"Cây hy vọng” ở Seoul

QĐND Online - Ngày 19-3, bảy ngày trước khi Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân 2012 khai mạc tại Trung tâm Triển lãm Hội nghị (COEX) nằm ở phía nam thủ đô Seoul, Hàn Quốc, tại quảng trường Thiên niên kỷ của COEX, những “Cây hy vọng” đã được dựng lên. Đây là sáng kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc để những người dân đến xem và có thể viết trực tiếp những thông điệp mà mình mong muốn ở hội nghị và treo lên cây…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Phu nhân tại sân bay quân sự Seoul. Ảnh: Đức Tám/TTXVN

Một cơ chế củng cố ý chí chính trị ở cấp cao

Trong vòng hai năm trở lại đây, người ta càng nghe nói nhiều đến Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân, như một trong những cơ chế hữu hiệu của cộng đồng quốc tế nhằm tập hợp và củng cố ý chí chính trị ở cấp cao, cùng phối hợp hành động giữa các nước trong việc bảo đảm an ninh hạt nhân, chống khủng bố hạt nhân.

Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân không đề xuất hay thay thế các điều ước, sáng kiến mới mà đề cao vai trò của hợp tác quốc tế, nhấn mạnh tầm quan trọng của những điều ước hay sáng kiến sẵn có đã được thương lượng đa phương hoặc được Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cũng như các cơ chế khác xây dựng.

Hội nghị thương đỉnh an ninh hạt nhân lần thứ nhất đã diễn ra vào tháng 4-2010, tại Washington DC (Mỹ) với sự tham dự của 47 quốc gia có năng lực hạt nhân. Hội nghị thượng đỉnh lần I khi đó đã thông qua Thông cáo chung, khẳng định cam kết chính trị của các nước, thông qua kế hoạch làm việc với các khuyến nghị về các biện pháp cụ thể mà các nước cân nhắc triển khai để đảm bảo an ninh hạt nhân, phù hợp với hoàn cảnh của mỗi nước.

Từ thượng đỉnh Washington đến thượng đỉnh Seoul lần này, khoảng thời gian đã là 2 năm. Trong hai năm ấy, đã có những diễn biến phức tạp liên quan đến an ninh, an toàn hạt nhân, đã có hồi chuông khẩn báo về một thảm họa hạt nhân tiềm tàng ở Fukushima sau trận động đất sóng thần kinh hoàng ở Nhật Bản hồi tháng 3 năm ngoái.

Chính vì thế nên Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân lần thứ hai tại Seoul, với đại diện của 53 quốc gia và 4 tổ chức quốc tế tham dự (lớn hơn so với hội nghị lần thứ nhất), là cơ hội để các nước cùng nhìn lại những nỗ lực triển khai các cam kết, khuyến nghị đã đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân ở Wasgington hai năm trước, đồng thời thảo luận về những biện pháp tăng cường an ninh, an toàn trong bối cảnh mới.

Hội nghị là diễn đàn để các nước duy trì, củng cố ý chí chính trị đối với việc bảo đảm an ninh, an toàn hạt nhân, thúc đẩy sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, thảo luận về tương lai của cơ chế Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân.

Đây cũng là cơ hội để các nước, nhất là các nước đang phát triển, tăng cường hợp tác quốc tế, tiếp cận công nghệ tiên tiến trong sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.

Việt Nam-thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế

Chiều 26-3, thủ đô Seoul của Hàn Quốc đón chào đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh hạt nhân lần thứ hai trong cái giá lạnh cuối đông.Trên dọc các trục đường từ sân bay về trung tâm thành phố, các lực lượng an ninh Hàn Quốc thắt chặt công tác bảo đảm an toàn cho các đoàn đại biểu tham dự hội nghị. Một cán bộ ngoại giao Hàn Quốc đón đoàn đại biểu Việt Nam cho biết đây có lẽ là sự kiện ngoại giao lớn nhất trong lịch sử Hàn Quốc, với hơn 5000 đại biểu quốc tế tham dự (lớn hơn cả hội nghị G-20 từng diễn ra ở đây).

Nhân dịp này, cũng có tới 3700 phóng viên quốc tế từ khắp nơi trên thế giới đổ về thành phố bên sông Hàn để đưa tin, theo dõi về sự kiện có tầm quan trọng đặc biệt đối với an ninh hạt nhân trên thế giới trong bối cảnh mối đe dọa về an ninh, an toàn hạt nhân đang có chiều hướng diễn biến phức tạp. Một con số khổng lồ cho thấy thế giới quan tâm tới hội nghị thượng đỉnh này như thế nào.

