Chậm lại bên ấm trà Việt…

Người Việt có đúc kết nghệ thuật thưởng trà gồm: ' Nhất nước, Nhì Trà, Tam Pha, Tứ ấm, Ngũ Trạch, Lục Nhạc'. Đó là không gian để thưởng trà, và 'Nhạc' là âm thanh của tiếng nước sôi, tiếng gió thổi ngoài bụi tre, tiếng chim hót hay tiếng đàn tiếng sáo ngân nga…

Nghệ nhân Phạm Thế Anh và bộ trà An Thổ Túc

An Thổ Túc - hành trình công phu ấm trà Việt

Một ngày mưa tháng sáu, chúng tôi đã tới Vườn Trà của không gian ấm trà Việt- Ấm An Thổ Túc và trò chuyện với anh Vũ Đình Mạnh, người đã dành tình yêu đặc biệt và sự đam mê của mình cho nghề gốm. Không chỉ là Chủ tịch của Không gian gốm, anh Mạnh (sinh năm 1983) còn là người sáng lập nên chuỗi cửa hàng “Không gian gốm Bát Tràng” trải dài từ Bắc vào Nam.

Đã nhiều năm làm gốm và mang một tình yêu với trà Việt, anh Vũ Đình Mạnh đã dày công nghiên cứu chế tạo ra một loại ấm mới, mang tên An Thổ Túc với mong muốn người Việt sử dụng hàng Việt, giúp cho người yêu trà Việt có thêm sự lựa chọn khi thưởng thức tinh hoa của trà đạo. Ngoài ra, anh làm thêm những trà cụ thuần Việt như vại sành chứa nước, hũ sành đựng trà, chén tống rót trà, chén quân đĩa lót chén gồm mây và sứ Bát Tràng…

Anh Mạnh chia sẻ, ấm An Thổ Túc - Tròn đủ ấm trà Việt được anh lấy cảm hứng từ bộ ấm Tử sa, một trong bốn quốc bảo của Trung Hoa (là Kinh kịch, Quốc họa thủy mặc, ấm Tử Sa, Lụa Tô Châu).

Ấm An Thổ Túc là sản phẩm mang những ưu điểm vô cùng vượt trội, khắc phục được những nhược điểm của các dòng ấm trà thông thường hiện nay. Hiện ấm An Thổ Túc đã đi tới khoảng 20 nước trên thế giới và không thua kém ấm Tử sa về chất lượng. Cùng với đó, về giá cả anh chấp nhận không mang tính kinh tế, bởi rẻ hơn rất nhiều so với các dòng ấm nước ngoài.

Anh Vũ Đình Mạnh Chủ tịch của Không gian gốm Việt trò chuyện về gốm, về trà vầ ấm trà An Thổ Túc.

Ít ai biết, dòng gốm lâu đời của Hà Nội là gốm Bát Tràng - có lịch sử gắn với quá trình dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra Thăng Long của vua Lý Thái Tổ. Anh kể, Thổ Túc là một trong những chất đất trong thương hiệu Thổ Hoa, sau nhiều tìm kiếm về đất để làm ấm trà. Chữ “ An” là “an nhiên”, an nhiên tự tại để thưởng thức một tách trà, an nhiên trong cuộc đời. Ngoài ra, chữ “ An” còn là Tràng An, nơi đất được lấy từ mạch nguồn đất Tràng An, kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình) xưa. Chữ “ Thổ” có nghĩa là đất. Chữ “ Túc” là sung túc, đủ đầy, trọn vẹn. An Thổ Túc là một chất đất đầy đủ, tròn đầy để tạo nên những ấm trà ngon, vô cùng mộc mạc, giản dị và tinh tế của người Việt.

Bởi chúng ta thưởng trà và tận hưởng cuộc sống nhẹ nhàng, thư thái, uống trà là một hình thức nghệ thuật tinh tế. Chén trà giúp cho chúng ta xích lại gần nhau cùng trò chuyện. Và yếu tố làm nên văn hóa thưởng trà của người Việt Nam chính là cái tình sự giản dị, dung hòa và bình đẳng. Thêm nữa, trà cũng là một loại thức uống có lợi cho sức khỏe, hội tụ đầy đủ Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ, tiếp thu tinh hoa của âm dương ngũ hành. Từ sự yêu thích đó, anh Mạnh đã tìm hiểu và nghiên cứu về trà đạo và các yếu tố để tạo ra một chén trà thơm ngon giữ được vị tinh túy của trà. Trong đó, để có được một ấm trà ngon ngoài việc lựa chọn tỉ mỉ cầu kỳ từ nước pha trà, lá trà, cách pha và thưởng cùng bạn hiền, thì ấm pha cũng được cho là một trong các yếu tố quan trọng giúp chúng ta có một tách trà ngon. Và yếu tố làm nên văn hóa thưởng trà của người Việt Nam chính là cái tình sự giản dị, dung hòa và bình đẳng. Người Việt Nam coi trọng bạn cùng thưởng trà hơn bất cứ yếu tố nào khác dù không gian, trà cụ... có đẹp hay xấu, có đầy đủ không…

