“Cầu Tình” và “Đường hầm giao điểm” Đà Lạt

(Toquoc) - Đà Lạt thế kỷ qua, trong mắt người bản địa, cũng như du khách, vốn chỉ là nơi nghỉ dưỡng. Còn dựng xây chỉ là phương tiện phục vụ cộng đồng dân cư nhỏ hẹp và du khách trong, ngoài nước tới nghỉ dưỡng mà thôi. Thế mà, đã có những đinh vàng Tháp bút trường Lyceé, Thủy tạ, nhà thờ Con Gà, cùng những ngôi nhà mang đầy âm thanh và ánh sáng ẩn khuất trong rừng thông, bên sườn đồi, thung lũng, phố thị …Đà Lạt phát triển, đường sá mở ra không đủ dung lượng phục vụ những mùa lễ hội và phương tiện đi lại. Từ đó có một ước mơ hình thành “Cầu Tình” và “Đường hầm Giao điểm”.

Muôn sắc hoa dẫu biết sẽ tàn. Nhưng hoa vẫn luôn là nỗi nhớ, cách nhìn không chỉ bằng mắt, mà ngay từ trong tâm hồn của mọi người từ đông, tây, kim, cổ. Vẻ đẹp của hoa vừa thanh cao vừa quyến rũ, nhưng không bao giờ phủ dụ tục lụy. Dẫu rằng những cánh hoa khoe sắc giữa đất trời rồi cũng bị biến dịch trước thời gian, phôi pha cùng năm tháng…

Nhưng con người trong đời sống không thể thiếu hương sắc quyến rũ, đắm say của hoa… Và Đà Lạt thân thương được thiên nhiên dành cho phần đất trời trong lành, tươi mát. Từ cao nguyên hoang sơ sau một trăm năm Đà Lạt đã được người đời mặc cho biết bao chiếc áo mang tước hiệu cao quý, thân thương. Nào là Đà Lạt ngàn hoa, Đà Lạt sương mờ, Đà Lạt thông reo, Đà Lạt đồi dốc, Đà Lạt thác hồ; rồi thành phố tình yêu, thành phố hẹn hò, thành phố du lịch,… Ai chẳng khát khao, dù chỉ một lần đến thăm cao nguyên Langbiang để nghe thông reo, ngắm nhìn hoa trái, để đắm say trong cảnh sắc trời cho, cùng bao ước mơ của nhân thế…

Chuẩn bị chào mừng Đà Lạt 120 năm tuổi và lâu hơn thế nữa, thành phố Đà Lạt sẽ có những công trình tiêu biểu của mình ở thế kỷ 21. Hai trong số những công trình ấy có thể có tên gọi “Cầu Tình” và “Đường hầm Giao điểm”!?. Đành rằng mới chỉ là ước mơ thôi, nhưng ai cấm đoán được ước mơ nào.

“Cầu Tình” sẽ không chỉ là cây cầu phục vụ giao lưu nối liền hai bờ hồ thân thiện, từ dốc đường Yersin tên người khai mở Langbiang, cạnh nhà nghỉ Công đoàn có những biệt thự xinh đẹp e ấp dưới rặng thông già, băng qua mặt hồ Xuân Hương tiếp giáp Đồi Cù nhấp nhô xanh biếc. “Cầu Tình” trong ước mơ là tác phẩm tạo điểm son thời đại, mang được chất thơ mộng, là địa chỉ lãng mạn cho trai thanh gái lịch đó đây hẹn hò, ước nguyện. Những người đã thành gia thất lễ vàng, lễ bạc tình yêu, dẫn con cháu đi trên “Cầu Tình” với những hồi tưởng. Du khách có dịp đứng giữa “Cầu Tình” ngỏ lời trao ý với một tâm thức nghĩ về “Cầu Tình”.

