Chất vấn tại Quốc hội: Đã khác!

Chỉ là phiên chất vấn thôi nhưng cử tri cũng thấy Quốc hội đang thực hiện rất tốt chức năng của mình, tâm thế vào cuộc của các vị tư lệnh ngành!

Đại biểu Nguyễn Thái Học. (Ảnh: NDH)

Hai ngày chất vấn các Bộ trưởng đã diễn ra tại Quốc hội và mang lại cho những người theo dõi những cung bậc tình cảm khác nhau nhưng tựu trung lại, nội dung, hình thức và chất lượng chất vấn đã có nhiều thay đổi theo chiều hướng tiến bộ.

Chất vấn là một hình thức giám sát của Quốc hội và không chỉ diễn ra tại nghị trường, các phiên chất vấn còn có sự “giám sát” của người dân và không chỉ đối với những người đứng trên bục trả lời chất vấn mà với cả các đại biểu đặt câu hỏi tranh luận, qua đây, cử tri biết đến “cái tâm, cái tầm” của người đại diện cho mình như thế nào.

Có thêm một hình thức mới là “giơ biển tranh luận”. Hình thức này thu hút sự chú ý của mọi người và đó mới là phong cách của chất vấn.

Tranh luận đã mang lại không khí sôi động và kịch tính, hấp dẫn hơn. Áp dụng hình thức này đã loại bỏ được tình trạng nghe báo cáo lại do người bị chất vấn trình bày, dài dòng và không ai thích cả.

Chính vì hình thức tranh luận nên các vị Bộ trưởng trả lời chất vấn được khen là “mạch lạch, rõ ràng” tuy thước đo cho sự hài lòng có khác nhau.

Một điều đáng ghi nhận nữa là nội dung chất vấn đều là những vấn đề mà người dân cả nước quan tâm, lo ngại.

Có những vấn đề rất mới, vừa xảy ra ngoài xã hội đã tới thẳng nghị trường trở thành “điểm nóng”trong phiên chất vấn, ví dụ như việc các cô giáo bị điều động đi tiếp khách ở Hà Tĩnh.

Hoặc, có những vấn đề mà thường cho là “nhạy cảm” nên né tránh thì nay thẳng thắn đưa ra, chẳng hạn có “lợi ích nhóm” gì không trong việc xây dựng Nhà máy Thép Cà Ná Ninh Thuận.

Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở việc trả lời “rõ ràng, mạch lạc” thì cũng chỉ nói lên được một điều bình thường của phẩm chất Bộ trưởng cần phải có, chứ chưa phải là cái tài lãnh đạo của một tư lệnh ngành.

Cũng cần xác định rõ là các Bộ trưởng này thực sự mới ở trên cương vị của mình có 6 tháng. Vì thế, các nội dung và vấn đề chất vấn hoàn toàn là do tiền nhiệm để lại, mà những cái để lại đó toàn là những vấn đề gai góc.

Do vậy, sự chất vấn của đại biểu không phải để quy trách nhiệm mà muốn nêu thực trạng và để Bộ trưởng tỏ quan điểm, chính kiến, đặc biệt sẽ tiếp nhận, xử lý như thế nào tại nhiệm kỳ của mình.

Hẳn đại biểu cũng như cử tri đã nhận được câu trả lời từ các Bộ trưởng và những bước xử lý công việc tiếp theo. Đó cũng là một nội dung giám sát.

Chỉ là phiên chất vấn thôi nhưng cử tri cũng thấy rõ Quốc hội đang thực hiện rất tốt chức năng của mình và tâm thế vào cuộc của các vị tư lệnh ngành!

Nhị Ngọc

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/chat-van-tai-quoc-hoi-da-khac-d29218.html