Bởi thế, anh Mạnh đã kết hợp với Khánh Long Trà Viện và nghệ nhân Phạm Thế Anh (người được phong tặng nghệ nhân Thành phố Hà Nội, Danh hiệu bàn tay vàng - Doanh nhân tiêu biểu Châu Á Thái Bình Dương) cùng chế tạo nên sản phẩm đặc biệt có tên gọi ấm An Thổ Túc. Nghệ nhân Phạm Thế Anh sinh ra trong dòng họ có 4 đời làm gốm đồng thời là người con thứ 15 của dòng họ Phạm Bát Tràng. Nghệ nhân Phạm Thế Anh đã có niềm say mê vô bờ bến với các sản phẩm ấm chén pha trà.

Theo như anh Mạnh chia sẻ, ấm An Thổ Túc được chế tác từ loại đất quý được khai thác từ vùng núi Tràng An, Ninh Bình. Để làm ra loại ấm này, anh đã phải nghiên cứu rất kỹ về các loại đất. Vì ấm An Thổ Túc đòi hỏi đất phải thật sự tinh sạch. Đất được khai thác ở tầng đất sâu, có sự kết tinh từ các loại khoáng kim loại quý: Cao lanh, đất sét và phù sa mà đất ở Bát Tràng hiện nay không có. Sau khi khai thác, đất sẽ được phơi ủ 5-7 năm để các tạp chất và khí dơ trong đất được khử hoàn toàn tạo ra một loại đất sạch. Khi đất được làm sạch và ủ chín, các thợ lành nghề sẽ mang đất đi lọc kỹ và nghiền liên tục trong 72 giờ (thời gian nghiền đất gấp 3 lần so với các loại đất làm ấm thông thường). Với quá trình liên tục và thời gian lâu như vậy tạo cho đất đủ độ mịn, khi đưa vào chế tác sẽ làm cho ấm được bóng, mịn đẹp.

Một số mẫu ấm tại Không gian gốm Việt (Ảnh: N.T)

Quả lọc ở ấm An Thổ Túc được các thợ giỏi khoan thủ công với hơn 100 lỗ nhỏ giúp cho người thưởng trà gạt bỏ được nỗi lo tắc vòi, ngoài ra còn tạo nên dòng nước trà chảy đều, đẹp mắt. Vòi ấm được cắt sửa và chắp nối tỉ mỉ vào thân ấm, độ sắc và vát của miệng vòi giúp cho dòng chảy được ngắt dễ dàng và không bị rớt.

Nếu các dòng ấm khác thường mắc phải khi rót trà hay bị rơi nắp thì ở ấm An Thổ Túc, các nghệ nhân đã sử dụng công nghệ “roa” tiên tiến của Nhật Bản giúp vung và miệng được tròn kít, không những vậy còn giữ được nắp ấm khi rót ở độ nghiêng nhất định.

Sau khi các công đoạn lắp ráp được hoàn thiện, ấm An Thổ Túc sẽ được đưa vào lò với chế độ khắt khe và nhiệt độ cao trên 1200 độ C, với nhiệt độ này sẽ giúp cho ấm trà được kết khối tốt, ấm sau khi ra lò sẽ bóng mịn và màu ấm đẹp mắt.

Ấm trà thuần Việt ngàn năm tuổi

Anh Mạnh say sưa kể, Thổ Hoa ra đời với sứ mệnh kết nối những sản vật Việt trong một hệ sinh thái trà cụ Việt đủ đầy. Góp phần phát huy sâu sắc văn hóa trà Việt, gắn bó với tiến trình lịch sử của một dân tộc văn hiến hàng nghìn năm nay.

Trong nghệ thuật thưởng trà Việt, bên cạnh trà ngon, cách pha trà điệu nghệ, thì dụng cụ pha trà cũng là yếu tố quan trọng làm nên giá trị của nghệ thuật tinh tế này. Món trà cụ đầu tiên phải có chính là ấm pha trà. Để đánh giá ấm pha trà tốt có thể dựa trên 2 yếu tố: Vỏ ấm phải cứng, âm thanh khi gõ lên thành ấm càng trong càng quý và nắp ấm phải kín.

