Chất độc trong kiến ba khoang gấp 150 lần axít sunfuric đặc

TTƯT.PGS.TS Nguyễn Hữu Sáu, Phó Giám đốc BV Da liễu T.Ư cho biết, tuy kiến ba khoang không đốt người nhưng trong cơ thể loài kiến này có chất tiết dịch pederin rất độc. Nhiều nghiên cứu cho biết chất độc này mạnh gấp 10-15 lần nọc độc của rắn hổ. Độ gây bỏng mạnh gấp 100-150 lần axít sunfuric đậm đặc, vì thế khi tiếp xúc vào da có thể gây bỏng.

Tại buổi tư vấn truyền hình trực tuyến "Phòng các bệnh về da do kiến ba khoang, côn trùng đốt" do báo Sức khỏe&Đời sống tổ chức ngày 9/11, TTƯT.PGS.TS Nguyễn Hữu Sáu cho biết: Kiến khoang có tên khoa học là Paederus thuộc bộ cánh cứng vì có thể bay. Vì hình dạng của nó giống con kiến nên người ta gọi nó là kiến, có các tên khác nhau là kiến lác, kiến khoang… Con kiến này thường sống ở vùng đất ẩm, ven hồ hoặc bờ ruộng, thức ăn chính của nó là con côn trùng. Đối với nông nghiệp nó là con vật có lợi, vì thức ăn của nó là rầy nâu. Khi mùa gặt xong nó xuất hiện nhiều hơn.

“Đặc điểm của kiến khoang là chúng không đốt, nhiều người nghĩ nó là loài kiến đốt nhưng không phải. Trong cơ thể kiến khoang có chất tiết dịch tên là pederin rất độc, nhiều nghiên cứu cho biết chất độc này mạnh gấp 10-15 lần nọc độc của rắn hổ. Độ gây bỏng mạnh gấp 100-150 lần axít sunfuric đậm đặc, vì thế khi tiếp xúc vào da có thể gây bỏng”- PGS. Sáu nhấn mạnh.

Các chuyên gia trong chương trình truyền hình trực tuyến "Phòng các bệnh về da do kiến ba khoang, côn trùng đốt".

Kiến ba khoang “thích” độ cao?

Lý giải vì sao kiến ba khoang xuất hiện nhiều ở chung cư, nhà cao tầng, PGS. Sáu cho biết: “Đặc điểm của kiến ba khoang là rất thích ánh sáng đèn neon, trong khi đó nhiều nhà cao tầng của chúng ta được xây dựng ở các vùng ngoại ô, gần nhiều hồ, đầm. Một đặc điểm nữa là con côn trùng này thuộc bộ cánh cứng, có thể bay được nên chúng ta có thể gặp con kiến khoang ở các nhà cao tầng. Khi vào nhà nó có thể đậu lên quần áo hoặc trên người, khi con người đập vào nó, nó sẽ tiết ra chất độc pederin có thể gây bỏng. Bệnh chủ yếu do kiến khoang gây nên là viêm da tiếp xúc do chất pederin gây ra”.

Về vấn đề này, Nhà giáo ưu tú, PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn, Nguyên Giám đốc Trung tâm Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng, BV Bạch Mai chia sẻ ý kiến khá thú vị rằng, khi mùa gặt ở thôn quê kết thúc cũng là lúc kiến khoang không còn chỗ ở nên nó phải tìm thức ăn ở chỗ khác. Việc đô thị hóa nhanh chóng cũng giải thích tại sao bệnh do kiến khoang đốt trước đây chỉ gặp ở vùng nông thôn thì nay gặp rất nhiều ở thành phố.

Kiến ba khoang xuất hiện ở nhiều chung cư cao tầng. Ảnh minh họa.

Kiến ba khoang có thể tồn tại ở tất cả các tháng trong năm, tuy nhiên theo PGS. Sáu, có 2 mùa bệnh nhân đến khám tại BV Da liễu Trung ương nhiều nhất là tháng 3-4 và tháng 10, trùng với mùa gặt. Vào tháng 10 vừa qua, mỗi ngày BV tiếp nhận khoảng 60-70 trường hợp viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang. Đa số là tổn thương nhẹ, có triệu chứng rát bỏng đỏ, có mụn nước và mụn mủ, tổn thương thành dải. Do động tác của mọi người thường đập kiến và miết trên da, khiến tổn thương trở thành dải. Tuy nhiên có những trường hợp rất nặng, toàn bộ vùng mặt hoặc thân mình, bệnh nhân rất đau rát, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống.

