Chậm kê khai và nộp thuế khi mua bán cổ phần sẽ bị xử phạt

Bạn đọc hỏi: Tôi là cổ đông sở hữu 2.000.000 cổ phần, chiếm 20% giá trị cổ phần của doanh nghiệp thành lập vào năm 2010. Vốn điều lệ của công ty tôi hiện tại là 100 tỷ đồng, đồng nghĩa với việc giá trị cổ phần của doanh nghiệp là 20 tỷ đồng. Tôi đã bán số cổ phần này cho một người quen với giá 76,5 tỷ đồng và hai bên đã ký hợp đồng mua bán chuyển nhượng số lượng cổ phần tương ứng của tôi tại doanh nghiệp vào năm 2021. Xin hỏi, việc mua bán chuyển nhượng cổ phần nêu trên có hợp pháp không? Tôi bán cổ phần của mình với giá 76,5 tỷ đồng có đúng quy định của pháp luật không và tôi cần phải nộp thuế thu nhập cá nhân là bao nhiêu tiền trong trường hợp này? Nguyễn Hồng Sơn (Hà Nội)

Luật sư trả lời:

Luật sư Đỗ Thị Ánh Tuyết (Công ty Luật TNHH Lưu Đại Nghĩa)

Về vấn đề và những câu hỏi nêu trên, chúng tôi xin được chia sẻ như sau:

Thứ nhất, việc mua bán, chuyển nhượng cổ phần của bạn là hoàn toàn hợp pháp, hai bên mua bán hoàn toàn tự do định đoạt về giá trị chuyển nhượng cổ phần. Bởi lẽ, theo quy định tại Điều 127 - Luật Doanh nghiệp 2020 về việc chuyển nhượng cổ phần thì cổ phần được tự do chuyển nhượng, cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập chỉ được chuyển nhượng cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông trong thời hạn 3 năm, kể từ ngày doanh nghiệp được thành lập. Công ty của bạn thành lập năm 2010 nên việc chuyển nhượng cổ phần phổ thông của bạn cho người khác không phải cổ đông sáng lập doanh nghiệp chỉ bị hạn chế và phải có sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông công ty khi bạn chuyển nhượng từ năm 2013 trở về trước. Trong trường hợp này, bạn chuyển nhượng cổ phần là năm 2021 nên hoàn toàn có quyền tự do chuyển nhượng. Cụ thể, Điều 127 - Luật Doanh nghiệp quy định về chuyển nhượng cổ phần xác định: “Cổ phần được tự do chuyển nhượng, trừ trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 120 của Luật này và Điều lệ công ty có quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần. Trường hợp Điều lệ công ty có quy định hạn chế về chuyển nhượng cổ phần thì các quy định này chỉ có hiệu lực khi được nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng”.

Người có nghĩa vụ nộp hồ sơ khai thuế không thực hiện đúng thời hạn sẽ bị xử phạt hành chính (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, pháp luật không quy định về giá chuyển nhượng cổ phần và tôn trọng nguyên tắc tự do thỏa thuận. Trong khi ấy, hợp đồng chuyển nhượng cổ phần giữa bạn và người quen (cổ đông mới) là một giao dịch dân sự. Vì vậy, các bên trước hết cần tuân thủ các nguyên tắc và quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo đó, khoản 2, Điều 3 - Bộ luật Dân sự về nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định: “Cá nhân có quyền xác lập, thực hiện nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện thỏa thuận mà không được vi phạm điều cấm của luật”. Trên cơ sở rà soát các quy định của pháp luật liên quan đến hợp đồng chuyển nhượng cổ phần có hiệu lực đến thời điểm hiện tại thì không có quy định nào về giá trị cổ phần tối đa khi thực hiện chuyển nhượng. Vì vậy, thỏa thuận giá trị chuyển nhượng cổ phần của bạn và người quen có hiệu lực pháp luật. “Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng” - Điều 3, Bộ luật Dân sư quy định.

Thứ hai là về thuế thu nhập cá nhân phải nộp do chuyển nhượng 2.000.000 cổ phần với giá trị 76,5 tỷ đồng thì trước tiên cần phải xác định rằng, chuyển nhượng cổ phần là đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về Luật Thuế thu nhập cá nhân. Do đó, thu nhập từ việc chuyển nhượng cổ phần của bạn là thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán và phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Vấn đề này được quy định tại điểm b, khoản 4, Điều 3 - Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007; điểm b, khoản 4, Điều 3 - Nghị định 65/2013 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập cá nhân và tại một số văn bản liên quan. Theo đó, cá nhân chuyển nhượng chứng khoán nộp thuế theo thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần. Và theo tính toán của chúng tôi số tiền thuế bạn nộp cho Nhà nước, tương ứng với giá trị chuyển nhượng cổ phần ghi trong hợp đồng là 76,5 tỷ đồng X 0,1% = 76,5 triệu đồng.

Thứ ba là do đã quá thời hạn nộp hồ sơ khai thuế nên bạn sẽ phải chịu xử phạt vi phạm hành chính do chậm nộp hồ sơ khai thuế. Bởi thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đã được quy định tại khoản 3, Điều 43 - Luật Quản lý thuế. Cụ thể là “Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với loại thuế khai và nộp theo từng lần phát sinh nghĩa vụ thuế chậm nhất là ngày thứ 10 kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ thuế”. Như vậy, thời hạn nộp hồ sơ khai thuế thu nhập cá nhân của bạn đối với việc chuyển nhượng cổ phần là 10 ngày, kể từ ngày 2 bên ký vào hợp đồng chuyển nhượng cổ phần.

Trường hợp người có nghĩa vụ nộp hồ sơ khai thuế không thực hiện khai đúng thời hạn thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 13 - Nghị định 125/2020/NĐ-CP. Theo đó, người vi phạm có thể bị xử phạt một trong các mức là: cảnh cáo đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 1 ngày đến 5 ngày và có tình tiết giảm nhẹ; phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 1 ngày đến 30 ngày, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này; phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 31 ngày đến 60 ngày. Hoặc bị phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 61 ngày đến 90 ngày; nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên nhưng không phát sinh số thuế phải nộp; không nộp hồ sơ khai thuế nhưng không phát sinh số thuế phải nộp; không nộp các phụ lục theo quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết kèm theo hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp. Và phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn trên 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế, có phát sinh số thuế phải nộp và người nộp thuế đã nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp vào ngân sách Nhà nước trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế hoặc trước thời điểm cơ quan thuế lập biên bản về hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế...

Như vậy, rất có khả năng bạn sẽ phải chịu mức phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng, do bạn và người quen đã có hành vi mua bán, chuyển nhượng cổ phần từ năm 2021 nhưng đến nay mới thực hiện việc kê khai và nộp thuế.

Bạn đọc có nhu cầu được tư vấn pháp luật xin mời gửi thư đến tòa soạn, địa chỉ số 82 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội; hoặc gọi điện đến Đường dây nóng: (024)39426618; 0903289922; hoặc hòm thư điện tử: bandoc@anninhthudo.vn.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/cham-ke-khai-va-nop-thue-khi-mua-ban-co-phan-se-bi-xu-phat-post546007.antd