Chấn chỉnh tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội đánh giá, năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế-xã hội, tiếp tục trở thành điểm sáng của kinh tế toàn cầu, tuy nhiên vẫn còn những hạn chế, bất cập cần nỗ lực khắc phục.

Quang cảnh phiên họp của Quốc hội tại Hội trường Diên Hồng ngày 27/10.

Nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ bức xúc khi việc triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội sau dịch Covid-19, các chương trình mục tiêu quốc gia, mặc dù được Quốc hội thảo luận với quyết tâm cao, kỳ vọng tạo được chuyển biến lớn, nhưng công tác triển khai thực hiện rất chậm, kết quả nhiều mục tiêu, chỉ tiêu còn hạn chế.

Ðiều này khiến nhiều động lực tăng trưởng chính chậm lại, ổn định kinh tế vĩ mô chưa thật sự vững chắc, sức chống chịu của nhiều doanh nghiệp đã đến mức tới hạn, thu hút vốn FDI gặp nhiều thách thức, nhất là thu hút các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, có tính lan tỏa, đóng góp lớn vào phát triển kinh tế-xã hội.

Một trong những nguyên nhân của hạn chế, theo đại biểu phản ánh cũng như báo cáo của Chính phủ trình bày tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, là do tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai khi xử lý công việc của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức; việc phân cấp, phân quyền một số lĩnh vực còn vướng mắc về thể chế, nhất là đối với những vấn đề phát sinh mới; công tác phối hợp giữa các cơ quan, địa phương, đơn vị trong xử lý công việc chưa chặt chẽ, kịp thời, kéo dài thời gian xử lý, ảnh hưởng tiến độ, chất lượng, hiệu quả công việc.

Vì thế, nhiều cơ chế, chính sách pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, áp dụng thiếu thống nhất nhưng chưa được sửa đổi; các cơ chế, chính sách về đất đai, bất động sản, nhà ở vẫn đang là điểm nghẽn được chỉ rõ từ nhiều năm nay; tiếp cận tín dụng còn khó khăn; tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế chưa được khắc phục triệt để… Rõ nhất như lĩnh vực đầu tư công, tưởng chừng điều khó nhất là không có tiền để chi tiêu, thế nhưng có tiền rồi vẫn không chi tiêu được.

Thời gian tới, nước ta sẽ phải tiếp tục đối mặt với “tác động kép” từ các yếu tố tiêu cực bên ngoài và những tồn tại, yếu kém nội tại, tích tụ, kéo dài từ lâu của nền kinh tế sẽ bộc lộ rõ và gay gắt hơn trong quá trình khắc phục hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19. Nếu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương không đề cao trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, chấn chỉnh tinh thần trách nhiệm trong xử lý công việc thì sẽ rất khó để tạo bứt phá, tiến tới hoàn thành các kế hoạch 5 năm theo Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng.

Chỉ còn hơn 2 năm nữa là kết thúc nhiệm kỳ để bước sang giai đoạn phát triển mới. Các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác kiểm tra hoạt động công vụ, kịp thời xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân làm chưa tốt. Cần tăng cường hiệu quả phối hợp, rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ, thủ tục giữa các đơn vị, bảo đảm các công việc thuộc thẩm quyền phải được xử lý nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả.

Cùng với tổ chức thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp, cần quán triệt thực hiện hiệu quả Nghị định số 73/2023/NÐ-CP ngày 29/9/2023 của Chính phủ quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Qua đó sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc, xây dựng môi trường thuận lợi để cán bộ, công chức, viên chức yên tâm cống hiến.

Thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức theo tiêu chí, bằng sản phẩm, kết quả cụ thể, từ đó cá thể hóa trách nhiệm cá nhân trong từng khâu của quy trình xử lý công việc. Kiên quyết thay thế, xử lý trách nhiệm đối với người làm việc cầm chừng, né tránh, sợ trách nhiệm gây trì trệ công việc, đồng thời, có căn cứ thực hiện hiệu quả công tác bố trí, sử dụng cán bộ.

Theo NDĐT

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/thoi-su-chinh-tri/chan-chinh-tinh-than-trach-nhiem-trong-thuc-thi-nhiem-vu-EYsxaDVIR.html