Chăm lo, đảm bảo đời sống người lao động

ĐBP - 'Luôn coi người lao động là trung tâm, với mong muốn dành sự quan tâm mọi mặt để người lao động yên tâm gắn bó, giúp họ hiểu hơn giá trị sức lao động mà họ bỏ ra trên mỗi cánh rừng cao su'. Với quan điểm đó, Công ty Cổ phần Cao su (CPCS) Điện Biên luôn quan tâm, chăm lo đời sống cho hơn 800 công nhân, giúp họ cải thiện đời sống, yên tâm sản xuất và gắn bó lâu dài với công ty.

Công nhân Nông trường Cao su Mường Chà thu hoạch mủ cao su.

Gắn bó với công ty đã tròn 6 năm, anh Lò Văn Hải, công nhân Nông trường Cao su Mường Chà chưa một lần thất vọng về các chế độ đãi ngộ của công ty dành cho mình. Anh Hải chia sẻ: “Thu nhập mỗi tháng của 2 vợ chồng khoảng chục triệu đồng đã giúp gia đình có nguồn tài chính ổn định để nuôi con ăn học. Không chỉ được đóng bảo hiểm, chi trả chế độ ăn ca, bồi dưỡng độc hại theo quy định, hàng năm tôi còn được khám sức khỏe định kỳ, tư vấn phòng tránh những bệnh nghề nghiệp thường gặp trong ngành cao su. Được quan tâm chăm lo đời sống, lại có thu nhập ổn định nên tôi luôn tích cực lao động sản xuất để có thu nhập cao hơn”.

Cũng như anh Hải, trước đây vợ chồng anh Lò Văn Lợi, công nhân Nông trường Cao su Điện Biên không có công ăn việc làm, thu nhập bấp bênh, nhưng từ ngày vào làm công nhân ở Nông trường Cao su Điện Biên, gia đình anh đã có cuộc sống ổn định. Anh Lợi cho biết: “Ngoài khoản tiền lương khoảng 8 triệu đồng/tháng của cả hai vợ chồng, tôi còn tranh thủ thời gian tăng gia sản xuất nên cuộc sống đã bớt khó khăn hơn trước rất nhiều. Tháng 6 vừa qua, tôi còn được công đoàn công ty hỗ trợ 50 triệu đồng thông qua Chương trình “Mái ấm công đoàn” để hiện thực hóa ước mong có một ngôi nhà khang trang. Đây thực sự là nguồn động viên to lớn không chỉ về vật chất mà còn là động lực về tinh thần để tôi nỗ lực cùng gia đình đón cuộc sống mới. Đến thời điểm này, tôi thật sự cảm thấy gắn bó với công việc mà mình đang làm”.

Được biết, hiện nay Công ty CPCS Điện Biên có 810 cán bộ, nhân viên, công nhân lao động thì có tới 735 người (chiếm 90,7%) là con em đồng bào các dân tộc thiểu số: Thái, Mông, Dao, Khơ Mú... Những tưởng điều này là gánh nặng, là khó khăn đối với tập thể lãnh đạo Công ty CPCS Điện Biên, thế nhưng, với mong muốn dành sự quan tâm mọi mặt để người lao động yên tâm gắn bó, Công ty CPCS Điện Biên đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để vừa bảo đảm thu nhập, việc làm vừa đào tạo, bồi dưỡng tay nghề cho người lao động.

Từ năm 2013 đến nay, bằng nguồn hỗ trợ đào tạo nghề cho công nhân lao động là đồng bào các dân tộc thiểu số theo Quyết định số 42/2012/QĐ-TTg và nguồn đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Công ty CPCS Điện Biên đã phối hợp với Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su và Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên đào tạo nghề cho 836 người dân địa phương, sau đó tuyển dụng vào làm công nhân cao su. Hàng năm trước khi vào mùa khai thác mủ, công ty tổ chức tập huấn, bổ túc lại tay nghề cho công nhân; tổ chức hội thi khai thác mủ hàng năm để đẩy mạnh phong trào luyện tay nghề, thi thợ giỏi.

Đề cập “vạch xuất phát” của hầu hết công nhân lao động là đồng bào các dân tộc thiểu số đang làm việc trong các nông trường thuộc Công ty CPCS Điện Biên, ông Nguyễn Công Tám, Phó Tổng giám đốc phụ trách công ty, cho biết: Gần 90% là con số không, chỉ hơn 10% số công nhân tuyển dụng được đã qua đào tạo cao đẳng, trung cấp hoặc học nghề. Song vì nhu cầu lao động lớn cộng với mục tiêu hoạt động của công ty là giải quyết vấn đề an sinh xã hội, việc làm cho lao động là người dân địa phương nên khi tuyển dụng, công ty đã có kế hoạch đào tạo, tập huấn nghề cho lao động theo phương thức “cầm tay chỉ việc”. Đến nay, 100% công nhân tại Công ty CPCS Điện Biên đã được đào tạo sơ cấp nghề kỹ thuật khai thác mủ cao su, kỹ năng, kinh nghiệm của người lao động ngày càng được củng cố và nâng cao.

Không chỉ quan tâm đào tạo, bồi dưỡng tay nghề cho người lao động; trong điều kiện bị ảnh hưởng, chịu tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, giá mủ xuống thấp, nhưng với sự nỗ lực, cơ cấu lại tổ chức sản xuất, phân công công việc phù hợp cho cán bộ, công nhân viên, người lao động, Công ty CPCS Điện Biên vẫn đảm bảo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động. Hơn 5,3 triệu đồng/người/tháng là mức thu nhập bình quân của người lao động tại Công ty CPCS Điện Biên trong 6 tháng đầu năm 2022. Ngoài thời gian làm việc trên nông trường, công nhân, người lao động còn được lãnh đạo Công ty CPCS Điện Biên khuyến khích, tạo điều kiện để tranh thủ tăng gia sản xuất, như: làm nương, trồng rừng, chăn nuôi gia súc, gia cầm… để có thu nhập thêm cho gia đình.

Đặt mục tiêu trong 6 tháng cuối năm, sản lượng khai thác mủ cao su đạt trên 2.830 tấn, doanh thu 145,6 tỷ đồng, tăng thu nhập bình quân của người lao động lên 5,8 triệu đồng/người/tháng, Công ty CPCS Điện Biên đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó đặc biệt coi trọng quan tâm chăm lo đời sống người lao động để họ yên tâm gắn bó, làm việc. Trước hết là đảm bảo đủ việc làm cho người lao động, kiểm tra, hướng dẫn, cầm tay chỉ việc để nâng cao kỹ năng, ý thức, năng suất lao động, từ đó nâng thu nhập cho người lao động. Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần; đảm bảo mức thu nhập ổn định và các chế độ chính sách cho người lao động, như các chế độ bảo hiểm, cấp phát bảo hộ lao động, khám sức khỏe định kỳ... Bên cạnh đó, công ty còn có chính sách hỗ trợ kịp thời lao động có hoàn cảnh khó khăn như hỗ trợ xây dựng nhà ở từ chương trình “Mái ấm công đoàn” (trung bình mỗi năm hỗ trợ xây dựng 2 nhà với số tiền 100 triệu đồng); hỗ trợ ăn ca, gạo đầu mùa khai thác; hỗ trợ gia đình công nhân bị thiên tai, hoạn nạn…

Bài, ảnh: Thu Hằng

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/199270/cham-lo-dam-bao-doi-song-nguoi-lao-dong