Cây nêu ngày Tết ở Tây Nguyên

Người Việt Nam từ xưa có phong tục dựng cây nêu dịp Tết cổ truyền vào ngày 23 tháng Chạp sau khi đã tiễn ông Táo về trời để xua đuổi ma quỷ, bảo vệ bình yên cho các gia đình và cư dân địa phương.

Theo quan niệm dân gian, trong thời gian ông Táo lên Thiên đình thì lúc này tại nhà không có thần linh canh giữ và ma quỷ rất dễ đến quấy nhiễu nên người dân dựng cây nêu để xua đuổi tà ma ám chướng giữ bình yên cho các hộ gia đình và cư dân địa phương.

Đối với cư dân miền biển, sau một năm chống chọi với giông bão, đối mặt với thủy thần, vượt ra đại dương để tìm con cá, con mực làm kế sinh nhai thì vào dịp Tết Nguyên đán từ ngày 23 đến 30 tháng Chạp, họ dựng cây nêu để dâng lên Thiên đình lời cảm tạ các đấng thần linh đã bảo vệ và nuôi sống họ.

Còn cư dân miền cao phía Bắc và phía Nam đều có dựng cây nêu tùy thuộc vào quan niệm của từng dân tộc. Với đồng bào dân tộc ít người phía Bắc, cây nêu chính là biểu hiện của thần linh giúp xua đuổi ma quỷ quấy phá dân làng. Ở dân tộc ít người khu vực Tây Nguyên thì cây nêu chính là bức thông điệp gửi lên các Yang lời cầu xin gìn giữ bình an cho dân làng không bị thú dữ rình rập phá hoại, đồng thời cũng cám ơn Yang đã ban cho dân làng sức khỏe, mùa màng ấm no…

Cây nêu ngày Tết ở Kon Tum. Ảnh: P.S

Hình thức cây nêu trên mọi vùng cư dân gần như giống nhau, thường được làm bằng tre, nứa, lồ ô… Tùy theo quan niệm từng vùng miền từng ý nghĩa mà hình thức trang trí có thay đổi đôi chút, thế nhưng tất cả đều có chung một biểu hiện tôn trọng thần linh khi họ thể hiện trang trí trên phần ngọn nêu (phần quan trọng nhất) để gửi gắm thông điệp lên thiên đình, trời, yang… Ở miền đồng bằng, người dân thường treo một cái liễn bằng vải đỏ có viết chữ bằng mực Tàu, nội dung là lời khấn. Ở Tây Nguyên thì trên đỉnh cột nêu thường làm cánh chim tung bay và trang trí các hình của vũ trụ mặt trời, mặt trăng và các vì sao...

Những ngày trước Tết Giáp Thìn 2024, khi đi qua một số phố phường, xóm ngõ ở các tỉnh Tây Nguyên, mọi người đều bỡ ngỡ ngạc nhiên khi được chứng kiến nhiều nơi người dân kéo những cành tre, trúc dài chừng 8-10 m về trước hiên nhà. Một số nam thanh niên trong gia đình, trong xóm xúm lại làm cây nêu. Họ lấy dao rựa trảy hết các nhánh lá ở gốc và nhánh chỉ để lá lại phần ngọn chừng 50-80 cm rồi buộc từng đoạn cách nhau 20 cm những chiếc lồng đèn nhỏ tròn màu đỏ có tua từ gốc đến ngọn, đi cùng với những chiếc lồng đèn đó là dây bóng điện chớp nháy màu rực rỡ. Nơi đầu ngọn cây nêu, họ treo chiếc lồng đèn lớn 40 cm có tua ở phần đáy đèn lồng, bên trong lắp một bóng đèn tròn.

Có nơi đi suốt cả con đường dài thấy nhà nhà đều bận rộn dựng cây nêu làm cho không khí đón Tết ở xóm nhỏ thêm vui nhộn, hào hứng. Có xóm dựng cây nêu trước, xóm dựng sau, nhưng đến chiều 29 Tết thì hầu như các con đường khắp phố phường đã dựng nêu trang trí xong. Tối đến, hàng nêu 2 bên đường uốn cong chụm đầu vào nhau sáng rực, lấp lánh ánh đèn, tạo không gian lung linh, huyền ảo.

Năm nay mọi người trong khu dân cư đều có cảm giác ấm cúng hơn mọi năm khi có những con đường cây nêu sáng rực, vừa mang hồn quê hương vừa tô điểm cho phố phường thêm duyên dáng và lộng lẫy. Tuy họ không chuẩn bị cho lễ cúng khi dựng cây nêu nhưng hầu như các con đường tổ chức cúng cuối năm và liên hoan xóm thật vui vẻ dưới những hàng cây nêu đầy màu sắc lộng lẫy.

Dù hầu hết cư dân nơi đây đều là người từ mọi miền ở đồng bằng lên cao nguyên định cư sinh sống nhưng có lẽ họ đồng nhất quan niệm đem hồn cốt của quê hương chứa đựng trong những cột nêu theo truyền thống dân tộc Việt trong những ngày Tết Nguyên đán.

Nhờ cộng đồng mạng xã hội, hình ảnh cây nêu ngày Tết lại được lan tỏa, bay xa, mang theo hồn cốt dân tộc Việt.

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/cay-neu-ngay-tet-o-tay-nguyen-post266357.html