Cha mẹ nào dám cho con đến trường để phải nghe những lời nói dối?

Chúng ta học được gì sau vụ clip cô giáo trường MN Sen Vàng bạo hành trẻ, nữ sinh bị bỏng nặng vì sự tắc trách của giáo viên và gần đây nhất là vụ cô Hiệu trưởng phát tờ rơi để dập tắt vụ HS gãy chân?

Khi con đến tuổi đi học, chúng ta háo hức đưa con đến trường với mong muốn con sẽ học giỏi và sớm thành tài. Nhưng thật tiếc, chúng ta dường như đã quên mất một điều vô cùng quan trọng: Thứ quý giá nhất trong cuộc sống này, thứ giúp một đứa trẻ nên người, thứ gắn kết giữa người với người không phải là kiến thức - Chính là NIỀM TIN.

Tôi cũng có con sắp đến tuổi đi học. Việc chọn trường cho con khiến tôi vô cùng khổ sở. Trường mầm non mọc lên như nấm sau mưa, trường nào cũng quảng cáo là sẽ dạy con học hát, chơi thể thao, học tiếng Anh, rồi cả viết và vẽ… Tới trường, các con sẽ được thầy cô trang bị đầy đủ kiến thức và kĩ năng cần thiết. Cả thầy cô lẫn phụ huynh cứ mải miết chạy theo thành tích "trò giỏi, trò ngoan" mà bỏ quên mất một điều vô cùng quan trọng, là xây dựng niềm tin cho các con - vì đây mới chính là nền tảng phát triển vững chắc cho các con sau này. Con chúng ta sau này có trở thành tiến sĩ này hay giáo sư nọ, trưởng phòng này hay giám đốc kia, thì điều đầu tiên, chúng phải là một người tốt trước đã.

Giáo viên mầm non dùng dép đánh vào đầu học sinh

Ngay từ giáo dục mầm non, rất nhiều trẻ đã được các cô "nhồi nhét" vào đầu cách nói dối ba mẹ: Con ăn cơm nửa chén hoặc thậm chí bỏ cơm nhưng đến khi ba mẹ hỏi thì nhớ phải nói là "Con ăn hết hai chén", trưa con không ngủ cũng phải nói rằng "Con ngủ trưa hai tiếng", cơm nấu không ngon cũng phải khen rằng cơm rất ngon, cô đánh con để lại vết bầm thì nhớ nói là con bị té hoặc bị bạn đánh… Sự dối trá ngang nhiên bước chân vào từng bài học vỡ lòng của con trẻ. Rồi cả những tiết dự giờ hoàn hảo với sự sắp đặt và diễn tập của cô. Các con được làm quen với sự gian dối ngay từ khi còn nhỏ, chẳng khác gì như những mầm cây non xanh sớm bị phun hóa chất độc hại.

Về vụ việc xe taxi đâm gãy chân học sinh trường tiểu học Nam Trung Yên, cách hành xử và những lời nói dối trơn tru của cô Hiệu trưởng đã khiến cư dân mạng, nhất là các ông bố bà mẹ có con đang tuổi đến trường dậy sóng.

Học sinh trường tiểu học Nam Trung Yên bị taxi đâm gãy xương đùi.

"Cháu bé bị xe đâm gãy đùi có 20 bạn chứng kiến, có bạn chạy theo níu bảo, cô giáo mới quay lại. Sự vô cảm ấy sẽ ghi mãi trong những tâm hồn trẻ thơ. Có cô giáo còn dọa sẽ dùng xã hội đen, có cô giáo nói ung thư còn chưa chết, gãy chân mà làm ầm lên... bị thế cho chừa, lần sau đừng có nghịch. Lại còn cưỡng ép các con dối trá khi phát phiếu lấy ý kiến nữa chứ!".

