Chào hè bằng những tác phẩm của Giải thưởng văn học Kim Đồng

Chọn lựa từ hơn 200 bản thảo của các tác giả khắp mọi miền Tổ quốc dự Giải thưởng văn học Kim Đồng, Nhà xuất bản Kim Đồng đã cho ra mắt 5 tác phẩm của mùa giải lần thứ nhất.

Các nhà văn tham gia tọa đàm do Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức về văn học thiếu nhi tại Hải Dương.

“Quà Tết của rừng xanh” (Hồng Chiến), “Cánh diều hình nốt nhạc” (Niê Thanh Mai), “Mùa động rừng” (Sương Nguyệt Minh), “Nhảy lên và hét” (Phong Điệp) và “Đại náo nhà ông ngoại” (Nguyễn Xuân Thủy) đã chiếm được cảm tình của bạn đọc, nhất là các em thiếu nhi.

Tập truyện “Quà Tết của rừng xanh” của tác giả Hồng Chiến gồm 14 truyện ngắn đầy hương vị của núi rừng Tây Nguyên. Bản sắc văn hóa bản địa, sự kỳ thú của thiên nhiên tạo nét cuốn hút qua những chi tiết đầy thú vị. Nhà văn Sương Nguyệt Minh trong tiểu thuyết mới “Mùa động rừng” gồm 20 chương lại kể về cuộc phiêu lưu bất đắc dĩ của Cún Vàng giữa núi rừng Tam Điệp nguyên sơ mênh mông, với những thợ săn và các loài thú hoang dã.

Tác phẩm là bài ca ca ngợi vẻ đẹp hoang sơ, thiên nhiên kỳ vĩ của núi rừng, đồng thời gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh để mỗi người cần biết bảo vệ môi trường sống, tôn trọng và sống thuận hòa với thiên nhiên. Cuốn tiểu thuyết được nhà văn Sương Nguyệt Minh viết trải dài trong hơn 20 năm và đây là lần đầu tiên ông viết cho thiếu nhi.

Niê Thanh Mai - nữ nhà văn người Ê Đê, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk trong tập truyện dài “Cánh diều hình nốt nhạc” đã mang đến câu chuyện dễ thương về Đèn Pha (9 tuổi) sống với ông bà ngoại, mẹ và em gái, bố là bộ đội biên phòng.

Cuộc sống của cậu bé được tác giả kể với cảm xúc tươi tắn, sống động từ chuyện bố đóng chuồng gà, bà nuôi thỏ, trồng rau, ông làm bảo vệ, mẹ đan áo... Trái tim trong sáng của trẻ thơ không ngừng được bồi đắp, mở rộng bởi những câu chuyện nhân văn mỗi ngày.

“Nhảy lên và hét” của Phong Điệp và “Đại náo nhà ông ngoại” của Nguyễn Xuân Thủy là hai truyện dài viết về bối cảnh mùa dịch dã tràn đến thành phố. Là cây bút sung sức, luôn dành tâm huyết cho đề tài văn học thiếu nhi, nhà văn Phong Điệp tập trung vào câu chuyện các bạn nhỏ học online giữa mùa dịch bệnh. Bằng nhiều chi tiết hiện thực nóng hổi nhưng vui nhộn và sinh động, tác giả truyền đi thông điệp:

Dịch bệnh không đáng sợ bằng việc chúng ta bị mất đi sức mạnh của tinh thần lạc quan, ý chí quyết tâm và thậm chí không còn ước mơ. Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy đầy dí dỏm với câu chuyện của Mắt To (10 tuổi) bỗng nhiên được hưởng một kỳ nghỉ hè đáng nhớ. Thế giới bên ngoài khép cửa, căn nhà của ông bà ngoại “như một hang động để khám phá những điều bí ẩn”. Khám phá từ vườn cổ tích với vô số cây thuốc nam của bà, tủ thuốc tây của ông đến bí mật dưới đáy ao với những loài thủy quái...

Từ “bẻ khóa” máy tính đến tập trang điểm, trình diễn thời trang, nhuộm lông cho chú chó cún, giác hơi giải cảm... Không chỉ lũ trẻ, mà người lớn cũng có dịp được “chuyến đi một vé về tuổi thơ” với tác phẩm ấn tượng này.

Trong thời gian vừa qua, Ban Tổ chức Giải thưởng văn học Kim Đồng đã triển khai các cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi thông qua nhiều buổi gặp gỡ giao lưu với các tác giả tại Hội Văn học nghệ thuật các tỉnh: Bình Định, Gia Lai, Đắk Lắk, An Giang... Và mới nhất là vào ngày 27/3, cuộc vận động sáng tác được tổ chức tại Hải Dương.

Những tác phẩm dự thi đầu tiên được giới thiệu tới độc giả không chỉ là những trái ngọt của giải thưởng, mà còn là nguồn cổ vũ, động viên, truyền cảm hứng rất lớn đối với những cây bút chuyên viết cho thiếu nhi và cả những tác giả lần đầu viết cho bạn đọc nhỏ tuổi.

Lần đầu tiên viết một truyện dài cho thiếu nhi được xuất bản, nhà văn Niê Thanh Mai không giấu nổi niềm vui và xúc động, chị chia sẻ: Nhà xuất bản Kim Đồng đã truyền cảm hứng đặc biệt và quý giá cho các tác giả, nhất là tác giả mới bắt đầu viết cho thiếu nhi. Đó là động lực lớn để tác giả tiếp tục viết, đồng thời cũng là cách truyền lửa với những người viết khác đang nhen nhóm niềm đam mê với đề tài văn học thiếu nhi rất đáng trăn trở hiện nay. Tuy nhiên, quan trọng là viết như thế nào để các em đón nhận thật sự chứ không chỉ là một trào lưu ngắn hạn.

Vừa xuất hiện với tác phẩm mới, lại vừa tái bản tập bút ký “Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa”, Trung tá, nhà văn Nguyễn Xuân Thủy tiết lộ: Sau những chuyến trải nghiệm chinh phục các đỉnh núi cao hàng đầu đất Việt, anh nảy ra ý định sẽ viết một cuốn sách kể cho các em nghe về những nóc nhà Tổ quốc.

Như vậy những chuyến đi sẽ không chỉ là đam mê mà còn được chuyển hóa thành sách ở dạng kết hợp giữa kiến thức địa chất, khí hậu, sinh vật và văn học... phần nào giống với “Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa”. Theo nhà văn, thách thức lớn nhất khi viết cho thiếu nhi là cần đặt mình vào vị thế của trẻ em để sống lại tuổi thơ của mình.

Trẻ con thì chưa từng là người lớn, song bất cứ người lớn nào cũng từng là trẻ con, vì thế người lớn có trách nhiệm hiểu hơn là đòi hỏi. Luôn phải cập nhật tâm lý con trẻ theo thời đương đại là một điều kiện tiên quyết để có thể làm bạn được với các em, tuyệt đối tránh sự áp đặt. Viết cho thiếu nhi không dễ, vì cần sự trong trẻo, hồn nhiên để bước cùng các em vào thế giới luôn đầy ắp tiếng cười.

Theo nhandan.vn

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/van-hoc-nghe-thuat/chao-he-bang-nhung-tac-pham-cua-giai-thuong-van-hoc-kim-dong/209785.htm