Câu chuyện bạn thân của Anne Frank lần đầu tiết lộ sau 78 năm

'My Friend Anne Frank' của Hannah Pick-Goslar kể câu chuyện của một người sống sót, hé lộ thêm khía cạnh khác trong chuyện đời người Do Thái giai đoạn Đức Quốc xã chiếm đóng.

Tác giả Hannah Pick-Goslar và một số ảnh tư liệu. Ảnh: The Times.

Hannah Pick-Goslar đúng là hàng xóm và bạn thân của Anne Frank. Anne Frank hiện diện đáng kể trong 3 phần đầu cuốn sách. Nhưng thực tế, My Friend Anne Frank kể chính câu chuyện phi thường của Pick-Goslar, một người sống sót khỏi Holocaust.

Khi quân Đức Quốc xã đến nhà Hannah Pick-Goslar, cô bé 15 tuổi đã chuẩn bị sẵn hành lý. Goslars đã sống sót trong gang tấc sau một cuộc razzia (cuộc vây bắt người Do Thái có hệ thống ở Amdersdam).

Cả gia đình Goslar đã bị đưa đến một khu trại trục xuất. Khi các quan chức đã xem xét giấy tờ của họ, thấy rằng cha và ông nội của Pick-Goslar là thành viên của Hội đồng Do Thái, họ đã thả nhà Goslar đi.

Đến ngày 20/6/1943, họ rơi vào hoàn cảnh tương tự nhưng không gặp được vận may như vậy. Đức quốc xã đã phong tỏa khu phố họ trú, chặn đường và đóng quân trên mọi cây cầu.

Vào sáng sớm, loa phát thanh vang dội khắp phố, thông báo cư dân Do Thái phải chuẩn bị khởi hành. Một thành viên của cảnh sát xanh (thuộc quân đội Đức, được giao nhiệm vụ kiểm soát thường dân), đập cửa nhà Goslars và nói với họ: “Các người có 20 phút để thu dọn đồ đạc của mình”.

Hannah Pick-Goslar đã bị bắt ở Amsterdam, bị cầm tù ở Westerbork, rồi bị chuyển đến trại tập trung Bergen-Belsen.

Theo tờ Guardian, trong khi nhiều người sống sót đã lựa chọn không nói về những gì họ đã trải qua, thì từ chuyến đi diễn thuyết đầu tiên ở Mỹ vào năm 1957, Pick-Goslar đã tiếp tục kể câu chuyện của mình, với mục đích để câu chuyện Holocaust không bị lãng quên.

Sau khi từ giã sự nghiệp y tá cộng đồng, Hannah Pick-Goslar đã đi khắp thế giới để thuyết trình. Năm ngoái, ở tuổi 93 - nhận thức rằng mình là một trong những nhân chứng còn sống cuối cùng của cuộc diệt chủng Đức Quốc xã - bà bắt đầu thực hiện một loạt cuộc phỏng vấn với nhà báo Tel Aviv Dina Kraft, tạo chất liệu cho cuốn hồi ký này.

Pick-Goslar qua đời tháng 10/2022, 2 tuần trước sinh nhật lần thứ 94 của bà. Tel Aviv Dina Kraft đã tự mình hoàn thành cuốn sách cho bà.

Pick-Goslar gặp Frank tại Amsterdam, hai cô bé cùng độ tuổi, cùng là người Đức gốc Do Thái đang thích nghi trên một vùng đất mới đã kết thân với nhau. Pick-Goslar nhớ lại rằng khi ấy, Anne Frank trông nhỏ nhắn và mong manh - "Nhưng vẻ ngoài nhỏ bé lại làm tôn lên tính cách lớn của cô... Tôi biết ngay sau khi gặp Anne rằng cô ấy thích trở thành trung tâm của sự chú ý".

Anne Frank và Hannah Goslar ở Amsterdam, tháng 5/1940. Ảnh: Anne Frank Fonds Basel/Getty Images.

Hai gia đình Frank và Goslar trở nên thân thiết. Nhưng cuộc sống thảnh thơi của họ đã trở nên tăm tối khi Đức quốc xã xâm lược Hà Lan vào tháng 5/1940. Hà Lan mất 5 ngày để đầu hàng. Nhiều người Do Thái trong khu phố của họ đã tự sát thay vì chịu khuất phục trước những gì sắp xảy ra.

Tiếp cận lối kể qua đôi mắt của một đứa trẻ, Pick-Goslar mô tả rằng cô cảm thấy sự tồn tại của họ - người Do Thái - đang co hẹp lại dưới sức ép của Đức Quốc xã.

Khi bộ luật bài Do Thái được thông qua, người Do Thái bị cấm đến các không gian công cộng. Pick-Goslar và Frank được chuyển đến một trường học Do Thái, nơi học sinh thường bí ẩn biến mất trong đêm.

Một ngày nọ vào năm 1942, Pick-Goslar gọi điện đến nhà Frank, được người ở trọ cho biết rằng gia đình Frank đã chuyển đến Thụy Sĩ.

Độc giả đã đọc Nhật ký Anne Frank rồi hẳn biết rằng thực chất, họ trốn trong một căn nhà phụ phía trên một nhà kho ở Amsterdam, cho đến khi bị phát hiện vào năm 1944. Nhưng vào thời điểm đó, những người hàng xóm của họ không có lý do gì để nghi ngờ câu chuyện chuyển đi Thụy Sĩ.

Frank và Pick-Goslar đã có dịp đoàn tụ một thời gian ngắn tại Bergen-Belsen. Khi nghe đồn rằng Anne và em gái Margot của cô ấy đã được đưa từ Auschwitz và đưa vào khu trại của mình, Pick-Goslar đã tìm bạn mình và trò chuyện với cô qua hàng rào.

Không còn là người hoạt ngôn, năng động ngày xưa, Frank bị sốt phát ban, đói rộc người và nhầm tin rằng cha cô đã chết, do vậy, cô đau buồn, ủ rũ. Một thời gian ngắn sau cuộc gặp đấy, cả Anne Frank và em gái Margot đều qua đời. Chỉ vài tuần trước khi khu trại được giải phóng.

Minh Hùng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cau-chuyen-ban-than-cua-anne-frank-lan-dau-tiet-lo-sau-78-nam-post1440194.html