Chắt chiu mật ngọt

Tận dụng các diện tích vườn cây ăn trái, cây công nghiệp lâu năm, nghề nuôi ong lấy mật ngày càng phát triển trên địa bàn tỉnh. Nghề này không khó nhưng đòi hỏi người nuôi phải cẩn thận, tỉ mỉ và am hiểu về đặc tính của loài ong, nhất là những kinh nghiệm để dưỡng đàn chuẩn bị mùa lấy mật mới.

Mùa mưa là lúc đàn ong không đi lấy mật và người nuôi phải cho ăn đường để duy trì đàn. Lúc này, ong chỉ được nuôi dưỡng đơn thuần chứ không quay lấy mật. Đây cũng là giai đoạn quan trọng để chăm con giống, chuẩn bị tách đàn. Do nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan, nuôi ong ngày càng khó và đòi hỏi nhiều công chăm sóc hơn.

Anh Đỗ Quốc Tuấn, xã Lộc Thuận, huyện Lộc Ninh chăm sóc đàn ong chuẩn bị cho mùa lấy mật tới - Ảnh: Đặng Hùng

Anh Đỗ Quốc Tuấn ở xã Lộc Thuận, huyện Lộc Ninh chia sẻ: “Ngày trước, cây cối nhiều nên phấn hoa phong phú, nuôi ong dễ hơn. Lúc đó, để đàn ong tự đi kiếm ăn cũng được, nhưng bây giờ người nuôi phải cho ăn uống, chăm sóc kỹ lưỡng”. Bên cạnh khu vực thùng nuôi ong của anh Tuấn là hàng chục chiếc thùng đang bỏ không. Anh Tuấn cho biết, đó là thùng của một người nuôi ong khác bỏ lại. Giờ nuôi ong khó nên không phải ai cũng duy trì được, nhiều người đã bỏ nghề.

Nói về những khó khăn gặp phải khi nuôi ong quy mô lớn, anh Tuấn cho hay, nghề này phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết, nguồn mật hoa, phấn hoa từ thiên nhiên. Năm nào mưa thuận gió hòa, cây cối phát triển thì sản lượng mật cao, ong ít bị bệnh. Dưới tay anh Tuấn là chiếc vỉ với hàng ngàn con ong thợ đang bu kín. “Thông thường một thùng sẽ có 5-6 vỉ như vậy. Giai đoạn này, mình chăm sóc tốt thì mùa mật tới sản lượng sẽ cao hơn” - anh Tuấn cho hay. Vừa cho ong ăn đường, anh vừa sử dụng bột đậu đắp lên phần trên vỉ để ong ăn bổ sung.

Giống ong Ý ngoại nhập cho năng suất mật vượt trội được người nuôi ưa chuộng lựa chọn

Hàng chục thùng ong được nuôi dưỡng dưới tán cao su chờ ngày lấy mật

Một trong những yếu tố quyết định nuôi ong lấy mật cho hiệu quả cao là nguồn ong giống. Hiện người nuôi ong thường chuộng 2 loại giống chính là ong nội và ong ngoại (hay còn gọi ong Ý). Ong nội có nguồn gốc trong nước, ít dịch bệnh và dễ nuôi nhưng sản lượng mật thấp. Trong khi ong Ý là giống ngoại nhập cho sản lượng mật cao, phù hợp nuôi số lượng lớn. “Chủ yếu bây giờ người ta nuôi giống ong Ý. Giống ong này có nhiều ưu điểm so với ong nội, như tính tụ đàn cao, thế đàn đông, lượng mật vượt trội, phù hợp để đầu tư phát triển trên quy mô lớn và cho giá trị kinh tế cao hơn” - anh Nguyễn Hữu Thành, người nuôi ong ở xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh chia sẻ.

Anh Thành cũng cho biết thêm, ong ngoại có ưu điểm vượt trội song lại phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết. Nếu không có biện pháp chăm sóc phù hợp thì tổng đàn sẽ bị thất thoát nhiều.

Để tạo ra được mật ong phải có công sức của ong chúa và hàng trăm con ong thợ trong đàn. Thời gian thu hoạch mật cũng phụ thuộc nguồn thức ăn. “Khu vực nào có nguồn hoa tốt, nhiều mật thì 10-15 ngày mình có thể thu hoạch một lần. Nhưng nếu nguồn hoa kém thì có khi cả tháng mới thu 1 lần. Lượng mật đạt cao thì một vỉ ong có thể quay được từ 700 gam đến 1kg mật” - anh Thành cho hay.

Một vài tháng nữa là sẽ đến mùa lấy mật mới và cũng là lúc người nuôi ong đặt nhiều kỳ vọng nhất. Không chỉ hy vọng mưa thuận gió hòa, cây cối đâm chồi nảy lộc mà họ còn mong muốn đầu ra của mật ong ổn định hơn để có thể tiếp tục gắn bó với nghề.

Thu Thảo

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/150674/chat-chiu-mat-ngot