Chạm tay ngôi nhì toàn đoàn

Khởi đầu ngày thi đấu chính thức thứ ba bằng tấm HCV đồng đội môn thể dục dụng cụ và khép lại cuối ngày bằng tấm vé bán kết môn bóng đá nam, đoàn thể thao Việt Nam có thêm 15 tấm HCV để vươn lên vị trí nhì toàn đoàn chỉ sau chủ nhà Campuchia

Nguyễn Văn Khánh Phong và Trịnh Hải Khang dính chấn thương khi đang khởi động và tuyển thể dục dụng cụ (TDDC) Việt Nam chỉ còn 4 thành viên ra sân tranh tài nội dung đồng đội với nhiệm vụ bảo vệ thành công ngôi vô địch giành được mùa trước. Với tinh thần đoàn kết đồng lòng, thi đấu thay cho đồng đội, 4 thành viên gồm Đặng Ngọc Xuân Thiện, Văn Vĩ Lương, Lê Thanh Tùng, Đinh Phương Thành đã làm được điều mà chính Ban huấn luyện đội cũng không dám nghĩ tới. Đó là đánh bại mọi đối thủ mà nặng ký nhất vẫn là Philippines với hảo thủ Carlos Yulo từng giành cả HCV Olympic lẫn vô địch thế giới.

Niềm hân hoan chiến thắng của bốn nhà vô địch cự ly tiếp sức 4x400 m nam, nữ. (Ảnh: QUANG LIÊM)

Thắng với cách biệt khá mong manh (313 và 305,25 điểm), tuyển TDDC Việt Nam bảo vệ thành công ngôi vô địch nội dung khó nhất, thêm tự tin trước khi các tuyển thủ bước vào nội dung thi đơn môn trong những ngày tới. HLV Trương Minh Sang cho rằng các học trò của ông đã thực sự đồng lòng, cùng hướng đến thành công chung của đoàn thể thao Việt Nam.

Giành chiến thắng 6/9 trận chung kết môn võ kun Bokator, giành thêm 2 HCV đồng đội môn karate để vượt 50% chỉ tiêu huy chương vàng, cộng thêm một ngôi vô địch Vovinam, một ngôi vô địch Kickboxing, võ thuật Việt Nam đã có một mùa vàng. Tuy vậy, góp công quan trọng vào thành tích nhì bảng tổng sắp huy chương sau 3 ngày của đoàn TTVN, phải nhắc đến 2 HCV điền kinh và 2 ngôi vô địch bơi của Trần Hưng Nguyên và Nguyễn Huy Hoàng.

Sau những ngày nắng nóng oi bức, cơn mưa nặng hạt chiều 8-5 đã khiến cho bầu không khí tại Khu Liên hợp Thể thao Morodok Techo, Campuchia dịu mát. Tuy nhiên trận mưa lớn này cũng khiến các VĐV điền kinh phải thi đấu dưới mưa ở 3 nội dung cuối là 1.500 m nam, 1.500 m nữ và 4x400 m hỗn hợp nam, nữ.

Nguyễn Thị Oanh chắc chắn sẽ đi vào lịch sử điền kinh Việt Nam khi giành đến tấm HCV thứ 9 ở kỳ SEA Games thứ tư mà cô tham dự. Vô đối cự ly 5.000 m nữ, cô tuyển thủ quê Bắc Giang hứa hẹn sẽ còn tỏa sáng ở 3 cự ly sở trường 1.500 m, 3.000 m vượt chướng ngại và 10.000 m. Với bà mẹ trẻ Nguyễn Thị Huyền, việc cô cùng 3 đồng đội trẻ đòi lại ngôi vô địch cự ly tiếp sức 4x400 m nam, nữ còn được coi là tiền đề cho những cuộc chinh phục sắp tới.

Bảng vàng của Việt Nam ngày 8-5

Trương Thị Thương, Đinh Thị Hương, Nguyễn Thị Ngoan, Hoàng Thị Mỹ Tâm (karate, đồng đội nữ), Chu Văn Đức, Đỗ Thanh Nhân, Đỗ Mạnh Hùng, Võ Văn Hiền, Trần Lê Tấn Đạt, Nguyễn Viết Ngọc Hiệp, Lò Văn Biển (karate, đồng đội nam), Nguyễn Thị Hoài Nương, Nguyễn Hoàng Dũ (Vovinam), Đặng Ngọc Xuân Thiện, Văn Vĩ Lương, Nguyễn Văn Khánh Phong, Lê Thanh Tùng, Đinh Phương Thành, Trịnh Hải Khang (TDDC, đồng đội nam), (Phạm Thị Phượng, Kun Bokator, 45 kg nữ), Nguyễn Thị Thanh Tiền (Kun Bokator, 50 kg nữ), Nguyễn Thị Oanh (điền kinh, 5.000 m nữ), Nguyễn Thị Tuyết Mai (Kun Bokator, 55 kg nữ), Trần Hưng Nguyên (bơi, 400 m HH nam), Bùi Thị Thảo Ngân (Vovinam, 65 kg nữ), Trần Võ Song Thương (Kun Bokator, 60 kg nữ), Nguyễn Huy Hoàng (bơi, 1.500 m TD nam), Huỳnh Văn Cường (Kun Bokator, 65 kg nam), Trần Nhật Hoàng, Nguyễn Thị Hằng, Trần Đình Sơn, Nguyễn Thị Huyền (điền kinh, 4x400 m hỗn hợp), Ngô Đức Mạnh (Kun Bokator, 70 kg nam).

ĐÀO TÙNG (từ Phnom Penh)

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/the-thao/cham-tay-ngoi-nhi-toan-doan-20230508225851628.htm