Cát tặc lộng hành trên Sông Ciện, xã Đắk Trăm

Nạn khai thác cát lậu đang diễn ra tại địa bàn Sông Ciện, xã Đắk Trăm, huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum với quy mô, số lượng lớn. Điều đáng nói, tình trạng khai thác cát tràn lan đã làm cho hai bên dòng sông sạt lở, dòng chảy bị thay đổi theo mực nước. Tuy nhiên, chính quyền địa phương cho rằng: “Tạo điều kiện cho bà con làm ăn?”.

Chưa cấp phép vẫn hoạt động

Theo phản ánh của người dân thôn Đắk Rô Gia, xã Đắk Trăm, tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn sông Ciện được diễn ra liên tục cả ngày và đêm. Các loại máy móc được đặt sẵn trên dòng sông và thực hiện hút cát từ khu vực suối lên bãi tập kết. Nguồn cát được bồi đắp hàng năm trên sông rất lớn. Có nhiều loại như cát xây, cát tô được các đối tượng lén lút khai thác ngang nhiên, các chủ cát đóng vai “võ mồm” là có giấy phép để tiện cho việc thu nguồn khoáng sản cát.

Các bãi cát đang bị múc để vận chuyển đi tiêu thụ.

Tại khu vực dọc sông Ciện, đoạn từ cầu xã Đắk Trăm xuống đến thôn Đắk Rô Gia có nhiều bãi cát lớn, chúng thường lợi dụng những nơi hẻo lánh, có nhiều cát, để nổ máy, lấy cát tự do. Theo chân một người dân trong thôn, chúng tôi mới biết những con đường nhỏ, được bê tông hóa để dẫn vào bãi cát của một chủ trong làng. Đến đây, có cả hàng trăm khối cát được phơi nước và chuẩn bị cho các loại xe vào đem đi bán. “Ở đây, các anh không biết đấy thôi, họ đều thông đồng với nhau cả rồi, ban ngày họ cho máy hút liên tục, tiếng máy nổ nghe mà nhức tai. Thời gian khai thác từ 6h sáng đến 18 h tối, rồi thỉnh thoảng cần hàng thì kéo dài trong đêm. Làm ăn có tiền từ cát nên họ cũng đầu tư các loại máy móc tiền tỉ đấy. Nào là máy hút, máy đào, cùng các loại xe tải hạng nặng, hạng nhẹ đều có hết” - anh A. L một người dân đồng bào cho biết.

Dọc tỉnh lộ 672, đoạn qua khu vực suối Ciện xuất hiện nhiều phương tiện có tải trọng lớn để phục vụ cho việc khai thác cát trái phép. Quan sát nhóm của PV thì nơi đây như một công trường hoạt động liện tục, sôi nổi. Những chiếc xe Hoa Mai chở đầy thùng ước tính khoảng trên 5m3, ngoài loại này ra còn có các loại như KaMaz có thể chứa đến 9m3. Sau khi cát được múc lên xe, các tài xế tiến hành vận chuyển tới nơi tiêu thụ, tùy vào đơn đặt hàng xa hay gần mà chủ cát sẽ ra giá tiền. Trò chuyện với chúng tôi, anh A. H chở thuê cho một chủ cát cởi mỡ nói: “ Tôi là tài xế cho ông Bừng (chủ cát), mỏ cát này làm ăn cũng lớn, mỗi ngày phải hút được khoảng 150m3 cát từ sông Ciện, bán ở gần trong làng rơi vào khoảng 500 ngàn đồng, Nếu đi xa ra tận thị trấn Đắk Tô thì một chiếc xe KaMaz chở được 9m3 giá tầm 700.000 đồng đấy”.

Dòng sông bị sạt lở, xói mòn theo thời gian.

Với quy mô lớn, các chủ cát nơi đây đã sắm cho mình nhiều dàn máy có khả năng hoạt động nhanh,thiết kế gọn như máy đào, máy hút đủ để “hốt bạc” bất chính từ nguồn tài nguyên cát được bồi đắp hàng năm trên sông.Tại hiện trường, chúng tôi tận mắt chứng kiến quá trình khai thác cát rất đơn giản, cứ mỗi 1 giờ, cát được hút lên khoảng 10m3, trên bờ sông đã có xe chờ sẵn và cứ thế ngày qua ngày các đối tượng khai thác cát lậu ở đây chỉ việc “ngồi chơi, xơi nước”. Với giá cát từ khoảng 450.000 đồng đến 500.000 đồng/ xe 5m3, mỗi ngày các tay cát tặc có thể thu tới 3 triệu đồng đến 4 triệu đồng/ ngày. Như vậy, lợi nhuận nhiều nên việc khai thác cát trái phép trên địa bàn xã Đắk Trăm càng diễn ra hoành hành hơn.

