Chạm vào miền ký ức của người bác sĩ nam tiến năm nào

'Em à, chẳng có niềm hạnh phúc nào lại đến một cách dễ dàng, cũng chẳng có niềm vui nào mà lại không phải trải qua những gian nan…Chỉ có trải qua nhưng ngày gian khổ ta mới biết trân quý từng chút tình thương yêu và hạnh phúc.'

Những dòng yêu thương chan chứa mà bác sĩ Nguyễn Chí Phi từ tiền tuyến gửi về hậu phương cho người vợ đang là bác sĩ ở bệnh viện Bạch Mai cách đây 50 năm đã khiến tôi có cảm giác như đang được chạm một góc của miền ký ức về một thời hoa lửa của những người chiến sĩ áo trắng trên mặt trận năm nào.

Trong những ngày tháng 4 lịch sử tôi có duyên được gặp vợ chồng bác sĩ Nguyễn Chí Phi trong ngôi nhà nằm sâu tại phố Đặng Văn Ngữ, được nghe những hồi tưởng về một thời đã qua đầy hào hùng của những bác sĩ đã từng vào sinh ra tử.

Bác Trúc – hậu phương vững chắc của Bác Phi khi bác Phi ở tiền tuyến. Mới cưới được 2 tuần thì bác Phi nam tiến, nên bao nhiêu yêu thương, nhung nhớ hai bác gửi gắm vào những cánh thư tiền tuyến – hậu phương. Khoảng cách địa lý không làm khó được họ khi sợi dây tình cảm luôn gắn kết họ mỗi ngày.

Cùng với quân và dân cả nước, hàng ngàn hàng vạn lớp bác sĩ tạm xa bệnh viện tạm xa mái trường Đại học Y lên đường vào miền nam tham gia kháng chiến. Trong lớp lớp người ấy có những người đã nằm lại mãi mãi ở tuổi 20, có những người may mắn được trở về với gia đình, với mái trường, với bệnh viện. Bác sĩ Nguyễn Chí Phi là một trong số những người may mắn ấy (bác Phi vào chiến trường 12/1971 - 8/1973 được ra Bắc). Năm nay đã 80 tuổi nhưng giọng vẫn hào sảng, dù đã 50 năm qua nhưng nhiều ký ức vẫn vẹn nguyên trong đầu khi nói về labo xét nghiệm. Sau khi trở về hậu phương bác sĩ đã trải qua các chức vụ Phó giám đốc BV Bạch Mai, Giảng viên trường Đại học Y Hà Nội.

***

Tháng 12/1971 sau những ngày huấn luyện tại Hòa Bình bác sĩ Nguyễn Chí Phi chia tay người vợ mới cưới được 2 tuần bác sĩ Phi lên đường chi viện cho tiền tuyến.

Cõng trên vai chiếc điện kế của máy phân tích sinh hóa (thứ quan trọng nhất trong chuyên khoa hóa sinh) và đồ dùng thiết yếu sau 3 tháng đi bộ vượt suối băng rừng, xuyên qua bom rơi đạn lạc từ bắc vào nam cuối cùng bác Phi cũng đến được căn cứ ở chiến trường B2, Tây Ninh.

Những kỷ vật của tiền tuyến hậu phương được hai bác gìn giữ như là một kỷ niệm của một thời máu lửa hy sinh.

Khi đó, đoàn công tác của Bộ Y tế có cố bác sĩ Đỗ Đình Địch trước là trưởng khoa cấp cứu A9, BV Bạch Mai; cố bác sĩ Đào Đình Đức, cố bác sĩ Đặng Kim Châu, cố Bộ trưởng Đỗ Nguyên Phương, cố bác sĩ Lễ Huy Chính, cố bác sĩ Phạm Hoàng Thế, bác sĩ Phi và bác sĩ Đỗ Đình Hồ.

Đoàn được cử vào chiến trường B2 thuộc địa phận tỉnh Tây Ninh với nhiệm vụ khảo sát tình hình chi viện về y tế của miền Bắc cho miền Nam, đồng thời tư vấn đào tạo cán bộ y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh, cấp cứu ở chiến trường. Trong đoàn có bác sĩ chuyên khoa về ký sinh trùng, vi sinh, bác sĩ ngoại khoa và sinh hóa. Bác sĩ Phi và bác sĩ Đồ Đình Hồ là hai bác sĩ chuyên khoa sinh hóa được cử vào để tư vấn, đào tạo kỹ thuật viên về sinh hóa, đồng thời xây dựng các labo xét nghiệm.

