Chân dung loài báo quý hiếm mới phát hiện bị nhốt ở TPHCM

Cơ quan chức năng vừa giải cứu những con báo hoa mai thuộc loài nguy cấp quý hiếm bị nhốt trong một KDL ở TP HCM.

Mới đây, cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra và phát hiện Khu du lịch Tây Thành, công viên nước Củ Chi (xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi, TP HCM) có dấu hiệu nuôi nhốt trái phép động vật quý hiếm, cụ thể, khu du lịch này nuôi nhốt trái phép 3 con báo hoa mai (2 con nặng hơn 5kg, khoảng 3 tháng tuổi và 1 con 9kg, gần 2 năm tuổi). 3 con báo thuộc danh mục loài nguy cấp quý hiếm được ưu tiên bảo vệ. Sau đó, Thảo Cầm Viên Sài Gòn đã tiếp nhận 3 con báo hoa mai từ cơ quan chức năng để nuôi tạm.

Báo hoa mai, thường gọi tắt là Báo hoa (Panthera pardus) là một trong bốn loài mèo lớn thuộc chi Panthera sinh sống ở châu Phi và châu Á. Chúng dài từ 1 đến gần 2m, cân nặng từ 30 đến 90 kg. Con cái thông thường có kích thước bằng khoảng 2/3 con đực.

Tuy thân hình tương đối nhỏ so với các loại mèo lớn khác nhưng báo hoa mai là những kẻ săn mồi nguy hiểm đáng sợ.

Phần lớn báo hoa mai có màu nâu hay nâu vàng nhạt với các đốm đen, nhưng lớp lông của chúng thì rất đa dạng. Các đốm có xu hướng nhỏ hơn về phía đầu, lớn hơn và có tâm nhạt ở phía thân. Ban đầu, người ta cho rằng báo hoa mai là con lai giữa sư tử và báo, trên thực tế, "báo" có thể là một vài loài trong họ Mèo có gen tạo ra màu đen hơn là màu nâu vàng, vì thế tạo ra lớp lông đen thuần, ngược lại với những con có màu đốm thông thường.

Trước khi có những thay đổi do con người tạo ra trong mấy trăm năm trở lại đây, báo hoa mai đã từng là loài mèo phân bố rộng nhất hơn cả mèo nhà: Chúng được tìm thấy ở mọi nơi thuộc châu Phi (ngoại trừ sa mạc Sahara), cũng như ở Tiểu Á và Trung Đông, Ấn Độ, Pakistan, Trung Quốc, Xibia, phần lớn đất liền của khu vực Đông Nam Á, các đảo Java, Zanzibar và Sri Lanka.

Báo hoa mai có thể dễ dàng phân biệt với họ hàng gần là báo đốm Mỹ nếu người ta biết nhìn vào những điểm cần thiết. Phần lớn báo hoa mai không có đốm trong các hoa thị mà báo đốm Mỹ luôn luôn có. Báo hoa mai Amur và báo hoa mai Hoa Bắc thỉnh thoảng là ngoại lệ. Báo hoa mai nhỏ hơn và ít rắn chắc hơn báo đốm Mỹ, mặc dù chúng chắc nịch hơn báo gêpa.

Ngoài bề ngoài thì báo hoa mai và báo đốm Mỹ còn khác nhau về thói quen sinh sống. Báo đốm Mỹ, đã quen với cuộc sống trong các rừng mưa nhiệt đới, thích sống gần nước, trong khi báo hoa mai thông thường là tránh ẩm ướt, và là sống trên cây nhiều hơn. Báo săn, mặc dù sống lẫn trong khu vực sinh sống của báo hoa mai, cũng rất dễ phân biệt. Báo hoa mai nặng hơn, rắn chắc hơn, có đầu to (theo tỷ lệ với cơ thể), và có các hoa thị hơn là các đốm.

Những nơi thu mẫu của báo hoa mai ở Việt Nam là Lai Châu, Bắc Kạn, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Lâm Đồng. Báo hoa mai có phân bố rộng ở các vùng rừng núi trong toàn quốc, nhưng số lượng rất ít.

Loài thú quí, hiếm, có giá trị nghiên cứu khoa học và góp phần điều hòa số lượng cá thể các quần thể con mồi, giúp cân bằng sinh thái tự nhiên

Báo hoa mai được đưa vào Sách đỏ Việt Nam và Nhóm IB Nghị định 32/2006/NĐ-CP. Cần có chiến lược bảo vệ rõ ràng cho các khu vực đặc biệt là các khu bảo vệ còn báo gấm sinh sống. Cần tổ chức nhân nuôi sinh sản bán tự nhiên để bảo tồn loài và thả lại vào thiên nhiên khi có điều kiện phù hợp. (Nguồn ảnh trong bài: Pinterest, Akrive)

Lưu Thoa (TH)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/kham-pha/chan-dung-loai-bao-quy-hiem-moi-phat-hien-bi-nhot-o-tphcm-925141.html