra quyết định cuối cùng về các cuộc đàm phán cho phép Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập khối”, ông Erdogan cảnh báo.

Theo người đứng đầu chính phủ Ankara, hiện nay có 3 triệu người tị nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ và đó là điều khiến EU phải suy nghĩ khi quyết định đối đầu với nước này.

“Châu Âu cần phải xem xét và suy nghĩ về việc 3 triệu người tị nạn này sẽ đi đâu nếu các cuộc đàm phán thất bại và Thổ Nhĩ Kỳ mở cửa biên giới. Đây là điều họ phải lo ngại”, ông Erdogan nhấn mạnh.

Thực tế, hiện nay Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác quan trọng của EU trong việc giải quyết khủng hoảng di cư. Đã không ít lần, Thổ Nhĩ Kỳ lấy Thỏa thuận di cư đạt được giữa 2 bên vào tháng 3 vừa qua, làm quân át chủ bài để hối thúc châu Âu trao quyền miễn thị thực cho công dân nước này và đẩy nhanh các cuộc đàm phán gia nhập EU.

Trả lời phỏng vấn trên báo NZZ (Thụy Sĩ) ngày 3/11, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã đưa ra lời đe dọa rút khỏi thỏa thuận tị nạn với EU và khẳng định sự kiên nhẫn của nước này đã đến giới hạn.

Theo ông Cavusoglu, Ankara đang cần câu trả lời dứt khoát từ EU liên quan đến vấn đề này trong vài ngày tới. Nếu không nhận được, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ buộc phải hủy bỏ việc thực thi một thỏa thuận nhằm kiềm chế người di cư với Liên minh châu Âu vào trước tháng 12 năm nay.

“Thổ Nhĩ Kỹ đã cung cấp một số giải pháp khai thông bế tắc của vấn đề miễn thị thực, ngoại trừ việc phải thay đổi luật chống khủng bố”, ông Cavusoglu nhấn mạnh.

Lo ngại trước những lời đe dọa từ Thổ Nhĩ Kỳ, tờ nhật báo Spigel của Đức hôm 19/8 tiết lộ, Chính phủ nước này đang tính tới khả năng xấu nhất, đó là Thổ Nhĩ Kỳ rút khỏi thỏa thuận với EU về giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư.

Khả năng này đòi hỏi Đức - với vai trò là "đàn anh" sẽ phải bàn tính các bước đi phù hợp và cụ thể trong kế hoạch hành động sắp tới.

Trung Dũng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/chau-au-co-dam-trung-phat-tho-nhi-ky-3322981/