"Vụ việc cháu bé ở tiểu học Nam Trung Yên chỉ cho thấy một điều: Những sự việc dù lớn hay nhỏ nhưng giải quyết bằng sự thành tâm, trung thực thì mọi thứ sẽ dừng lại ở "tình cảm". Nhưng dối trá, bưng bít trong môi trường giáo dục là việc không thể chấp nhận được. Tôi có thể chấp nhận được việc đi xe vào trường và làm gãy xương cháu như một sự cố nhưng không thể chấp nhận cách giải quyết sự việc của cô và nhà trường. May làm sao sự thật cũng đang được bảo vệ. Và bài học làm nghề đầu tiên của các cô giáo là đạo đức nghề. Chuyên môn yếu kém có thể bồi dưỡng, nhưng cái tâm làm nghề yếu kém thì nghỉ đi, bỏ đi đừng hủy hoại các con dần dần và từ từ như thế. Bài học lòng trung thực trong sách đạo đức tiểu học bị các cô xé toạc một phát trước bao ánh mắt ngơ ngác của con trẻ. Thế là vô lương tâm!".

Diệp Anh, nạn nhân vụ bỏng cồn do sự tắc trách của cô giáo bộ môn trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) đã có những dòng tâm sự đẫm nước mắt: "Có ai thấy mâu thuẫn giống tớ không? Người làm nhận là nghịch đồ, cô hiệu trưởng vẫn trả lời phỏng vấn là thu dọn đồ. Các cậu ơi, nghỉ thôi, tớ mệt rồi. Họ vừa ép tớ viết một bài để gửi cho báo chí nói rằng hành động đó không phải bao che, và tớ viết không nổi nữa rồi. Danh dự của trường quả thật là một thứ quý giá, hơn cả mạng sống của con người. Cảm ơn các cậu, các em, các chị, các anh, các cô chú đã đứng về phía tớ. Điều đó đã đem lại động lực không hề nhỏ cho cuộc đời của tớ".

Bỏng cồn do sự tắc trách của cô giáo bộ môn

Các thầy cô dạy học sinh sống thật thà, dũng cảm. Thế nhưng khi học sinh có "trót dại" sống thật thà, dũng cảm đứng lên tố cáo một hành vi sai phạm nào đó của thầy cô, học sinh sẽ bị khiển trách, kỉ luật, thậm chí là ngầm đe dọa. Liệu có thầy cô nào cảm thấy chân run khi bước lên bục giảng hay không? Liệu có thầy cô nào chịu ngồi yên khi không phải học trò của mình, mà là chính đứa con bé bỏng của mình bị bạo hành, bị bỏng cồn và gãy đùi không?

Sự dối trá nào cũng được bao che? Không, người ta quên rằng còn có mạng xã hội. Không ai kiểm soát được những thông tin được đưa lên mạng xã hội. Không ai ngăn cản được cơn phẫn nộ của cư dân mạng trước những hành vi phản giáo dục của chính các thầy cô. Thông tin trên mạng lan đi rất nhanh. Chỉ cần một người share, là triệu người biết. Tin buồn cho một nền giáo dục bị khuyết tật niềm tin là những thế hệ học sinh hoài nghi về niềm tin dành cho chính thầy cô giáo của mình. Trò không còn tin cô, sao cô có thể đứng lên bục giảng và nhìn thẳng vào mắt trò mà dạy dỗ được?

Chúng ta không thể dạy một đứa trẻ phải biết yêu môi trường khi chúng ta còn ngang nhiên đốt rừng, đốn cây, thải chất độc ra biển và xả rác bừa bãi. Chúng ta không thể dạy một đứa trẻ phải biết yêu thương khi chúng ta sống thờ ơ, vô cảm với chính học trò của mình. Chúng ta càng không thể dạy một đứa trẻ sống ngay thẳng, thật thà khi chính chúng ta hằng ngày đang nhởn nhơ sống trong dối trá. Mọi mối quan hệ xã hội đều phải xuất phát từ niềm tin, đó mới chính là sợi dây liên kết con người lại với nhau.

*Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả

Theo Trí thức trẻ

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/doi-song/cha-me-nao-dam-cho-con-den-truong-de-phai-nghe-nhung-loi-noi-doi-134062/