Khách nước ngoài tìm hiểu về ấm trà An Thổ Túc

Việc cảm nước để pha trà cũng là một nghệ thuật của người pha trà, vì vậy An Thổ Túc được thiết kế đặc biệt để phục vụ quá trình này. Việc dẫn nhiệt tốt của An Thổ Túc khiến người pha dễ dàng cảm nhận nhiệt độ để có thể điều chỉnh theo từng loại trà. Kết hợp với khả năng giữ nhiệt tốt, dùng ấm An Thổ Túc khi pha trà sẽ làm đủ độ chín, phát huy hết chất trà riêng của mỗi loại.

Chưa kể, đất của ấm An Thổ Túc hoàn toàn được làm chín trước khi làm. Ấm không được tráng men nên vẫn giữ nguyên được chất sành của ấm, điều này giúp cho việc giữ trà ở trong ấm sau nhiều ngày không bị thiu hỏng.

Kiểu dáng ấm An Thổ Túc cũng được thiết kế đa dạng, hình dáng độc đáo làm nên nét đặc trưng của trà Việt. Những hình ảnh vô cùng gần gũi như quả bí, cây trúc, với tên gọi: Ấm Phi Lai, Ấm Quả Chuông, Ấm Quả Bí, Ấm Trăng Tròn, Ấm Nồi Đất, Ấm Tùng Lâm, Ấm Trúc Lâm, Ấm Ba Chân, Ấm Tay Ngang… như mang cả hồn quê, cũng mang cả nền văn hóa quê hương vào từng chiếc ấm.

Và để có những ấm phà trà đẹp, giữ được bền lâu, không thể bỏ qua cách nuôi ấm trà đúng cách. Ấm trà trải qua thời gian dài được sử dụng để ngâm hãm trà, nó trải qua nhiều sự biến đổi liên tục từ nóng sang lạnh và ngược lại. Màu sắc bộ ấm chén là màu gan gà đặc trưng. Đó là màu tự nhiên được tạo ra từ bài đất quý và quá trình đốt lò. Màu sắc mang hơi thở thiên nhiên với màu đất đặc trưng mà tha thiết, trần thế mà tinh hoa, thể hiện một chữ “bình” khi đàm đạo…

`Trở lại trà Viêt, những bộ trà cụ mà chúng ta có được qua khảo cổ đã minh chứng cho sự song hành của phát hiện cây trà quý, thuần dưỡng, chế biến, thưởng thức… đều mang đậm nét văn hóa của dân tộc. Trà cụ Việt Nam ở các làng nghề như Chu Đậu, Bát Tràng mang nét sáng tạo, cao sang của nghệ thuật chế tác và nung luyện. Những bộ trà ngọc ngà, vàng bạc từ thời Hùng Vương (2879 - 258 TCN) hay của các triều đại phong kiến còn lưu giữ tại các bảo tàng. Các thư tịch chép lại trà cụ Việt Nam nhiều lần đoạt giải trong đấu xảo quốc tế.

Những năm qua, ấm trà An Thổ Túc có mặt tại nhiều tiệc trà quan trọng trong các chương trình lớn. Vừa qua, ấm An Thổ Túc mộc mạc và một Hội An dịu dàng trong Lễ hội Trà Việt lần đầu tiên được tổ chức. Tiệc trà giao lưu các đơn vị đều chọn thuần Việt từ các trà. Tiệc trà bên Hồ Văn, tái hiện hình ảnh các sỹ tử đàm đạo về trà, văn hóa trà…Cùng với đó, ấm An Thổ Túc đi muôn nơi mang theo văn hóa trà Việt thân tình, tri kỷ, giản dị, tinh tế mà không xa cách như trà đạo ở một số nước Á Đông…

Văn hóa thưởng trà của người Việt đã trẻ hóa

Nghệ nhân trà Nguyễn Ngọc Tuấn chia sẻ, hiện nay, giới trẻ tìm hiểu trà và uống trà nhiều hơn. Khác hình ảnh khi xưa là bậc trung niên, các bậc cao niên mới ngồi thưởng trà. Ngày càng có nhiều loại trà du nhập vào nước ta nhưng văn hóa thưởng trà của người Việt vẫn còn gìn giữ qua các thế hệ như cách uống chè tươi độc đáo đã có hàng ngàn năm vẫn tồn tại.

Ấm trà và trà cụ vẫn giữ nếp gọn gàng, giản dị. Khách đến nhà, việc đầu tiên là pha trà mời khách. Rồi nữa, các tục lệ xát lá chè vào chân những đứa trẻ mới sinh để chúng có đôi chân khỏe đi rừng. Tục cúng thần rừng, thần cây (cây chè) cầu cho cây chè cho nhiều búp, búp to, búp khỏe như búp lá đa để thu hoạch thêm nhiều, việc thờ Cô Tám Chè trong đạo Mẫu… Tất cả vẫn hiện hữu trong đời sống văn hóa người Việt bao đời nay.

Miên Thảo- Hằng Phạm

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/suc-khoe-doi-song/cham-lai-ben-am-tra-viet-d195457.html