Châu Á 'chia 3': WHO chỉ ra 'thủ phạm' cụ thể khiến COVID-19 tăng mạnh

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa công bố phân tích mới cho thấy các các khu vực khác nhau ở châu Á gia tăng làn sóng COVID-19 gần như cùng lúc, nhưng có sự khác biệt đáng kể về thủ phạm phía sau.

Báo cáo mà Báo Người Lao Động nhận được sáng 12-5 từ WHO cho biết trong tuần qua đã có sự thay đổi về lượng biến chủng được tổ chức này giám sát đặc biệt.

Theo đó, danh sách biến chủng được quan tâm (VOI) vẫn là 2, bao gồm XBB.1.5 và XBB.1.16.

Tỉ lệ lưu hành các biến chủng trên toàn cầu - Ảnh: WHO

Có 6 biến chủng đang được theo dõi (VUM), tức cấp độ giám sát thấp hơn VOI một bậc là BA.2.75, CH.1.1, BQ.1, XBB.1.9.1, XBB.1.9.2. và tập hợp các dòng XBB khác không gồm các loại đã kể.

Biến chủng XBF được theo dõi trong nhiều tuần qua đã bị loại khỏi danh sách VUM vì tỉ lệ còn rất thấp, bị các dòng khác lấn át, hiện lưu hành dưới 1%.

XBB.1.5 vẫn là dòng thống trị trên toàn cầu với tỉ lệ lưu hành lên tới 47,54% trong tuần thống kê gần nhất, giảm một chút so với 48,98% của tuần vừa qua, duy trì tỉ lệ giảm chậm hàng tuần.

Xét riêng từng khu vực dịch tễ, XBB.1.5 chiếm ưu thế ở châu Mỹ, châu Phi, châu Âu và Tây Thái Bình Downg, trong khi XBB.1.9 chiếm ưu thế ở Đông Địa Trung Hải và XBB.1.6 chiếm ưu thế ở Đông Nam Á.

Tây Thái Bình Dương là khu vực dịch tễ mà WHO xếp Việt Nam vào, với biểu đồ của WHO cho thấy XBB.1.5 chiếm gần một nửa số trình tự gien SARS-CoV-2 được giải mã giám sát, trong khi hơn một nửa còn lại là XBB.1.9.1 và XBB.1.16, trong đó XBB.1.9.1 trội hơn một chút.

Khu vực Đông Nam Á lân cận, không bao gồm Việt Nam, Lào, Campuchia như Đông Nam Á địa lý nhưng bao gồm cả Ấn Độ và vài nước kế cận, ngoài XBB.1.16 chiếm gần 60% còn có xự xuất hiện của XBB.2.3 và XBB.1 nói chung.

Châu Phi báo cáo thêm biến thể XBB.1.22.1, đã tạo nên một dòng biến chủng mới chiếm hơn 20% số trình tự gien được báo cáo, tuy nhiên số trình tự còn ít so với các trình tự được gửi về khắp thế giới.

Đông Địa Trung Hải cũng có thêm XBB.1.19.1.

Biểu đồ của WHO với các cột không chạm mốc 100% là do nhiều "vùng trắng" trên toàn cầu, tức dữ liệu giải trình tự giám sát biến chủng còn hạn chế nên không thống kê được

Tỉ lệ các biến chủng theo từng khu vực dịch tễ, lần lượt từ trên xuống: châu Phi, châu Mỹ, Đông Địa Trung Hải, châu Âu, Đông Nam Á, Tây Thái Bình Dương - Ảnh: WHO

Tuy các biến thể mới của Omicron liên tục xuất hiện và một số trong chúng đã tạo ra những dòng biến chủng mới lưu hành khá phổ biến, nhưng cho đến nay kể các các VOI như XBB.1.5 hay XBB.1.16 đều không cho thấy sự gia tăng về độc lực (khả năng gây bệnh nặng và tử vong) dù thoát miễn dịch tốt, gây tái nhiễm nhiều và dẫn đến sự gia tăng về số ca.

Cả VOI và VUM đang được WHO giám sát đều là cấp độ thấp hơn VOC, tức các biến chủng gây lo ngại như chủng gốc, Alpha, Delta, Omicron ban đầu...

Biểu đồ số ca nhập viện, số ca ICU (hồi sức tích cực) và tử vong toàn cầu tiếp tục chu kỳ giảm rõ rệt.

Biểu đồ thể hiện số ca mắc (cột màu xám), số ca nhập viện (đường màu xanh), số ca ICU (màu tím) và số ca tử vong (màu vàng) - Ảnh: WHO

Anh Thư

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/suc-khoe/chau-a-chia-3-who-chi-ra-thu-pham-cu-the-khien-covid-19-tang-manh-20230512111209548.htm