Cha mẹ đồng tính Trung Quốc gặp khó khi tìm trường cho con

Định kiến xã hội về việc hai ông bố hoặc hai bà mẹ nuôi dạy con cái gây không ít trở ngại cho những bậc phụ huynh đồng giới trong việc chọn môi trường giáo dục cho con.

Năm ngoái, Su Ge (40 tuổi) dành nhiều thời gian để nghiên cứu các trường mẫu giáo phía đông thành phố Nam Kinh (Giang Tô, Trung Quốc) để chuẩn bị cho con trai.

Sau nhiều lần cân nhắc, anh chọn ngôi trường có học phí đắt nhất và tin rằng đó sẽ là môi trường hoàn hảo cho con mình, một đứa trẻ được nuôi dạy bởi hai ông bố.

Mỗi cặp đồng tính chọn cách khác nhau để nuôi dạy con. Ảnh: Sixth Tone.

So với những lựa chọn khác, Su cho biết các giáo viên ở trường mẫu giáo tư thục tương đối trẻ và có cả người đồng tính. Nhờ đó, con trai anh sẽ được chăm sóc chu đáo và không phải chịu cảnh phân biệt đối xử.

“Ban đầu, chúng tôi vẫn hơi lo lắng. Vì vậy, chúng tôi đã mời các giáo viên tới nhà hàng của mình để thiết lập mối quan hệ tốt với họ”, anh chia sẻ.

Su và người bạn trai 34 tuổi có con nhờ dịch vụ mang thai hộ ở Thái Lan cách đây 4 năm. Họ nắm rõ những gì con trai mình phải đối mặt khi đến tuổi đi học, trong đó có thắc mắc về vai trò “mẹ” trong gia đình. Để chuẩn bị sẵn tinh thần cho con, họ mời một người bạn nữ thân thiết đến ở cùng họ trong vòng một năm khi con trai lên 2 tuổi.

“Thằng bé gọi cô ấy là ‘mẹ’ và kể với mọi người rằng nó có hai ông bố và một bà mẹ. May mắn thay, không ai nói câu nào làm tổn thương con trai tôi”, anh kể.

Lei Yu, một đồng tính nam 41 tuổi, lại có cách dạy dỗ con kiểu khác khi anh quyết định trở thành “gà trống nuôi con”. Anh không hề giấu con trai về người mẹ ruột của cậu bé ở Thái Lan. Nếu không vì đại dịch Covid-19, hai bố con đã tới xứ sở chùa Vàng để thăm người phụ nữ này.

“Tôi vẫn giữ liên lạc với cô ấy. Thằng bé cần biết mẹ ruột của mình, người đã đưa nó tới thế giới này, là ai”, anh nói.

Các cặp đồng tính lo lắng giáo viên sẽ phân biệt đối xử với con cái họ. Ảnh: The Guardian.

Để chuẩn bị cho con trai 1 tuổi sắp vào mẫu giáo, Lei cho con đọc cuốn sách ảnh The Great Big Book of Families (tạm dịch: Quyển sách vĩ đại về gia đình) của tác giả Mary Hoffman.

“Tôi muốn gieo ý tưởng vào đầu thằng bé rằng xã hội có nhiều loại gia đình khác nhau: một số có hai ông bố, số khác có hai bà mẹ hoặc nhiều nhà có hơn năm thành viên”, anh chia sẻ.

Lei khá lạc quan về sự cởi mở của người dân đối với cộng đồng LGBT khi sống ở phía nam thành phố Đông Quan (Bắc Kinh, Trung Quốc). Tuy nhiên, anh vẫn giữ quan điểm không công khai giới tính thật của bản thân với các giáo viên của con. Lei lo rằng họ sẽ đối xử khác với con trai anh một khi họ biết về hoàn cảnh gia đình.

Xu hướng lập gia đình nhờ dịch vụ mang thai hộ

Năm 2019, Cục điều tra dân số Mỹ cho biết có 191.000 trẻ em sống cùng cha mẹ đồng giới. Mặc dù chính phủ Trung Quốc không thực hiện thống kê số liệu này, Hu Zhijun, Giám đốc Tổ chức PFLAG, ước tính có hơn 100.000 gia đình đồng tính ở quốc gia tỷ dân.

Dong Xiaoying, Giám đốc tổ chức phi lợi nhuận Advocates for Diverse Family Network, cho biết hầu hết con cái được nuôi dưỡng bởi các cặp đồng tính đều mới ở độ tuổi đi học mẫu giáo do dịch vụ mang thai hộ vẫn còn khá mới mẻ ở Trung Quốc.

Theo nghiên cứu của cô, không ít phụ huynh LGBT đi cùng một người khác giới đóng vai vợ/chồng giả khi đến gặp giáo viên. Một số khác tự nhận là bố hoặc mẹ đơn thân. Không nhiều người công khai con của họ có hai ông bố hoặc hai bà mẹ.

Không chỉ kết hôn, nhiều cặp đồng giới tiến tới lập gia đình nhờ phương pháp mang thai hộ. Ảnh: SCMP.

