Chặn đà suy giảm xuất khẩu gạo

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình xuất khẩu gạo từ đầu năm đến nay vẫn bế tắc. Cụ thể, 11 tháng qua, lượng gạo xuất khẩu chỉ đạt 4,54 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu hai tỷ USD, giảm 25% về khối lượng và 20,3% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Dự tính, năm nay, xuất khẩu gạo cả nước khó đạt mốc 5 triệu tấn, thấp nhất kể từ năm 2009 đến nay.

Xuất khẩu gạo suy giảm khiến nhu cầu thu mua lúa gạo trong nước giảm, lượng gạo tồn đọng tăng trong khi các tỉnh phía nam bắt đầu gieo cấy lúa đông xuân. Thực tế này ảnh hưởng đến thu nhập của hàng chục nghìn nông dân và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, tác động xấu đến niềm tin vào đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo đang được ngành nông nghiệp triển khai.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Về khách quan là thị trường gạo thế giới không có nhu cầu nhập khẩu lớn. Trung Quốc, thị trường chính và tiềm năng của xuất khẩu gạo Việt Nam với 36% thị phần, hiện đã hết hạn ngạch nhập khẩu chính ngạch. So với cùng kỳ, lượng gạo nhập khẩu vào các thị trường Phi-li-pin giảm 61,6%, Ma-lai-xi-a giảm 51,5%, Xin-ga-po giảm 34,1%, Bờ Biển Ngà giảm 29,1%, Mỹ giảm 28,3%. Trong khi đó, nhiều quốc gia xuất khẩu gạo lại được mùa khiến nguồn cung lớn hơn cầu. Về chủ quan, việc dự báo thị trường lúa gạo thế giới của ngành nông nghiệp nước ta không sát thực tế; không điều tiết kịp thời hệ thống sản xuất phù hợp diễn biến thị trường, nhất là chưa quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành triển khai đề án tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo. Hạt gạo Việt Nam chưa có thương hiệu, chưa có nhiều sản phẩm chất lượng cao, dẫn đến nghịch lý là trong khi xuất khẩu gạo khó khăn, gạo rẻ tồn đọng thì gạo chất lượng cao của nước ngoài lại âm thầm nhập lậu vào thị trường trong nước.

Để chặn đà suy giảm và hồi phục thị trường xuất khẩu gạo, ngành nông nghiệp và các doanh nghiệp kinh doanh gạo cần tích cực đẩy mạnh xúc tiến thương mại tại các thị trường tiềm năng ở khu vực châu Phi, tháo gỡ khó khăn tại các thị trường chính như Phi-li-pin, Mỹ, thậm chí tiếp tục "mở đường" xuất khẩu gạo sang Trung Quốc.

Về lâu dài, cần quyết liệt thực hiện đề án tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo mà ngành nông nghiệp đang triển khai, tập trung cho xây dựng thương hiệu gạo, quy hoạch sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm theo nhu cầu thị trường như gạo thơm, gạo đặc sản, gạo thực phẩm chức năng… để đến năm 2020, đạt mục tiêu cả nước có 20% lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam, đến năm 2030 đạt 50%, trong đó 30% là gạo thơm, gạo đặc sản.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/31472402-chan-da-suy-giam-xuat-khau-gao.html