Câu chuyện kỷ luật: Nói không với... 'xúi đểu'

Cùng cán bộ, chiến sĩ trở về từ thao trường sau một ngày huấn luyện, Thượng úy Nhân-Trung đội trưởng lại dõi mắt quan sát Binh nhất Hùng.

Không hiểu vì lý do gì mà sau chuyến hành quân dã ngoại kết hợp làm công tác dân vận trở về đơn vị, Hùng trở nên lầm lỳ, ít nói. Chiều nay trên thao trường cũng vậy, trong giờ giải lao, khi các chiến sĩ khác túm tụm cười đùa, trò chuyện thì Hùng lại lặng lẽ ngồi một chỗ.

“Không lẽ sau chuyến hành quân vừa rồi cậu ấy thầm thương trộm nhớ cô thôn nữ nào? Hay hậu phương của Hùng có vấn đề gì?”, nghĩ vậy nên Trung đội trưởng Nhân tiến lại chỗ Hùng đang ngồi giải lao, thân mật gợi chuyện, nhưng rốt cuộc cũng không “khai thác” được gì từ chàng binh nhất.

Minh họa: QUANG CƯỜNG

Chiều tối, trước giờ ăn cơm, Thượng úy Nhân dạo bộ phía hiên nhà ở của bộ đội. Bỗng gần cửa ra vào có tiếng người rủ rỉ vọng ra:

- Cậu Hùng giận là đúng! Khen thưởng không đúng người đúng việc, không giận mới là lạ.

- Nếu là tớ thì chuyện sẽ khác. Ai đời lại cứ chịu thiệt như vậy. Cậu xứng đáng được khen thưởng hơn cậu An. Hay tại cậu An là đồng hương với trung đội trưởng? - một giọng khác hùa theo.

Tiếng người rủ rỉ ban nãy lại “bồi” thêm:

- Lầm lỳ thì có ích gì. Cậu cứ lên ý kiến với chỉ huy đại đội, ắt sẽ “ra ngô ra khoai” thôi.

Bước vào cửa phòng, Thượng úy Nhân thấy Binh nhất Hùng ngồi trên giường, còn hai người “vừa hứng, vừa tung” ban nãy là các chiến sĩ Tú và Đoàn. Giờ thì Trung đội trưởng Nhân đã vỡ lẽ. Anh ôn tồn:

- An, Hùng và nhiều chiến sĩ của trung đội ta đều rất xuất sắc trong đợt hành quân dã ngoại kết hợp làm công tác dân vận vừa qua. Nhưng ngoài giúp nhân dân xây dựng nông thôn mới như mọi người, An còn có thành tích nổi trội là dũng cảm cứu người đuối nước trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Việc bình xét, đề nghị khen thưởng đồng chí An đã được trung đội tiến hành rất khách quan, với sự nhất trí 100%. Hùng thấy An được khen thưởng là xứng đáng chứ?

Hùng hiểu ra và cúi mặt lí nhí: “Vâng ạ!”.

- Vậy thì tôi mong đồng chí tiếp tục phấn đấu để thực sự là một chiến sĩ tiêu biểu của đơn vị.

Nói với Hùng xong, Thượng úy Nhân quay sang Tú và Đoàn, giọng nghiêm khắc:

- Trong buổi bình xét hôm đó, hai đồng chí cũng nhất trí đề nghị khen thưởng đồng chí An. Nếu thấy Hùng xứng đáng hơn thì các đồng chí nên có chính kiến trong buổi sinh hoạt, sao lại lúc họp thì đồng ý, sau thì xì xào, thậm chí còn “xúi đểu” như vậy. Các đồng chí có biết làm như thế là gây mất đoàn kết nội bộ, gây rối cho đơn vị không? Các đồng chí cần nghiêm khắc rút kinh nghiệm, bỏ ngay tính xấu này.

Tú và Đoàn nhìn nhau rồi lại nhìn Trung đội trưởng Nhân, miệng lắp bắp: “Chúng em xin rút kinh nghiệm ạ”.

Trên đường trở về phòng của mình, Thượng úy Nhân nhận thấy, từ sự việc này, anh phải chú tâm hơn nữa đến công tác giáo dục chiến sĩ. Anh cũng ngẫm ra rằng, trong suốt những năm công tác vừa qua, hiện tượng "xúi đểu” và xúi bẩy anh đã từng chứng kiến một số lần, liên quan đến không ít lĩnh vực, trong đó có công tác thi đua-khen thưởng, chính sách, thậm chí là công tác nhân sự. Nếu cán bộ các cấp không phát hiện, chấn chỉnh, xử lý kịp thời, nhất là khi cá nhân bị xúi bẩy thiếu tỉnh táo sẽ rất dễ dẫn đến những hành động tiêu cực bột phát, gây hậu quả cho cả cá nhân và tập thể đơn vị.

QUÂN KỶ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/cau-chuyen-ky-luat-noi-khong-voi-xui-deu-747857