Câu chuyện 'anh hùng bàn phím' và cô gái 'Ai là triệu phú'

Dùng hai câu hỏi trong một chương trình giải trí để mua nụ cười, đánh giá hiểu biết của người khác, thậm chí nhiều “anh hùng bàn phím” cho đây là cơ hội chửi thề tập thể. Thế nhưng, họ không nghĩ sau những tràng cười, dòng bình luận đó, nhân vật đó sẽ như thế nào? Họ có đáng để các bạn làm thứ mua vui không? Hay chỉ thỏa mãn hiệu ứng đám đông lúc đó?

Ảnh cắt từ clip.

Mấy ngày qua, cộng đồng facebook chia sẻ đoạn clip có phần thi của bạn Phạm Thị Quyên trong chương trình "Ai là triệu phú" (phát sóng trên VTV3 tối 22.11), điểm đáng chú ý là trong hai câu hỏi đầu tiên bạn đã phải dùng đến trợ giúp. Lúc đầu, tôi không hề tò mò, cũng không quan tâm nó ra sao. Chỉ đến ngày thứ hai, hàng loạt bài chia sẻ của bạn bè mình hiện lên tường facebook (wall) chỉ nói về nội dung phần thi của cô gái “Ai là triệu phú”, lúc này dù bản thân không muốn quan tâm nhưng hiệu ứng đám đông và những comment dưới bài chia sẻ đó khiến tôi không khỏi tò mò click vào xem.

Xem mấy giây, tôi hiểu thêm một nạn nhân nữa “được” cộng đồng mạng xã hội đưa ra bình xét, đánh giá với những lời lẽ hết sức thô bỉ, nhiều người còn cho cô gái đang đóng kịch để tạo sự nổi tiếng…. Điều đáng buồn hơn, mạng xã hội đang chỉ nhìn vào hai câu hỏi đầu tiên để đánh giá cô gái ấy về nhân cách.

Sự việc này, khiến tôi nhớ lại hình ảnh cô gái dùng chiếc áo ngực tự cứu sống mình chạy ra khỏi đám cháy của quán karaoke gần ba tháng trước. Sau vụ cháy mấy tiếng đồng hồ, hình ảnh của cô gái và chiếc áo ngực tràn lan trên mạng xã hội nhận bao nhiêu bình luận, chửi bới thậm chí có cả lăng mạ trên đó. Cô đã “ước” mình chết trong đám cháy đó còn hơn là sống và trở thành nạn nhân của mạng xã hội. Và giờ đây, nạn nhân tiếp theo, Phạm Thị Quyên, một nữ kỹ sư xe ôtô với hai câu hỏi và hai sự trợ giúp đã trở thành tâm điểm bình luận của mạng xã hội mấy ngày qua.

Tuy nhiên, trước sự phản ứng gay gắt của cộng đồng mạng xã hội, nhiều người cũng tỏ chia sẻ trước sự thật thà của cô gái. Bạn có facebook Nguyễn Thành Quang chia sẻ: “Thực sự ban đầu mình cũng cảm thấy buồn cười trước sự thật thà đó của bạn, tuy nhiên mình cũng mong muốn bạn nên trau dồi lại kỹ năng sống. Bởi hiện nay nhiều bạn đang sa vào đam mê của mình quá mà quên đi những kỹ năng sống cơ bản như nấu ăn. Thời đại càng công nghệ, càng hiện đại thì những kỹ năng sống đơn giản đó càng phải biết”.

Trước những hiệu ứng đám đông đó, thạc sĩ Nguyễn Thị Tuyết Minh (giảng viên khoa Xã hội học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ: “Tâm lý đám đông, hùa theo ý kiến của đám đông dẫn đến mất phương hướng thông tin. Mọi giá trị xã hội theo đó cũng bị đảo lộn, không biết giá trị thực của thông tin là gì và đang hướng đến điều gì. Nếu thông tin theo chiều hướng tiêu cực, ác ý, không có tinh thần xây dựng thì người trong cuộc sẽ chịu áp lực tâm lý khá nặng nề”.

“Bên cạnh đó, nhận xét, phê bình là để người khác tiến bộ và tốt hơn lên chứ không phải khiến họ khủng hoảng, hậu quả sẽ khôn lường. Vì thế, mỗi người cần có ý thức và trách nhiệm với lời nói của mình, ngay cả trên mạng xã hội, tránh gây ra những hệ lụy đáng tiếc”, cô Tuyết Minh cho biết thêm.

NGÔ CHUYÊN

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/dien-dan-ban-doc/cau-chuyen-anh-hung-ban-phim-va-co-gai-ai-la-trieu-phu-614500.bld