Cây cọ và nỗi niềm của người dân Định Hóa

Lâu nay 'rừng cọ - đồi chè' được biết đến như một biểu tượng của ATK Định Hóa. Ai từng đến mảnh đất này ắt hẳn sẽ rất ấn tượng với những rừng cọ bạt ngàn xanh, thấp thoáng dưới tán cọ là những nếp nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số.

Lâu nay “rừng cọ - đồi chè” được biết đến như một biểu tượng của ATK Định Hóa. Ai từng đến mảnh đất này ắt hẳn sẽ rất ấn tượng với những rừng cọ bạt ngàn xanh, thấp thoáng dưới tán cọ là những nếp nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Nhưng hiện nay, hình ảnh ấy đang dần hiếm.

Người làm nghề dệt mành cọ ở Làng Bầng, xã Đồng Thịnh (Định Hóa), đang bị thiếu nan cọ.

Tôi cũng không nhớ rõ nhưng khoảng 10 năm về trước, mỗi lần đến với Định Hóa, hình ảnh những đồi cọ xanh ngút tầm mắt luôn để lại ấn tượng đẹp. Cây cọ là một loại cây được khai thác, sử dụng vào rất nhiều việc, tùy từng bộ phận. Cũng từ loại cây này mà Định Hóa có làng nghề dệt mành cọ nổi tiếng. Gần đây, một số cơ sở sản xuất đũa cọ cũng ra đời.

Chúng tôi đến Làng Bầng, xã Đồng Thịnh, nơi nghề dệt mành cọ manh nha từ những năm 1980 và được tỉnh công nhận là Làng nghề truyền thống năm 2013; gặp gỡ, trò chuyện với những người khai sinh ra nghề như ông Triệu Văn Quản, La Văn Mai cũng như một số hội viên và biết rằng, nghề dệt mành cọ ở làng đã có một thời hoàng kim. Như gia đình ông Quản, từ việc làm thêm mành cọ bán mà ông tích cóp, xây được ngôi nhà vững chãi. Hàng chục hộ khác nhờ làm mành cọ mà thoát nghèo.

Theo ông Quản, lúc cao điểm, Làng Bầng có tới 50 hộ làm mành, có nhà sắm 2, 3 khung cửi. Tiếng lách cách, kẽo kẹt của khung cửi làm rộn rã cả làng từ ngày đến đêm.

Vậy mà giờ đây, số hộ làm nghề dệt mành cọ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nguyên nhân không phải vì sản phẩm thiếu đầu ra, mà do làng nghề thiếu nguyên liệu đầu vào.

Có một nghịch lý đang xảy ra là ngay tại xứ sở của những đồi cọ những hộ làm nghề dệt mành lại rất khó khăn trong việc thu mua nan cọ. Dân làng nghề phải rong ruổi đi gom nhặt nan ở nhiều nơi trong vùng, phần vì không có người khai thác nhưng nguyên nhân chính là những năm trở lại đây lượng cọ ở địa phương bị chặt bỏ ngày càng nhiều.

Nhiều đồi cọ ở Định Hóa đã và đang bị xóa bỏ để thay thế bằng những loại cây trồng khác.

Gia đình anh Triệu Văn Dương được cha là ông Triệu Văn Quản truyền và làm nghề gần 30 năm qua vốn có 3 khung cửi nay chỉ còn 2. Trước đây, khi nguồn nguyên liệu dồi dào, mỗi ngày gia đình anh làm ra 50 chiếc mành thành phẩm. Anh Dương nói: Nan cọ càng ngày càng hiếm kéo theo giá cũng tăng. Nếu như khoảng 5 năm trước, 1 vạn nan cọ chỉ khoảng 30-40 nghìn đồng thì hiện nay tăng lên gấp 2 lần.

Ông La Văn Mai, thành viên Ban Kiểm soát Làng nghề, suy tư: Cọ mất dần vì nhiều lý do. Nhiều người cho rằng cọ không mang lại giá trị kinh tế bằng các loại cây khác nên phá bỏ. Tuy nhiên, cây cọ lại cho giá trị kinh tế quanh năm. Bình quân một cây cọ sẽ cho thu nhập 100 nghìn đồng/năm từ tiền bán nan và gân lá cọ. Chỉ có điều, muốn “hái tiền” từ cây cọ thì phải lao động thường xuyên. Nếu ai chăm chỉ thì ngày nào cũng có thể đạt thu nhập khá từ cây cọ bằng việc chặt nan, róc lá lấy gân. Tất nhiên là khi đồi cọ còn nhiều. Nõn cây cọ được bán với giá rất cao.

Từ câu chuyện ở Làng Bầng, chúng tôi nhận thấy rằng, trên địa bàn huyện Định Hóa có nhiều đồi cọ đã và đang bị “khai tử”, tuy nhiên, chưa có một số liệu thống kê về diện tích cọ bị chặt hạ, thay thế. Ông Nguyễn Đức Thắng, Trưởng Ban Quản lý rừng ATK Định Hóa, cho biết: Hiện nay, bên cạnh một số cây tự chết do thời gian, một số diện tích người dân chủ động chặt đi để trồng các loài cây khác như keo, quế, mỡ, cây ăn quả... Vì là đất sản xuất nên rất khó đánh giá về sự sụt giảm diện tích cọ trong nhân dân.

Với tôi, cây cọ là biểu tượng của vùng Việt Bắc nói chung, của Định Hóa nói riêng. Cọ vừa mang vẻ đẹp sinh thái vừa là nét riêng của ATK Định Hóa, vì thế cần được bảo tồn.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202212/cay-co-va-noi-niem-cua-nguoi-dan-dinh-hoa-d577c06/