Chặn chiêu trốn thuế của các nền tảng xuyên biên giới

Với những chiêu thức trốn tránh nghĩa vụ thuế tinh vi trên các nền tảng xuyên biên giới, mỗi năm Nhà nước thất thu hàng chục nghìn tỷ đồng. Vì vậy, bên cạnh việc thúc đẩy tiềm năng, cơ quan chức năng cần giải quyết các thách thức từ quản lý, hệ thống chính sách, pháp luật…

Đủ chiêu lách luật

Thời gian qua những chiêu thức tinh vi nhằm trốn tránh nghĩa vụ thuế tiếp tục diễn biến phức tạp trên các nền tảng xuyên biên giới. Có rất nhiều cách thức để người bán hàng “né” nộp thuế như tăng cường nhận tiền mặt, hoặc nếu thanh toán chuyển khoản, chủ cơ sở sẽ đề nghị khách mua không cần ghi trong nội dung chuyển khoản thông tin về mục đích, không nhắc đến tên hàng hóa để tránh lộ doanh thu. Thậm chí, chủ hàng còn hướng dẫn khách ghi nội dung là cho, tặng biếu quà, hoặc phân bổ số tiền đến cho nhiều cá nhân khác nhau, tránh dồn toàn bộ vào một tài khoản nhất định sẽ dễ bị truy thu thuế với nguồn thu lớn.

Với các hình thức quảng cáo sản phẩm qua livestream, nhiều tài khoản Facebook thu hút đến hàng chục ngàn lượt tương tác cũng nhanh chóng xóa video livestream sau khi kết thúc để tránh bị soi lại…

Người tiêu dùng đặt mua hàng trên sàn thương mại điện tử

Với các hình thức trốn thuế tinh vi này, các nền tảng đã dễ dàng qua mặt cơ quan chức năng. Theo số liệu thống kê, tính tới đầu tháng 6/2023 đã có 55 nhà cung cấp nước ngoài đăng kí, khai và nộp thuế qua cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài. Tổng số thu ngân sách Nhà nước mà các nhà cung cấp nước ngoài đã khai, nộp trực tiếp trên cổng từ đầu năm đến nay là 3.401 tỉ đồng. Trong đó, có 6 nhà cung cấp nước ngoài lớn gồm Meta (Facebook), Google, Microsoft, TikTok, Netfix, Apple, chiếm 90% thị phần doanh thu dịch vụ thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số xuyên biên giới tại Việt Nam.

"Một trong những lí do mà các nền tảng xuyên biên giới như Google, Facebook… có thể dễ dàng trốn thuế là do không có chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam, số tiền thu được từ hoạt động quảng cáo đều được chuyển thẳng bằng phương tiện thanh toán quốc tế như Visa, Mastercard về tài khoản của công ty mẹ, chứ không qua trung gian tại Việt Nam. Ngoài ra, các văn bản pháp luật như sự phối hợp của các cơ quan quản lý Nhà nước còn hạn chế, chưa ưu tiên cho việc hoàn thiện khung khổ pháp lý" - Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Hãng luật TGS.

Doanh thu các doanh nghiệp xuyên biên giới cũng lên đến hơn 1 tỷ USD/năm, nhưng hiện tại, Nhà nước mới thu được một số ít thuế nhà thầu do doanh nghiệp Việt Nam kê khai và nộp. Còn các doanh nghiệp xuyên biên giới chưa thu được các loại thuế có liên quan do họ chưa chấp nhận việc đặt văn phòng, pháp nhân tại Việt Nam. Theo quy định, thuế suất thuế kinh doanh thương mại điện tử với cá nhân, hộ kinh doanh từ 1,5-10%. Như vậy, Nhà nước đang thất thu hàng chục ngàn tỷ đồng.

Tại báo cáo gửi Bộ Tài chính mới đây, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng, chính sách và công tác quản lý thuế hoạt động thương mại điện tử và dịch vụ số xuyên biên giới còn tồn tại những bất cập, vướng mắc cần tập trung tháo gỡ. Đặc biệt, khoảng trống pháp lý chưa được sửa đổi, bổ sung, làm xói mòn cơ sở thuế và khó xác định căn cứ tính thuế đối với thương mại điện tử và dịch vụ số xuyên biên giới.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (giảng viên cao cấp Học viện Tài chính), doanh nghiệp nước ngoài thường dựa theo hiệp định thuế, xác định không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam nên không kê khai, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Các hoạt động kinh doanh chủ yếu thông qua các ứng dụng số trên mạng internet và chuyển hàng qua chuyển phát nhanh. Do đó, việc thu thuế gặp khó khăn về cơ chế ràng buộc khi yêu cầu các doanh nghiệp, cá nhân này phải có sự tuân thủ nghĩa vụ nộp thuế tại Việt Nam.

Công nghệ là yếu tố cốt lõi

Quyền Tổng cục trưởng Tổng Cục Thuế Mai Xuân Thành cho biết, thời gian qua Tổng cục Thuế đã chủ động tham mưu báo cáo Bộ Tài chính, trình Chính phủ, trình Quốc hội ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật để các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử và cung cấp dịch vụ xuyên biên giới phải có nghĩa vụ đăng ký thuế, kê khai thuế và nộp thuế đầy đủ theo quy định về pháp luật. Tuy nhiên, thương mại điện tử là vấn đề mới, nên trong quá trình triển khai thực hiện các quy định không tránh khỏi những khó khăn vướng mắc phát sinh.

Để quản lý tốt lĩnh vực này, theo ông Mai Xuân Thành cần phân loại các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử thành 2 nhóm: Nhóm kinh doanh qua sàn đã quan sát được và nhóm trực tiếp kinh doanh thông qua mạng xã hội. Đối với nhóm kinh doanh qua sàn giao dịch thương mại điện tử trong nước, cần yêu cầu các sàn cung cấp toàn bộ thông tin về giao dịch của các tổ chức cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử. Đối với các trường hợp cá nhân trực tiếp kinh doanh trên các trang mạng xã hội, cơ quan thuế các cấp cần đẩy mạnh công tác vận động tuyên truyền để các đơn vị tự giác thực hiện việc kê khai, nộp thuế.

Còn theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, công nghệ thông tin phải là nòng cốt gắn với các công nghệ hiện đại khác để kiểm soát các giao dịch kinh doanh của người nộp thuế, như xây dựng phần mềm dò tìm tự động để phát hiện các giao dịch đáng ngờ trên Internet, làm cơ sở yêu cầu người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế; phát triển hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ việc kê khai, tính thuế, nộp thuế điện tử một cách thuận tiện nhất; ứng dụng các công nghệ tích hợp hiện đại để phát hiện dấu hiệu vận chuyển hàng trong mô hình thương mại điện tử thanh toán tiền mặt.

Về lâu dài các vụ đơn vị cần nghiên cứu, đề xuất sửa đổi chính sách theo hướng quy định trách nhiệm khai thuế, nộp thuế đối với chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử thực hiện khấu trừ thuế cho cá nhân kinh doanh thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử. Đối với các NCCNN không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam, trước khi trả tiền cho cá nhân Việt Nam thì khấu trừ, khai thuế trực tiếp với cơ quan thuế qua Cổng thông tin điện tử của ngành Thuế.

Phương Nga

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/chan-chieu-tron-thue-cua-cac-nen-tang-xuyen-bien-gioi.html