Chân tướng trận Xích Bích

Cho nên, trận chiến Xích Bích thực sự là mấu chốt quan trọng trong việc phân chia hay thống nhất thiên hạ lúc bấy giờ.

Trận chiến Xích Bích là một sự kiện lịch quan trọng trong lịch sử thời Tam Quốc. Giả sử khi ấy không có trận chiến này, hoặc giả tuy có trận chiến này mà Tào Tháo lại thắng, thì thiên hạ sẽ trở thành cục diện thống nhất chứ sẽ chẳng chia ba nữa. Cho nên, trận chiến này thực sự là mấu chốt quan trọng trong việc phân chia hay thống nhất lúc bấy giờ.

Muốn biết chân tướng của trận chiến Xích Bích, trước tiên phải biết tình thế của ba phương diện Tào, Lưu, Tôn lúc bấy giờ.

[...]

Tam quốc sử thoại của tác giả Lã Tư Miễn, Châu Hải Đường dịch.

Khi ấy, ở phía Tôn Quyền, đang phải quyết định kế sách xem hàng hay chiến. Theo những gì sử sách ghi chép, thì việc ấy là: Tôn Quyền tụ tập quần thần hội nghị, đại đa số mọi người chủ trương nghênh hàng Tào Tháo. Lý do là: (1) Tào Tháo lấy danh nghĩa là tướng nhà Hán, nếu chống cự ông ta thì khác nào chống lại triều đình.

(2) Tào Tháo đã có được thủy quân của Kinh Châu, lại có bộ binh, thủy lục cùng tiến, chứ không phải chỉ chuyên cậy vào quân kị, cho nên cái hiểm yếu của Trường Giang, không đủ để trông cậy nữa.

Và cái thứ (3) là: quân Tào đông, quân Tôn Quyền ít không địch lại nổi. Chỉ có Lỗ Túc là không nói gì.

Lúc Tôn Quyền đi ra thay áo, Lỗ Túc bèn đi theo sau ra. Tôn Quyền biết là ông ta có điều muốn nói, bèn nắm tay bảo: “Ông có gì muốn nói?” Lỗ Túc thưa: “Những lời nghị bàn của mọi người khi nãy, sẽ làm lỡ mất việc của ngài đó, ngài chớ có nghe họ. Như tôi thì có thể đầu hàng Tào Tháo được, chứ ngài thì không như vậy được. Vì sao ư? Vì tôi ở dưới trướng của ngài, chẳng qua là làm một chức quan thôi, đầu hàng Tào Tháo rồi, vẫn là được làm quan, chứ còn ngài thì thế nào đây?”.

Mấy câu nói ấy chính hợp ý nghĩ của Tôn Quyền, Tôn Quyền bèn tỏ ý nghe theo. Khi ấy, Chu Du vì có việc nên đang ở Phồn Dương, Lỗ Túc bèn khuyên Tôn Quyền cho vời Chu Du về để cùng bàn kế hàng hay đánh. Chu Du về tới nơi, bèn quyết định nghênh chiến.

Lý do ông ta đưa ra là: (1) Phương bắc vẫn chưa hoàn toàn bình định, lại thêm ở Quan Tây còn có Hàn Toại, Mã Siêu, quân của Tào Tháo nhất định không thể dùng kế lâu dài được;

(2) Người phương bắc không giỏi thủy chiến, mà người Kinh Châu lại không phải thực sự tâm phục Tào Tháo;

(3) Hơn nữa, đã gần tiết Đại hàn, cỏ ngựa thiếu thốn, thiên thời cũng không thích hợp. Lời của Gia Cát Lượng du thuyết Tôn Quyền, lý do đưa ra đại khái cũng tương tự vậy. Vì vậy, Tôn Quyền bèn quyết ý liên hợp với Lưu Bị, cùng chống lại Tào Tháo, sai Chu Du, Trình Phổ làm Tả, Hữu đốc, Lỗ Túc làm Tán quân Hiệu úy, cùng đi hiệp lực với Lưu Bị.

Tương quan binh lực hai bên khi ấy: Đại khái quân phương bắc có 15, 16 vạn, quân Kinh Châu có 7, 8 vạn, tổng cộng Tào Tháo có hơn hai mươi vạn quân. Phía Lưu Bị, hợp cả thủy lục tổng cộng có một vạn người, quân Giang Hạ của Lưu Kỳ cũng có một vạn. Quân của Chu Du, Trình Phổ, theo như Tam Quốc chí cũng có chỗ nói là mỗi người có một vạn quân, cũng có chỗ lại nói tổng cộng có ba vạn quân, đại khái dưới tay Lỗ Túc cũng có một số quân nữa, tổng cộng lại là có ba vạn quân.

Quân Tôn Lưu ước chừng có trên dưới năm vạn. Binh lực đôi bên như thế, đại khái so ra thì kẻ một, người năm. Nhưng xét về địa lợi và sở trường của quân đội mà nói, quân miền nam rõ ràng chiếm ưu thế hơn, lại được Hoàng Cái dâng kế hỏa công, nên cuối cùng đã đánh đại bại quân Tào ở Xích Bích thuộc huyện Gia Ngư.

Tào Tháo quả nhiên không thể cầm nhau được lâu, chỉ lưu Tào Nhân lại giữ Giang Lăng, rồi tự dẫn đại binh về bắc. Chu Du lại đuổi theo mà đánh, Tào Nhân giữ không nổi, chỉ còn cách vứt bỏ nốt Giang Lăng. Thế là khu vực lưu vực Trường Giang không còn bóng dáng quân phương bắc của Tào Tháo, mà hình thế phân chia nam bắc cũng được hình thành.

Lã Tư Miễn/Tao Đàn và NXB Hội Nhà Văn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chan-tuong-tran-xich-bich-post1438690.html