Xả dưới vòi nước giảm tổn thương

Theo PGS. Sáu, biểu hiện chủ yếu của viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang là rát, bỏng, sau đó xuất hiện bọng nước, mụn nước, mụn mủ thành vệt trên da, lúc đó chúng ta sẽ cảm thấy rát hơn. Biểu hiện này thường dễ nhầm với bệnh zona. Tuy nhiên, viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang có thể ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, triệu chứng đau của viêm da tiếp xúc do kiến khoang là rát bỏng. Còn zona thường bọng nước, mụn nước từng chùm, chỉ có một bên cơ thể, triệu chứng cơ năng là bệnh nhân đau rất nhiều. Khi được chẩn đoán viêm da tiếp xúc do kiến khoang thì cần rửa tổn thương để làm loãng chất pederin để không làm bệnh nặng thêm, có thể bôi tại chỗ như hồ nước vừa có tác dụng giảm đau, chống viêm. Nếu nhiễm khuẩn nhiều, rộng có thể dùng kháng sinh toàn thân.

“Viêm da tiếp xúc do kiến khoang thường chỉ ngoài da, tại chỗ, không ảnh hưởng đến toàn thân trừ trường hợp bị nặng, vùng tiếp xúc nhiều. Tổn thương của bệnh viêm da tiếp xúc do kiến khoang đốt thường chỉ ở vùng thượng bì, rất nông, không sâu đến trung bì, nên không để lại sẹo. Chỉ cần điều trị 5-7 ngày sẽ khỏi, vết thâm sẽ mờ dần theo thời gian”- PGS. Sáu cho hay.

Tổn thương do kiến ba khoang gây ra.

Tuy kiến ba khoang chứa chất độc hại song các chuyên gia cũng cho biết, nếu người dân không động vào nó (giết chết, chà xát…) thì nó sẽ không tiết ra chất độc gây tổn thương da. Vì vậy khi không may gặp kiến ba khoang đậu trên da, người dân không nên đập, có thể thổi để nó bay đi hoặc “lừa” nó lên một tờ giấy để nó bay đi để tránh da bị tổn thương.

Để phòng tránh kiến khoang, các bác sĩ khuyến cáo cần vệ sinh môi trường xung quanh hoặc dùng thuốc diệt côn trùng để ngăn chúng phát triển, có thể đóng cửa sổ trước khi bật đèn, nếu thấy kiến khoang hoặc các con côn trùng khác trong nhà không nên đập bằng tay, loại bỏ chúng bằng cách quét... Nếu không may chúng ta sờ, đập vào nó chúng ta cần rửa tay ngay. Một thói quen tôi khuyên các bạn, khi bị vì chất pederin rất dễ hòa tan trong nước. Nếu dùng nước xả 5-10 phút, việc viêm da tiếp xúc sẽ nhẹ đi rất nhiều.

Nên uống nhiều nước thải độc tố

ThS.BS Lê Thị Hải, Nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia nhấn mạnh, nếu cơ thể con người có sức đề kháng tốt, miễn dịch tốt thì khi bị côn trùng đốt gây viêm da do tiếp xúc thì cũng dễ nhanh lành. Do đó, khi bị côn trùng đốt, kiến ba khoang đốt, hoặc ong đốt, có nghĩa là nọc độc của các côn trùng này xâm nhập vào cơ thể, điều đầu tiên quan trọng nhất cần làm là uống nhiều nước, nhằm thải bớt các độc tố. Ngoài ra cần có một chế độ ăn giàu protein, đủ chất đạm để giúp cơ thể sản xuất ra các kháng thể chống lại các tác nhân gây bệnh như ngứa ngáy, dị ứng. Chất đạm có nhiều trong thịt, cá, trứng, sữa...

Uống nhiều nước giúp thải độc tố. Ảnh minh họa.

Quan trọng thứ hai là bổ sung cho cơ thể vitamin và khoáng chất. Các vitamin có thể tăng cường sức đề kháng cho cơ thể là vitamin A, E, còn các khoáng chất tốt như là kẽm, selen.

“Khi bị dị ứng nên ăn những thực phẩm giàu vitamin A, vitamin C... có thể giúp các vết thương lành rất nhanh. Ngoài ra, kẽm rất quan trọng, luôn có mặt trong các loại mỹ phẩm bôi chống ngứa. Các loại như gà, thịt bò... rất nhiều kẽm, còn vitamin A thì có nhiều trong động vật như gan, trứng... hoặc từ rau xanh, củ quả màu đỏ, vàng. Vitamin C thì có nhiều trong các loại quả có múi như cam, chanh, quýt... Uống nước quả có nhiều vitamin và ăn đầy đủ các thực phẩm giàu kẽm... sẽ giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng và các vết sưng, đốt dễ lành nhanh”- ThS. Hải tư vấn.

Dương Hải

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/chat-doc-trong-kien-ba-khoang-gap-150-lan-axit-sunfuric-dac-n124692.html