Câu chuyện quản lý: Nỗi lo... 'thịt lợn dã chiến'

Giá lợn hơi đang rục rịch tăng, nhưng nhiều ý kiến lo ngại giá tăng không bền vững. Và cách đây hơn chục ngày trở về trước giá thịt lợn hơi rớt thảm hại, trong khi lượng thịt hơi trong dân còn nhiều. Có những hộ không còn cách nào khác đã phải “tự giải cứu” bằng cách mổ lợn rồi mang ra sạp dã chiến ven đường bán.

Ảnh: LĐO

Tất nhiên giá “thịt lợn dã chiến” cũng rẻ hơn rất nhiều so với giá thịt lợn tại sạp chợ hoặc các cửa hàng thực phẩm tươi sống. Nhiều sạp dã chiến tại quận 2, TPHCM giá mỗi cân thịt lợn được rao bán với giá chỉ 40.000 đồng vào buổi sáng, thì đến buổi chiều đại hạ giá xuống còn 100.000 đồng/3 kg. Một số tỉnh khác như tại Kon Tum, “thịt lợn dã chiến” được bán với giá từ 40.000-60.000 đồng/kg, thậm chí theo một số thông tin thì có nơi như Mỏ Cày Bắc (Bến Tre), bến phà Đình Khao (Vĩnh Long) có lúc thịt lợn “tự giải cứu” chỉ còn 100.000 đồng/4 kg. Rẻ quá. Rẻ đến mức thấy xót xa. Vì thế một số người mua thương cảm đã trả tiền cao hơn giá bán cho người bán.

Tình trạng khủng hoảng thừa lợn đang là một vấn đề lớn của ngành nông nghiệp hiện nay và đã có nhiều lời kêu gọi chung tay “giải cứu lợn” giúp các hộ chăn nuôi, người nông dân nhưng tới nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm.

“Thịt lợn dã chiến”, về mặt tình thì không ai là không chia sẻ, cảm thông với người chăn nuôi, nhưng về mặt lý thì cũng không ít người cảm thấy e ngại. Bởi theo quy định, việc giết mổ gia súc mang tính thương mại phải tập trung tại những điểm được cấp phép và chứng nhận về an toàn vệ sinh thực phẩm, gia súc gia cầm phải qua kiểm dịch. Tuy nhiên, với các trường hợp “tự giải cứu” lợn đang ế thừa tất nhiên là không thông qua những qui trình, quy định, thủ tục trên, vì thế nguy cơ về an toàn vệ sinh thực phẩm cũng đáng lo ngại hơn so với thịt lợn bán ở các điểm sạp được giết mổ đúng quy định.

Không phải hộ chăn nuôi nào cũng biết các địa chỉ giết mổ đúng quy định cũng như các đầu mối dịch vụ giết mổ gia súc được cấp phép và kiểm dịch. Tình trạng này rất cần đến sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, sự hướng dẫn của các cơ quan quản lý để làm sao những người “tự giải cứu” lợn có thể bán ra thịt lợn dù tại các sạp dã chiến nhưng bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, giúp cho người mua vừa thể hiện được trách nhiệm xã hội “chung tay giải cứu” nhưng cũng thực sự thấy yên tâm với thịt lợn mà họ đã mua về cho bữa ăn gia đình. Đừng nghĩ rằng “chung tay giải cứu lợn” là một khẩu hiệu to tát, mà ngược lại sự hưởng ứng nhiều khi chỉ cần từ những việc làm bình thường nhưng thiết thực, hữu ích không chỉ đối với người chăn nuôi mà còn cho cả người tiêu dùng.

THẨM HỒNG THỤY

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/kinh-te/cau-chuyen-quan-ly-noi-lo-thit-lon-da-chien-683942.bld