Cầu tình yêu, cầu tình bạn, cầu tình người... Và từ ý tưởng đó, hình thức và chất liệu công trình sẽ được tạo dựng trong nghĩ suy của những người thể hiện qua đường nét, bố cục, chất liệu. Giả định như cầu giây văng, cầu tháp, cầu ánh sáng, cầu thủy tinh, cầu thép trắng, cầu ngũ sắc, cầu hoa… Tất cả đều đi vào tên gọi “Cầu Tình” để khi gọi tên đủ lay động đến khoảng lặng, vang vọng trong lòng, trong mắt kết nối danh xưng của những điểm du lịch văn hóa như đồi Mộng Mơ, hồ Than Thở, Thung Lũng Vàng,…

“Đường hầm giao điểm” dưới lòng đất, khu chợ Hòa Bình là để thành phố Đà Lạt có thêm điểm nhấn dưới lòng đất trung tâm của mình. Đường hầm giao điểm sẽ bắt đầu từ Chợ Âm Phủ, xuyên xuống lòng đất, tiếp giáp qua đường Phan Đình Phùng – Hai Bà Trưng. Nó nối liền những phương tiện giao thông tránh bớt cảnh vòng vo quanh khu Hòa Bình chật chội.

Năm năm qua, có một nhóm kiến trúc sư trẻ yêu Đà Lạt cùng ngồi lại nghiên cứu thiết kế một đồ án tặng cho Đà Lạt, đã táo bạo trình bày giải pháp tháo gỡ tổng thể kiến trúc không phù hợp ở khu Hòa Bình, thành lập vườn hoa trung tâm để phục vụ khách du lịch; và sẽ xây dựng một cao ốc Sắc hoa hòa bình dựa vào thế núi đồi, ngay bến xe Tùng Nghĩa cũ, thành khu tổng hợp triển lãm văn phòng, ngân hàng thương mại… Phía dưới công trình cao ốc là bãi gửi xe…

Chắc còn nhiều dấu hỏi đặt ra.Từ sự lãng mạn trong ý tưởng đến sự hình thành công trình sẽ còn biền biệt xa xăm…! Thưa rằng, nếu không có một Leonardo Da Vinci cách đây 500 năm phác thảo, chọn hình ảnh đôi cánh chuồn chuồn nâng thân cá mập, thì làm sao có máy bay để con người hôm nay dịch chuyển đó đây trong khoảnh khắc gặp gỡ Đông Tây? Không có sự táo bạo sáng tạo của nhà kiến trúc thể hiện hình ảnh vỏ sò thành những cánh buồm no gió biểu tượng nhà hát kịch Opera, thì ít người biết đến nước Úc. Một tháp Eiffel bị các nhà văn hóa kỹ nghệ cùng thời phê phán, lên án tác giả khùng điên. Đến ông Mitterrand quyết đoán dựng hình tháp cổ đại Ai Cập bằng thủy tinh đương đại trước kiến trúc bảo tàng Louvre và biết bao công trình bị tai tiếng một thời, với thời gian đã trở thành dấu ấn sự phát triển lịch sử nghệ thuật, trở thành điểm du lịch văn hóa mang đến cho nhân loại sự thụ hưởng và làm giàu cho mỗi đất nước…

“Cầu Tình” cùng “Đường hầm giao điểm” Đà Lạt không phải là giấc mơ khó đạt của khoa học kỹ thuật hôm nay. Sẽ còn phải được bày ra trong trí, trong lòng, trong mắt của nhiều người, nhất là các kiến trúc sư, nhà quy hoạch đô thị, thiết kế công trình, kỹ thuật gia, nhà lãnh đạo…; nó cũng sẽ động đến từ trong cảm thức của từng người yêu Đà Lạt với câu hỏi nó có phá vỡ không gian, có che chắn tầm nhìn, có đụng đến những địa chỉ đã được xếp hạng thành di sản văn hóa, địa tầng, địa chất không?

Mến yêu Đà Lạt, mong cùng chung xây dựng nên những công trình có tính bền vững lâu dài. Đột phá trong sáng tạo nghệ thuật, trong tư duy dự báo cũng là ước mong để thời gian ghi lại dấu ấn của thời đại qua những công trình kiến trúc trên thành phố ngàn hoa..../.

Đà Lạt, 2010

Phạm Văn Hạng

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/Sites/vi-vn/details/33/kien-truc-viet/83614/cau-tinh-va-duong-ham-giao-diem-da-lat.aspx