Cây bắp (ngô) vẫn sống tốt tại ĐBSCL

Chuyển đổi đất lúa sang hoa màu và cây trồng khác tại ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu đang được các tỉnh nơi này ưu tiên. Thời gian thử nghiệm cho thấy cây bắp (ngô) cho thu nhập gấp nhiều lần trồng lúa lại ít tốn nước ngọt, dễ trồng. Vấn đề là đầu ra cho sản phẩm này cần được chú ý mới khuyến khích gia tăng diện tích cây bắp vùng đồng bằng.

Lợi gấp nhiều lần trồng lúa

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có lợi thế trồng bắp, hiện sản lượng bắp trong nước mới chỉ đạt trên 5 triệu tấn, trong khi nhu cầu thực tế đang thiếu từ 2-3 triệu tấn mỗi năm trước đà phát triển mạnh mẽ của ngành chăn nuôi và thủy sản.

Qua thực tế của các mô hình thí điểm trồng bắp ở Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang cho hiệu quả cao hơn trồng lúa từ 30-100%.

Tại khu vực ĐBSCL, việc chuyển đổi cây trồng trên nền đất lúa đang là sự quan tâm của hàng triệu nông dân. Chuyển đổi một phần diện tích hay giảm bớt vụ trồng lúa kém hiệu quả tại ĐBSCL sang các cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn, đặc biệt cây bắp là rất cần thiết, phù hợp với đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Chủ trương chuyển đổi một phần diện tích đất lúa sang trồng bắp do Bộ NN-PTNT thực hiện tiếp tục tạo được sự quan tâm đặc biệt đối với các địa phương trong khu vực, bởi chi phí cho việc chuyển đổi hiện trạng đất canh tác cũng như đầu ra sản phẩm của cây bắp... vẫn còn là một bài toán khó.

Số liệu từ Cục Trồng trọt cho thấy, vùng ĐBSCL đã chuyển đổi thành công trên 87.000 ha đất lúa sang trồng bắp, đậu nành, mè, dưa hấu... cho kết quả khả quan.

Tại tỉnh An Giang, phần lớn bà con đã có kinh nghiệm trong việc trồng các loại cây như bắp, mè... Tỉnh này cũng quy hoạch giảm 46.000 ha đất trồng lúa sang các loại rau màu khác mà cây bắp là một lựa chọn.

Hiện nay, ngành nông nghiệp tỉnh An Giang cũng chưa kết nối được với các doanh nghiệp trong tiêu thụ nên khả năng phát triển cây bắp cũng chưa thật bền vững. Tại tỉnh Long An, 3 loại cây trồng được xác định là chủ lực trong công cuộc chuyển đổi đất lúa là bắp, vừng và đậu nành, trong đó bắp được xác định là cây trồng quan trọng. Long An cũng là tỉnh được chọn để thực hiện dự án “Xây dựng mô hình chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng bắp nhằm nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp” ở ĐBSCL đã được Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam - Trung tâm Nghiên cứu Chuyển giao Tiến bộ Kỹ thuật Nông nghiệp thực hiện. Việc triển khai dự án bước đầu đã cho thấy những kết quả khả thi khi 20 ha ruộng mô hình với các giống NK7328, NK66, NK67 tại xã Mỹ Hạnh Bắc, Đức Hòa, Long An khá thành công

Giúp bà con nâng cao thu nhập

Nhằm hạ giá thành, nâng cao năng suất cho câp bắp, đủ sức cạnh tranh với bắp nhập khẩu, các nhà khoa học đã đưa nhiều loại giống chất lượng cao. Dù vậy, đối với nông hộ, kỹ thuật bón phân là cần thiết để có năng suất cao.

Theo các kỹ sư, nhu cầu phân bón của cây bắp khá cao, đặc biệt là nhu cầu đạm và kali. Để tạo ra 1 tấn hột, cây bắp lấy đi trong đất từ 25-30 kgN, 12-14 kg P2O5, 28-30 kg K2O (tỷ lệ N; P2O5; K2O tương đương 2; 1; 2). Vì vậy, muốn đạt năng suất bắp trên 6 tấn/ ha nông hộ cần bón khoảng 150 kg N + 60 kg P2O5 + 100 kg K2O, tương đương 300 kg Urê+ 150-200 kg DAP + 100-150 kg KCl. Ngoài lượng phân vô cơ, nếu có điều kiện nên bón thêm phân chuồng với lượng từ 5-10 tấn/ha hoặc phân hữu cơ vi sinh với lượng khoảng 2 tấn/ha.

Bón phân nên bón vùi theo hàng hay theo hốc để tránh mất đạm. Số lần bón phân có thể thực hiện như sau:

- Bón lót: Trước khi làm đất bón toàn bộ lượng phân chuồng (hoặc phân hữu cơ vi sinh), toàn bộ phân lân + 1/3 lượng urê (tùy tính chất đất có thể bón hoặc không bón lót urê). Riêng đất chua nên bón thêm 0,5-1 tấn vôi/ha, nên bón trước khi bón lót phân. Khi cây bắp có 4-5 lá thật (10-15 ngày sau gieo) bón 1/2 lượng đạm còn lại sau khi bón lót và 1/2 lượng kali. Để rễ tiếp xúc được phân nhanh nên rạch một rãnh nông 5 cm cách gốc hàng bắp 5 cm, rắc phân rồi lấp đất lại. Vì, rễ giai đoạn này chưa phát triển mạnh và không có tính hướng phân.

Bón thúc lần 2: Khi cây bắp có 9-10 lá (sau gieo 35-40 ngày), bón hết lượng phân bón còn lại (1/2 lượng đạm và 1/2 lượng kali còn lại).

Hoàng Huy

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/cay-bap-ngo-van-song-tot-tai-dbscl-d61639.html