Chàng trai hơn 5 năm bán vé số, nuôi mẹ của… bạn thân

Dù chỉ là mẹ của bạn thân, nhưng do biết ơn tình cảm của bà Năm dành cho mình từ khi còn là cậu bé mồ côi, anh Văn Tâm nguyện cùng đi bán vé số, chăm lo cho bà như mẹ ruột.

Gọi người dưng 2 tiếng “má ơi”

Đều đặn mỗi ngày, người dân sống tại khu vực phường Bình Trưng Đông (quận 2, TPHCM) lại thấy bóng dáng của người đàn ông trung niên, đưa cụ bà ra đoạn Miếu Ba Cô để ngồi bán vé số.

Mỗi ngày, người ta lại thấy anh Tâm chở bà Năm đi bán vé số

Thoáng nghe tiếng gọi “má ơi” từ người đàn ông, ít có ai biết được cụ bà không phải mẹ ruột mà là mẹ của bạn thân anh. Hơn 5 năm qua, anh Nguyễn Mai Văn Tâm (43 tuổi) một tay chăm sóc, cùng bà Nguyễn Thị Năm (86 tuổi) bán vé số mưu sinh mỗi ngày. Dù chỉ là mẹ “dưng”, anh Tâm chưa có ngày nào để bà Năm phải một mình tự lo.

Không có nhiều tiền, nhưng hễ bà Năm thèm ăn gì, anh Tâm lại lật đật đi mua. Nhiều người nghĩ anh là người chăn dắt ăn xin, lợi dụng lòng thương, anh chẳng nói gì vì chỉ có bà Năm là hiểu rõ anh thương bà đến mức nào.

Đúng 6h sáng, anh Tâm thức dậy từ sớm để vệ sinh cá nhân cho bà Năm. Ăn sáng xong, hai mẹ con liền chạy xe ba bánh của mạnh thường quân ủng hộ để đi bán. Bà Năm đã lớn tuổi, không thể đi lại nhiều nên thường ngồi một chỗ để bán. Còn anh Tâm thì đạp xe, thỉnh thoảng đi bộ để tìm khách.

Bán đến trưa, anh Tâm lại quay về đưa bà Năm về nhà nghỉ ngơi. Còn anh thì không ngơi tay lúc nào. Đôi bàn tay chai sạn vội vuốt mái tóc bạc màu của mẹ, rồi cả việc thay tã, đút sữa cho bà Năm anh cũng làm nốt. Lớn tuổi, bà Năm thường càm ràm. Anh Tâm thấy vậy càng thương và dỗ dành mẹ nhiều hơn.

Mỗi ngày, hai mẹ con anh bán được 300 tờ vé số. Hàng tháng, địa phương hỗ trợ cho bà Năm 900.000 đồng, riêng anh Tâm là người chăm sóc nên được cho thêm 300.000 đồng. Số tiền kiếm được anh Tâm dùng để chi trả phí sinh hoạt, cũng không dư dả để sắm sửa cho riêng mình.

Cả hai cùng nương tựa lẫn nhau trong căn trọ nhỏ

Nhiều lúc, bà Năm nhìn anh Tâm hồi lâu, rồi bộc bạch: “Hay con bỏ má đi mà sống phần đời của mình”. Anh Tâm nghe vậy liền gạt ngang: “Con không bỏ má được. Khi nào con má về thì con đi”.

Hiểu rõ tấm lòng của anh Tâm, người dân sống quanh đó thường đến ủng hộ vé số của hai mẹ con. Nhiều lúc, mạnh thường quân cũng ghé ngang để cho thực phẩm, khiến cuộc sống của anh và bà cũng đỡ vất vả hơn.

Món nợ ân tình

Trước đây, anh Tâm lớn lên từ công việc bán dạo ở chợ Bến Thành (quận 1, TPHCM). Gia đình khó khăn, anh chẳng được đến trường bữa nào nhưng may mắn có bạn thân là con của bà Năm. Mất bố mẹ từ nhỏ, anh thường qua nhà bà Năm chơi, rồi ăn cơm, ngủ nghỉ, tắm rửa như nhà của mình. Dù chẳng máu mủ, ruột thịt, bà Năm vẫn rất thương anh như con cháu trong nhà.

Riêng bà Năm, bà cũng từng kết hôn rồi sinh 4 người con gái, 1 người con trai. Chồng mất sớm khi bà khoảng 30 tuổi, một mình bà Năm làm nhiều nghề bươn chải nuôi con. Bỗng một ngày rơi vào cảnh nợ nần, bà Năm phải bán nhà trả nợ, một phần tiền còn lại chia cho các con.

Thời gian trôi qua, con bà lớn dần nhưng gặp thêm nhiều biến cố. Một người con gái của bà qua đời vì dịch Covid-19, một người bị tâm thần, còn 2 người con gái còn lại thì đi lấy chồng, không đủ kinh tế chăm lo cho bà. Còn duy nhất người con trai là bạn thân của anh Tâm, người này cũng đi làm ăn xa ở tận Thái Lan.

Cuộc đời trải qua nhiều biến cố, bà Năm không còn mưu cầu gì ngoài việc được gặp lại người con trai

Những tưởng cuộc đời khốn khổ chỉ dừng ở đó, con trai bà vướng vòng lao lý ở nước ngoài, không thể về thăm mẹ. Năm 2017, bà Năm bỗng bị liệt thân dưới, anh Tâm thấy vậy liền chạy sang thay bạn chăm sóc mẹ.

Hay tin, gia đình anh phản đối kịch liệt vì anh cũng bị liệt một bên chân, vừa trải qua phẫu thuật “thừa sống thiếu chết”. Không những vậy, thời gian đầu do không quen chăm sóc người già, anh từng ói “xanh mặt” khi thay tã, vệ sinh cá nhân cho bà Năm.

“Gia đình nói bản thân tôi còn chưa khỏe mạnh, sao còn đi lo cho người khác. Mọi người giận lắm, đòi từ mặt tôi nữa. Nhưng một thời gian sau thì họ thấu hiểu, đến giờ vẫn hỗ trợ tôi chăm sóc cho mẹ. Tôi thì sau một khoảng thời gian rồi cũng quen, chăm sóc mẹ cũng dễ dàng hơn”, anh Tâm nói.

Thấu hiểu nguyện vọng của mẹ, anh Tâm luôn cố hết sức chăm lo cho bà

Đối với anh, dù bà Năm không phải người sinh ra anh nhưng bản thân từ lâu đã xem bà như mẹ ruột. “Tôi không có mẹ nên có thể nói ở bên cạnh bà tôi cảm thấy như gia đình thật sự. Bỏ thì tội lắm, thường ngày tôi đi lâu một chút thôi mẹ đã tìm tôi khắp nơi. Tôi chỉ ước mẹ được khỏe mạnh cho đến khi con trai về nước, lúc đó tôi nghĩ mẹ đã hạnh phúc lắm rồi”, anh Tâm nghẹn ngào.

Kỳ Hoa

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chang-trai-hon-5-nam-ban-ve-so-nuoi-me-cua-ban-than-post257597.html