Chỉ hai tiếng đồng hồ sau khi đặt chân tới Seoul, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng cùng đoàn đại biểu Việt Nam đã tham gia hàng loạt các hoạt động song phương cũng như đa phương tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm COEX.

Đầu giờ tối cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cùng với các vị nguyên thủ, các nhà lãnh đạo đứng đầu các đoàn đại biểu quốc tế tham dự bữa ăn tối làm việc với chủ đề: “Từ lời hứa đến hành động: Những tiến bộ hiện thực sau hai năm”. Các nhà lãnh đạo đã điểm lại những tiến bộ của quá trình thực hiện các nội dung liên quan đến an ninh hạt nhân trong Tuyên bố chung và Kế hoạch hành động được vạch ra ở Hội nghị thượng đỉnh Washington hai năm trước.

Các nhà lãnh đạo đã thảo luận, chia sẻ những biện pháp nhằm làm giảm mối nguy hiểm về sự phát tán các nhiên liệu hạt nhân, tham gia các cơ cấu quốc tế liên quan đến lĩnh vực an ninh hạt nhân, ủng hộ các sáng kiến quốc tế về an ninh hạt nhân.

Sáng 27-3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự phiên họp toàn thể Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân với chủ đề “Các biện pháp quốc gia và hợp tác quốc tế để tăng cường an ninh hạt nhân và cam kết tương lai”.

Tháng 4-2010, Việt Nam đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân lần thứ nhất tại Washington. Kể từ đó, Việt Nam đã nỗ lực thực hiện các cam kết chính trị sau Hội nghị, nghiên cứu tham gia các điều ước-cơ chế quốc tế về an ninh, an toàn hạt nhân. Việt Nam đã tích cực hợp tác với IAEA và các nước trong triển khai chương trình sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, trong đó có chương trình xây dựng các nhà máy điện hạt nhân.

Cho đến nay, Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác năng lượng hạt nhân với Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Pháp, Ấn Độ, Argentina, hợp tác với Nga và Mỹ trong việc chuyển đổi các thanh nhiên liệu uranium làm giàu cao sang uranium làm giàu thấp. Việt Nam đã nỗ lực tăng cường an ninh, an toàn tại các cơ sở hạt nhân trên lãnh thổ Việt Nam.

Việt Nam luôn xác định bảo đảm an ninh, an toàn là ưu tiên hàng đầu trong quá trình phát triển và ứng dụng năng lượng hạt nhân, đồng thời ủng hộ quyền của các quốc gia được sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình cũng như các nỗ lực giải trừ và không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Trưa 27-3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các trưởng đoàn tham gia buổi ăn trưa làm việc với chủ đề “Giao diện an toàn, an ninh hạt nhân”, trước khi tham gia phiên họp toàn thể tiếp tục vào buổi chiều…

Có thể nói, trong hai ngày diễn ra Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân Seoul, đoàn đại biểu Việt Nam, dẫn đầu là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đã có lịch làm việc dồn dập, khẩn trương, đóng góp vào thành công của Hội nghị.

Là thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, đoàn đại biểu chính phủ Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân tại Seoul đã khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam trong việc sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, đảm bảo an ninh, an toàn hạt nhân.

Từ ngày 24-3, những “Cây hy vọng” ở Quảng trường Thiên niên kỷ của COEX được chuyển vào Phòng Quảng bá an ninh hạt nhân ở bên trong Trung tâm truyền thông, cũng chính là nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh. Tại đó, các “Cây hy vọng” tiếp tục nhận được thông điệp từ các đại sứ thường trú của trên 50 quốc gia tham dự hội nghị và từ cả các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị thượng đỉnh. Những “Cây hy vọng” không chỉ được trồng ở Seoul, Hàn Quốc mà còn lan tỏa đi khắp thế giới. Từ hội nghị thượng đỉnh Seoul, nhân loại có thêm niềm hy vọng về “một thế giới hòa bình không có đe dọa khủng bố hạt nhân”. Xin hẹn gặp lại ở Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân lần thứ ba, sẽ diễn ra sau hai năm nữa tại Hà Lan!

(Ghi chép của phóng viên báo Quân đội nhân dân)

Văn Yên (từ Seoul)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/3/29/29/181805/Default.aspx