Chị Y. H, một người dân sinh sống tại làng Đắk Rô Gia cho biết: “Việc khai thác cát lậu, chúng tôi là dân, không nên quan tâm đến họ làm gì lỡ không may dính vào rắc rối, điều mà tôi cảm thấy lo lắng là môi trường bị ảnh hưởng nặng, hai bên bờ sông sau khi hút cát bị sạt lở, đáy sông ngày càng sâu, việc đi làm qua nương rẫy cũng gặp khó khăn, về lâu dài việc sạt lở bai bên bờ khó mà tránh khỏi, nhà nào có rẫy vườn gần sông thì hàng năm mưa lớn lại có thiệt hại về cây cối do đất bị sụt lún”. Theo chị H, hai bên bờ sông Ciện tại xã Đắk Trăm mức sạt lở đất, ước tính hàng năm lên tới hàng ngàn m3 mà không ai biết đến.

UBND xã Đắk Trăm tiếp tay cho cát tặc?

Với nhu cầu khai thác cát trên địa bàn có lợi nhuận cao, các chủ mỏ cát đã tự ban cho mình quyền hành khai thác ngang nhiên trên khu vực sông Ciện, xã Đắk Trăm. Điều đáng nói, các mỏ cát đang khai thác rầm rộ lại nằm cách trụ xã Đắk Trăm cở chừng 1km nhưng không biết vì lý do gì mà UBND xã Đắk Trăm không hề có một động thái nào. Thậm chí, khi PV đến trụ sở xã đặt lịch làm việc về vấn đề quản lý khai thác khoáng sản trên địa bàn thì vị chủ tịch xã luôn bận bịu và họp hành như phớt lờ việc phát ngôn với cơ quan báo chí.

Một chủ mỏ cát khác đang tiến hành thu hoạch chiến lợi phẩm.

Sau nhiều lần gọi điện, chúng tôi mới nhận được câu trả lời chính xác từ bà Y H’ Veng chủ tịch UBND xã Đắk Trăm về nạn khai thác cát lậu. Bà Y H’ Veng cho rằng: “Trên địa bàn xã có sự khai thác cát từ khu vực sông Ciện, nhưng tôi có nghe nói là họ có giấy phép khai thác khoáng sản về lĩnh vực cát, cụ thể là mỏ cát ông Ty. Mà theo tôi thấy, trên địa bàn thì cũng nên tạo điều kiện cho người ta khai thác để phục vụ nhu cầu cho bà con tại chỗ”.

Nói như vậy, có nghĩa là chính quyền địa phương đã biết nhưng chưa thực sự xử lý, không muốn vào cuộc về nạn cát tặc đang diễn ra trên địa bàn ngày một gia tăng. Để cụ thể hơn vấn đề, Pv đã trực tiếp làm việc với phòng Tài nguyên và Môi trường( TNMT) huyện Đắk Tô. Tại đây, bà Lê Thị Thu Thủy - Phó phòng TNMT cho biết: “Việc khai thác cát trái phép tại địa bàn xã Đắk Trăm là phải nhìn lại công tác quản lý khai thác khoáng sản ở địa phương. Theo quy trình, để có giấy phép khai thác cát, chủ mỏ phải đấu thầu, sau khi trúng thầu mới được cấp giấy phép thăm dò, đánh giá trữ lượng, phê duyệt trữ lượng, các yếu tố môi trường cũng phải đảm bảo khi đó mới được Sở TNMT tỉnh xem xét cấp phép. Riêng ở khu vực sông Ciện có hai mỏ cát đang làm,việc khai thác đã diễn ra lén lút, không có khai báo. Việc này, chúng tôi phải tiến hành xử lý nghiêm hơn”.

Lợi dụng giấy phép thăm dò để tiến hành đào bới, hút cát số lượng lớn, sau đó đem bán cho các thương lái hoặc tiêu thụ gần địa phương đã tạo điều kiện cho các tay cát tặc đang lộng hành, ngang nhiên thách thức. Nếu chỉ xử phạt ở mức độ hành chính thì chưa đủ sức răn đe, cần phải nhanh chóng có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan có thẩm quyền,ở đây là UBND xã Đắk Trăm, Phòng TNMT huyện Đắk Tô và Sở TNMT tỉnh Kon Tum về việc có nên cấp phép khai thác cát hay không? Khi mà các đối tượng đã “cầm đèn chạy trước ô tô” như hiện nay trên địa bàn.

Báo điện tử Phapluatxahoi.vn sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc!

Tiến Nhuệ - Hải Nguyễn

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/ban-doc/cat-tac-long-hanh-tren-song-cien-xa-dak-tram-116851