Cầu truyền hình 'Dáng đứng Việt Nam' kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, liệt sỹ

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, liệt sỹ, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức chương trình cầu truyền hình trực tiếp “Dáng đứng Việt Nam” được thực hiện tại 4 điểm: Tượng đài Bắc Sơn (Hà Nội), Khu di tích lịch sử quốc gia 27-7 (Thái Nguyên), Thành cổ Quảng Trị, Bến Dược – Củ Chi (TP Hồ Chí Minh), các phóng sự được thực hiện tại: Điện Biên, Quảng Trị, Côn Đảo,

TP Hồ Chí Minh, Hà Giang, Đồng Nai, Quãng Ngãi, Quảng Bình... Chương trình được truyền hình trực tiếp vào 20h ngày 26-7 trên kênh VTV1.

Hình ảnh những bà mẹ Việt Nam chờ mong con trở về.

Trong cuộc kháng chiến vĩ đại giành lại nền độc lập cho dân tộc, hàng triệu người trở về với những vết thương trên da thịt, hàng triệu người đã ngã xuống. Trong số đó có những người ra đi không để lại một bức thư, một tấm ảnh, chỉ để lại những khoảng trống vô tận trong trái tim những người ở lại.

Nói về khí phách hiên ngang của những người chiến sĩ giải phóng quân đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, nhà thơ, liệt sỹ Lê Anh Xuân viết: "Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ/Anh chẳng để lại gì cho riêng anh trước lúc lên đường/ Chỉ để lại cái dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ". Họ chính là những con người đã thầm lặng hy sinh, để làm nên một "Dáng đứng Việt Nam" kiên cường, bất khuất của hôm qua và trường tồn mãi đến mai sau.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau và những ký ức buồn vẫn còn ám ảnh những người đang sống. Với những người còn sống trở về, đó có thể là những nỗi đau tột cùng cả về thể xác lẫn tinh thần, về những người đồng đội đã nằm lại nơi chiến trường, mãi mãi tuổi 20 với những ước mơ dang dở... Còn với thân nhân liệt sỹ, đó là khát khao cháy bỏng được mang trở về một dáng hình của người đã khuất.

Ngày 27-7-1947, trong bức thư Bác Hồ gửi nhân dân cả nước, Bác viết: “…Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp. Cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe dọa. Của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập. Ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta. Đó là những chiến sĩ mà nay một số thành ra thương binh… Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy…".

Từ đó, ngày 27-7 hàng năm trở thành Ngày Thương binh, liệt sỹ, là dịp để mỗi người dân tri ân những đóng góp to lớn của các thương binh, liệt sỹ – những người đã hy sinh cho Tổ quốc trường tồn.

Vì vậy, chủ đề chính của chương trình cầu truyền hình “Dáng đứng Việt Nam” một lần nữa khẳng định: Thế hệ người Việt Nam hôm nay không bao giờ quên những công lao to lớn ấy. Ngọn lửa của lòng yêu nước được hun đúc, truyền lại từ thế hệ cha ông đi trước sẽ được tiếp nối, truyền lại cho thế hệ trẻ hôm nay.

T.Minh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Van-hoa/873985/-cau-truyen-hinh-dang-dung-viet-nam-ky-niem-70-nam-ngay-thuong-binh-liet-sy