Cây bí xanh trên đồng đất Sông Mã

Khắc phục tình trạng một số diện tích trồng lúa thiếu nước, trồng ngô năng suất thấp, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Sông Mã đã chuyển đổi sang trồng bí xanh. Mô hình bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đem lại thu nhập ổn định cho các hộ dân.

Thành viên HTX Hải Nhung, xã Chiềng Sơ trao đổi kinh nghiệm chăm sóc bí xanh.

Mùa này dọc theo tuyến đường quốc lộ 12 đi qua các xã: Nà Nghịu, Chiềng Sơ, Yên Hưng, Mường Lầm, Bó Sinh, dễ dàng bắt gặp những vườn bí xanh sai trĩu quả đang được nông dân thu hoạch, vận chuyển về điểm tập kết. Tại vườn bí của gia đình anh Lò Văn Hiệp, bản Sòng Hạ, xã Yên Hưng, các thành viên đang phân loại bí để kịp cho tư thương đến thu mua. Những giàn bí sai trĩu quả cho thấy sự năng động của người nông dân trong phát triển kinh tế.

Dẫn chúng tôi thăm vườn bí của gia đình, anh Hiệp chia sẻ: Qua tìm hiểu, tôi thấy nhiều hộ có thu nhập cao từ cây bí xanh. Do vậy, năm 2022, tôi đã trồng 8.000 m² đất mà vụ trước trồng cây ngô, sắn để trồng cây bí xanh. Đến nay, gia đình đã trồng 3 vụ bí xanh; tạo việc làm thời vụ cho 5 lao động địa phương. Trừ chi phí lãi hơn 100 triệu đồng/vụ. Thời gian tới, tôi rất mong cấp ủy, chính quyền hỗ trợ liên kết thành lập HTX, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm quả bí xanh.

Từ mô hình của anh Hiệp, nhiều hộ dân ở bản Sòng Hạ đã học và làm theo. Trong đó, có anh Tòng Văn Quỳnh, xã Yên Hưng, chuyển 2.000 m² đất trồng lúa thiếu nước sang trồng bí xanh. Từ đầu tháng 5 đến nay, gia đình cắt bán 3 lứa bí; giá bán đầu vụ là 14.000 đồng/kg; giá thu mua thời điểm hiện nay là 4.000 đồng/kg. Theo anh Quỳnh, trồng bí xanh chi phí đầu tư ban đầu không nhiều như cây trồng khác. Vụ đầu tiên, tính chi phí giống, phân bón, vật tư làm giàn là 120 triệu đồng/ha. Vật liệu làm giàn có sẵn ở địa phương, tận dụng tre, nứa; giàn tre có thể sử dụng 3 - 4 vụ mới phải đầu tư lại. Hiện nay, bà con trong xã Yên Hưng đã nhân rộng mô hình trồng bí xanh lên trên 30 ha.

Tại xã Chiềng Sơ, 5 năm trở lại đây cũng có nhiều hộ trồng bí xanh. Cây trồng này phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương; năng suất đạt 85 tấn quả/ha. Xã tuyên truyền, vận động nhân dân trồng bí xanh vào vụ đông. Năm 2018, anh Triệu Tài Hải đã liên kết 15 hộ dân trong xã thành lập HTX Hải Nhung chuyên sản xuất, kinh doanh rau củ quả. Mở rộng diện tích sản xuất, năm 2019, HTX còn liên kết với hơn 300 hội viên nông dân ở các xã Chiềng Sơ, Yên Hưng, Bó Sinh, Nà Nghịu, Đứa Mòn trồng 40 bí xanh.

Anh Triệu Tài Hải, Giám đốc HTX Hải Nhung, cho biết: Quá trình sản xuất, HTX phối hợp cơ quan chuyên môn xây dựng quy trình sản xuất VietGAP. Đến nay, 40 ha bí xanh của HTX đều đạt tiêu chuẩn VietGAP. Thu nhập bình quân của thành viên, hộ liên kết đạt 10 triệu đồng/tháng. Toàn bộ sản phẩm bí xanh và các loại rau màu khác của HTX hiện nay đang được Công ty rau củ quả Ngọc Linh, huyện Mai Sơn và một số thương lái ở tỉnh Hải Dương, Hà Nội thu mua.

Theo chia sẻ của các hộ dân, để cây bí xanh sinh trưởng tốt, không bị sâu bệnh thì yếu tố quan trọng đầu tiên là xử lý đất. Đó là, sau mỗi vụ trồng tiến hành cải ải, phơi đất và rắc vôi để hạ độ phèn. Riêng đất ươm bầu giống phải ủ khoảng 3 tháng; khi trộn đất với phân chuồng (ủ hoai mục) rắc thêm vôi bột để xử lý mầm bệnh ngay từ đầu. Sau 15 ngày ươm giống thì mang cây ra trồng. Quá trình cây sinh trưởng cần tỉa nhánh phụ. Khi cây bói quả, tiến hành tỉa quả và theo dõi vườn để phòng, chống sâu bệnh. Có như vậy, quả bí đều, đẹp, đặc ruột, ăn không bị chua. Nếu chăm sóc tốt thì chỉ 70 ngày là cây bí cho thu hoạch. Thời điểm trồng tốt nhất là từ tháng 1 cho đến tháng 9.

Bà Đinh Thị Hảo, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện, cho hay: Bí xanh là loại cây trồng mới, rất dễ trồng, thu hoạch ổn định nhiều tháng. Đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, đơn vị tiếp tục phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương khuyến khích các hộ liên kết thành lập các HTX; hướng dẫn sản xuất theo chuẩn VietGAP, đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao hiệu quả sản xuất cho người nông dân.

Trần Hiền

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/nong-nghiep/cay-bi-xanh-tren-dong-dat-song-ma-9qc5FwlVg.html