Cây sưa đỏ hằng trăm tuổi khô héo ở bờ hồ Hoàn Kiếm

Cây sưa đỏ trăm năm tuổi ngày gần cầu Thê Húc, Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội chết khô nhiều năm nay nhưng chưa được chặt hạ, di dời.

Video: Cây sưa đỏ trăm năm tuổi khô héo ở bờ hồ Hoàn Kiếm

Thời gian gần đây, người dân và du khách đi dạo quanh Hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) chứng kiến một cây gỗ sưa đỏ sưa đỏ trăm năm tuổi một người ôm không xuể bị chết khô.

Theo quan sát của PV Gia đình và Xã hội, cây sưa đỏ này cao chừng hơn 10m, đường kính thân khoảng 70- 80cm, nằm ngay sát mép hồ, phía gần với cầu Thê Húc.

Theo một số người dân sinh sống gần khu vực này cho biết, trước kia cây có gắn biển cây sưa đỏ. Trên biển có ghi cây sưa đỏ này đã trên 100 tuổi. Năm 2019, cây này có dấu hiệu khô héo, từ đó đến nay thì cây chết hẳn.

Một số cành đã khô héo và bị gãy, rơi xuống đất.

Một số nơi của cây vỏ đã bong, khô héo từ lâu.

Việc một cây cổ thụ to, chết nằm ở ngay bờ hồ Hoàn Kiếm – di tích Quốc gia đặc biệt vừa gây mất mỹ quan với du khách, vừa tiềm ẩn nguy cơ tai nạn nếu cây gãy đổ khi có mưa bão.

Theo Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội cho biết, khu vực quanh Hồ Hoàn Kiếm và vườn hoa Lý Thái Tổ có 45 cây sưa đỏ quý hiếm, trong đó quanh Hồ Gươm có 30 cây tuổi đời mấy chục năm, có cây gần 100 năm tuổi.

Thân cây một người ôm không xuể. Theo Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội thông tịn, khi phát hiện cây sưa đỏ bị chết, đơn vị đã cử người đi khảo sát và chặt bỏ những cành cây có nguy cơ bị rơi, tiềm ẩn nguy hiểm cho người dân và du khách. Đến nay, Ban quản lý đang liên hệ với các sở, ban ngành và đơn vị liên quan về việc khảo sát, phương án chặt hạ cây rồi báo cáo UBND quận Hoàn Kiếm để xem xét.

"Cây sưa đỏ, giá trị lớn nên chúng tôi phải báo cáo quận để xin chặt hạ. Ngoài ra, khi chặt hạ chúng tôi không có kho để lưu trữ, bảo quản lại phải xin chỉ đạo của Sở Xây dựng, rồi báo cáo Sở Tài chính, UBND TP xem xét xử lý gỗ như thế nào" - đại diện Ban cho biết.

Sưa đỏ là cây gỗ quý thuộc nhóm 1A (nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại). Mỗi cây sưa 20 năm tuổi trở lên đều có giá vài tỷ đến hàng chục tỷ đồng nên nhiều người săn tìm nó với mong ước đổi đời. Thậm chí, có thời điểm người ta còn thu mua cả lá, rễ cây với giá hàng vài triệu đến vài chục triệu đồng/kg.

Có rất nhiều lời đồn đoán về công dụng thực sự của gỗ sưa. Tuy nhiên đến nay, chưa có ai tìm ra được giá trị thực của gỗ sưa đỏ.

Theo tìm hiểu, trong khuôn viên chùa Phụ Chính, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) có hai cây sưa quý hiếm, một cây có chiều cao khoảng trên 10m, đường kính trên 1m, cỡ 2 người ôm, 130 năm tuổi. Một cây khác cũng có chiều cao hơn 10m, đường kính khoảng 80cm, khoảng gần 100 năm tuổi.

Năm 2010, có người đến trả giá hơn 100 tỷ đồng cho một cây sưa đỏ nhưng người dân không bán. Sau đó, người dân đã cưa một cành cây bán với giá 20,5 tỷ đồng để lấy kinh phí xây đình làng. Đến tháng 10/2018, TP Hà Nội có văn bản yêu cầu các ban, ngành hướng dẫn người dân khai thác cây sưa theo đúng quy định của pháp luật.

Đến ngày 27/1/2019, người dân thôn Phụ Chính bắt đầu chặt hạ hai cây sưa đỏ, chia thành 5 nhóm gỗ với trọng lượng từ 550kg đến hơn 2.000kg, đồng thời đưa ra mức giá khởi điểm cho nhóm gỗ đặc biệt là 32 triệu đồng mỗi kg, còn loại gỗ gốc nhỏ, rễ thì hơn 6 triệu đồng mỗi kg.

Đến nay, sau nhiều lần mang ra đấu giá thì số lô gỗ trên vẫn chưa tìm được chủ nhân.

Video đang được quan tâm:

Đồng Diệm

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/cay-sua-do-hang-tram-tuoi-kho-heo-o-bo-ho-hoan-kiem-17223040615442631.htm