Sau khi về căn cứ chúng tôi được sắp xếp chỗ, tôi mắc xong cái võng, khi đó mắc võng coi như chuẩn bị xong chỗ ở. Ổn định được chỗ ở, tôi cùng với bác sĩ Hồ tìm được nơi thích hợp để có thể đặt labo xét nghiệm. Labo được đặt trong hầm bán âm. Các ngày sau đó chúng tôi bắt đầu triển làm xét nghiệm cho các cán bộ.

Một căn hầm chữ A cấp cứu bệnh nhân trong kháng chiến (Ảnh tư liệu)

Tôi nhớ mãi, ngày 6/7/1972 khi đang cùng đồng nghiệp chuẩn bị bữa cơm thì một loạt bom nổ inh tai. Ngồi trong hầm chữ A thấy nóc hầm rung lên, đất cát rắc đầy mặt. Lúc ấy cảm thấy như bom rơi làm sập căn cứ mình. Sau khi lặng tiếng bom, vừa đói vừa mệt, chúng tôi mò đi tìm lương thực rồi lại chui lại vào hầm chia nhau từng miếng ăn. Quần áo, mặt mũi lấm lem bùn đất nhưng khi đó tìm được cái ăn là tốt lắm. Sau khi đã qua cơn đói chúng tôi quay vào phòng xét nghiệm cảnh tượng trước mắt mà thấy đau đớn.

Phòng xét nghiệm được dựng lên với bao hy vọng, bao công sức đã bị bom đạn đánh sập. Ngay cả chiếc xe đạp được dùng đi lấy hóa chất, ống xét nghiệm cũng bị bom cày nát khung, đứt xích. Trận bom đã cướp đi thành quả quý giá mà chúng tôi đã vất vả để làm được.

Những ngày sau đó chúng tôi bắt tay vào dọn dẹp và củng cố lại cơ sở làm việc. Sửa chữa lại những thứ còn sót sau trận bom, tận dụng những gì có thể tận dụng được để dùng

Đối với những người làm hóa sinh cân phân tích cực kỳ quan trọng, giống như cái ống nghe của bác sĩ lâm sàng. Trong trận bom ấy cái cân bị hỏng. Tôi phải mất một tuần để sửa chữa, không có tấm kính, tôi lấy hai mảnh nhựa của cái can để đựng nước thay cho các cửa lùa…Cứ như vậy, địch phá đến đâu thì mình lại khắc phục, sửa chữa đến đó luôn tâm niệm làm thật nhanh, thật tốt để kịp thời phục cụ công tác chăm sóc sức khỏe bộ đội.

Mô hình phòng mổ dã chiến (ảnh tư liệu)

Ngày ấy khó khăn đủ thứ, hóa chất, thuốc thử, ống nghiệm đều thiếu, chúng tôi thường phải đạp xe đến các vùng giáp ranh có các kho vật tư để tìm kiếm đồ về sử dụng.

Nghề sinh hóa đi công tác lưu động phức tạp, phải chuẩn bị đồ nghề trong đó căn bản nhất là phải pha sẵn thuốc thử, hóa chất, chuẩn bị buret và một số ống nghiệm. Tất cả đồ nghề được đặt vào thùng tôn nhỏ, hình trụ mỗi người mang một thùng đèo trên xe đạp, luồn lách trong rừng, theo chỉ dẫn của người đã có kinh nghiệm nếu không có thể mất mạng như chơi…

Cứ như thế cùng với những chiến sỹ xông pha đánh giặc, người chiến sỹ mang trên mình chiếc áo blu trắng tham gia vào trận chiến bằng cách riêng của mình, họ giữ từng viên thuốc, từng con dao mổ, từng ống xét nghiệm như giữ mạng sống của chính mình. Họ âm thầm, bền bỉ lặng lẽ góp phần nhỏ bé vào thành công của cuộc chiến. Để khi hòa bình trở về họ lại chăm lo chăm sóc cho sức khỏe nhân dân.

Bác Phi trân quý, nâng niu, chăm chút những kỷ vật của một thời hoa lửa ngày xưa

Chiến tranh đã lùi xa gần 50 năm, nhiều vết thương đã lành theo năm tháng, nhưng những ký ức về một "thời hoa lửa" của người chiến sĩ áo trắng có lẽ sẽ chẳng bao giờ phai mờ trong tâm trí họ. Và có lẽ với bác Phi nói riêng cũng như các đồng nghiệp khác được cống hiến tuổi thanh xuân cho chiến trường, cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho đất nước không chỉ là niềm tự hào mà còn là hồi ức về những tháng năm không thể nào quên.

Hồng Nguyên

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//cham-vao-mien-ky-uc-cua-nguoi-bac-si-nam-tien-nam-nao-169220429220238912.htm