Tao Jianli, một giáo viên chuyên giảng dạy các khóa giáo dục giới tính ở tỉnh Chiết Giang, cho biết các bậc phụ huynh đồng tính thường không chủ động gặp gỡ thầy cô dạy con mình vì mang thai hộ vẫn là một vấn đề nhạy cảm ở Trung Quốc, và họ muốn tránh xa các rắc rối không đáng có.

“Điều này cho thấy xã hội đang phớt lờ quyền và lợi ích của những gia đình đa nguyên này, vì vậy họ không được thể hiện đúng vai trò của mình”, cô cho biết.

Tommy Tan cùng bạn trai Joe Chen được coi là hình mẫu cho nhiều gia đình đồng tính ở Trung Quốc. Họ yêu nhau từ năm 1997 tại Quảng Châu, khi đó Joe đã lấy vợ và có con trai mới sinh tên Jack. Sau khi ly hôn vào năm 2003, cặp đồng tính nam quyết định cùng nhau nuôi nấng con của Joe.

Kể từ năm 2009, Tommy thường xuyên đăng những mẩu chuyện về “3 người đàn ông dưới một mái nhà” lên mạng xã hội và thu hút hơn 500.000 người hâm mộ. Năm 2016, anh lập nhóm trò chuyện trên WeChat dành cho các bậc phụ huynh đồng tính sau khi việc mang thai hộ bắt đầu nở rộ trong cộng đồng LGBT ở Trung Quốc. Chỉ trong vài tuần, nhóm đã có hơn 100 gia đình tham gia.

“Khi con cái của những người này lớn lên, chúng sẽ biết mình không phải là người duy nhất được sinh ra bằng phương pháp mang thai hộ. Chúng không phải những con quái vật không rõ nguồn gốc. Đó là mục đích lập nên nhóm chat này của tôi”, Tommy cho biết.

Các bậc phụ huynh đồng tính cần chuẩn bị trước cho những khó khăn khi con vào độ tuổi đi học. Ảnh: NBC News.

Bản thân Tommy tin rằng khi xã hội ngày càng tiến bộ cùng với sức ảnh hưởng lớn của Internet, mọi người sẽ thấu hiểu và dễ chấp nhận sự đa dạng trong các gia đình. Tuy nhiên, không ít người tỏ thái độ chống đối, phân biệt đối xử hay thậm chí là thể hiện sự thù địch do liên quan đến tôn giáo hoặc quan điểm cá nhân.

“Ngay cả khi lạc quan nhất trước sự thay đổi của xã hội, các bậc phụ huynh đồng tính vẫn cần học cách tự giải quyết vấn đề trong gia đình, đặc biệt là mối quan hệ giữa con cái họ với thế giới bên ngoài”, anh cho biết.

Hãy thành thật với con cái

Li (32 tuổi), một nữ cảnh sát đồng tính ở Thâm Quyến (Trung Quốc), đã hạ sinh con trai Andy tại Hong Kong vào năm 2013 nhờ công nghệ hỗ trợ sinh sản. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng về khả năng phát triển và môi trường giáo dục, Li đưa Andy tới Hong Kong định cư khi cậu bé lên 2 tuổi.

“Người dân ở đây thường không bàn tán về đời tư nhiều vì họ quá bận rộn kiếm sống. Không ai quan tâm đến hoàn cảnh của hai mẹ con bởi ở đây họ có đủ loại hình gia đình”, cô chia sẻ.

Nhờ việc được giáo dục giới tính từ sớm, nhiều trẻ em không lạ lẫm khi chung sống với hai bố hoặc hai mẹ. Ảnh: Korea Times.

Li đã chia sẻ thành thật với Andy về xu hướng tình dục vào năm cậu bé 7 tuổi. Bất cứ khi nào bắt gặp tin tức hoặc chương trình truyền hình về cộng đồng LGBT, cô đều nói chuyện trực tiếp với con trai mình.

“Trên thế giới có rất nhiều loại tình yêu, trong đó đàn ông có thể yêu đàn ông, phụ nữ có thể yêu phụ nữ, miễn là họ trân trọng và yêu nhau thật lòng”, cô tâm sự với Andy.

Hai mẹ con chung sống với bạn gái của Li và con gái 11 tuổi của người này. Lũ trẻ gọi Li là “mama” và bạn gái cô là “mammy”. Cả bốn người thường xuyên ôm ấp nhau khi xem tivi và hai mẹ không ngần ngại khi hôn nhau trước mặt các con.

“Lũ trẻ chưa bao giờ cảm thấy kỳ lạ khi sống chung với 2 người mẹ. Chúng cũng chưa từng bị phân biệt đối xử ở trường”, Li nói.

Jack, con trai của Tommy và Joe, hiện là du học sinh tại Mỹ. Khi anh cho những người bạn học xem các mẩu chuyện về gia đình anh mà bố đăng trên mạng, họ đều thể hiện sự ủng hộ nhiệt tình.

Bên cạnh đó, nam sinh 22 tuổi cho biết anh tự hào về hai người cha của mình vì đã trở thành hình mẫu lý tưởng cho những thành viên LGBT muốn lập gia đình.

Hồng Chang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cha-me-dong-tinh-trung-quoc-gap-kho-khi-tim-truong-cho-con-post1126821.html