Chậm còn hơn không!

TP Hồ Chí Minh vừa cho phép quảng cáo đại trà trên tất cả các phương tiện xe buýt (trợ giá và không trợ giá), sau hơn một năm rưỡi thí điểm hiệu quả. Theo nhận định của các chuyên gia, trong khi các địa phương như: Hà Nội, Đồng Nai, Cần Thơ... thực hiện thành công hơn 10 năm nay thì TP Hồ Chí Minh giờ mới triển khai dù là chậm nhưng còn hơn không...

TP Hồ Chí Minh chính thức cho phép quảng cáo đại trà trên xe buýt.

Thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm

Theo Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, qua hơn một năm rưỡi (tháng 10-2015) thí điểm quảng cáo trên 171 xe buýt có trợ giá thuộc 10 tuyến, ngân sách thu về hơn 14,6 tỷ đồng, tăng 40% so với dự kiến. Theo tính toán, nếu quảng cáo hơn 3.000 đầu xe đang hoạt động, số tiền thu được khoảng 170 tỷ đồng/năm, góp phần giảm ngân sách trợ giá xe buýt.

UBND TP Hồ Chí Minh đánh giá, việc cho phép quảng cáo đại trà trên xe buýt nhằm khai thác không gian bên ngoài thân xe, góp phần tăng nguồn thu, giảm bớt kinh phí trợ giá cho hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt từ ngân sách thành phố.

Là một trong những người tiên phong xây dựng đề án quảng cáo trên xe buýt, nguyên Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ (Sở GTVT TP Hồ Chí Minh) Lê Trung Tính cho hay, trong tình cảnh ngân sách trợ giá xe buýt "phình" ra hằng năm, thì việc chính quyền thành phố cho phép quảng cáo đại trà trên xe buýt là hợp lý. Theo ông Tính, hơn 10 năm trước, khi trình đề án lên chính quyền thành phố, Sở GTVT ước tính có thể thu ít nhất 100 tỷ đồng mỗi năm.

Trong khi đó, theo TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, việc quảng cáo sẽ tăng sức hút của mạng lưới xe buýt và quảng bá hình ảnh thành phố, tạo sức bật cho nhiều ngành sản xuất dịch vụ… Đặc biệt, nếu việc định giá nghiêm túc, công tác đấu giá, đấu thầu công khai và minh bạch theo luật định, con số thu được phải trên 200 tỷ đồng mỗi năm, trang trải khoảng 10 đến 15% chi phí ngân sách trợ giá cho xe buýt hằng năm.

Cẩn trọng khi triển khai

Nhiều chuyên gia nhận định, do là địa phương đi sau trong việc quảng cáo trên xe buýt nên sẽ rất khó khăn cho cơ quan chức năng liên quan của thành phố trong việc xác định đơn giá, tổ chức thực hiện đấu giá và quản lý hợp đồng. Nếu không có sự giám sát chặt chẽ của lãnh đạo UBND và HĐND thành phố, rất dễ dẫn đến tiêu cực và lợi ích nhóm.

Cũng theo Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, hiện các phương tiện xe buýt do các đơn vị vận tải quản lý và sử dụng nên cơ quan chức năng thành phố không có bộ phận chuyên theo dõi công tác quảng cáo. Bên cạnh đó, nhiều phương tiện hiện xuống cấp, mặt bằng xe chưa đồng bộ, thân vỏ cũ, gây khó khăn trong việc lên thiết kế quảng cáo và thi công; tình trạng giảm số chuyến hoạt động trong ngày trên tuyến làm ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác quảng cáo…

Để thực hiện thành công, theo TS Phạm Sanh, trước mắt, thành phố cần thực hiện theo đề án được phê duyệt. Đồng thời, nghiên cứu thêm về giá quảng cáo và lợi nhuận của các doanh nghiệp, nếu không rất dễ gây ra sự không công bằng. Hệ quả, Nhà nước thất thu và phát sinh nhiều tiêu cực trong quá trình thực hiện. “Các đơn vị liên quan vừa làm, vừa đánh giá rút kinh nghiệm, thậm chí xin ý kiến UBND thành phố để bổ sung điều chỉnh hợp lý và khoa học”, TS Sanh góp ý.

UBND TP Hồ Chí Minh đã giao Sở GTVT là cơ quan chủ trì đề án, phối hợp với các sở, ngành và đơn vị liên quan thành lập Tổ công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ sản phẩm quảng cáo, bảo đảm các yêu cầu về nội dung, hình thức, màu sắc, không gây phản cảm và tuân thủ theo các quy định hiện hành; đấu thầu công khai chọn đơn vị khai thác quảng cáo, quản lý đối với toàn bộ các phương tiện (có trợ giá và không trợ giá). UBND TP Hồ Chí Minh cũng yêu cầu, quảng cáo thể hiện trên bề mặt của 2 bên vỏ thân xe, kể cả phần cửa xe và kính xe. Nội dung quảng cáo không vượt quá 50% diện tích mỗi bề mặt của vỏ thân xe; không che mất tầm quan sát của hành khách...

Hà Phạm

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/868890/cham-con-hon-khong