Cáp treo Phong Nha - Kẻ Bàng: Làm thế nào để giảm tác động đến di sản?

Cuối tháng 8/2017, trong chuyến công tác tại tỉnh Quảng Bình, trước đề xuất của lãnh đạo tỉnh về việc bổ sung vào quy hoạch khu du lịch Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng tuyến cáp treo dài 5,2km từ Km37 đường Hồ Chí Minh nhánh đông đến hang Én, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định: Xung quanh đề xuất trên hiện có nhiều ý kiến tranh cãi, tuy nhiên "Thủ tướng và các bộ ngành đồng ý về chủ trương". Thủ tướng yêu cầu các bên làm đúng quy trình, không ảnh hưởng đến di sản thiên nhiên thế giới và mở ra để khai thác đúng mức. Thủ tướng giao Bộ VHTT&DL chủ trì, phối hợp với địa phương làm rõ vấn đề, đánh giá tác động và trả lời những nội dung liên quan; tham khảo UNESCO, sớm trình Chính phủ xem xét.

Chỉ đạo trên một lần nữa làm nóng lại vấn đề xây dựng cáp treo trong khu vực di sản Phong Nha - Kẻ Bàng, gần cửa hang Sơn Đoòng đã từng gây xôn xao dư luận trước đó.

2 lần được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới

Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới lần đầu tiên vào năm 2003, với giá trị ngoại hạng về địa chất và địa mạo. Năm 2015, lần thứ 2, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là Di sản thế giới theo 2 tiêu chí: Ví dụ nổi bật đại diện cho các tiến trình sinh thái trong sự tiến hóa và phát triển của các hệ sinh thái trên cạn; Sở hữu môi trường sống tự nhiên có ý nghĩa nhất đối với việc bảo tồn đa dạng sinh học.

Trong Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, có gần 30 hang được đưa vào khai thác du lịch, bao gồm cả hang Sơn Đoòng (hang lớn nhất thế giới) và hang Én (hang lớn thứ ba thế giới). Cả hai hang này được khai thác du lịch bằng hình thức thám hiểm đi bộ. Riêng hang Sơn Đoòng khai thác có giới hạn. Năm 2016, Sơn Đoòng đón 500 lượt khách và năm 2017 ước đạt khoảng 700 lượt khách.

Theo các nhà khoa học, hang Sơn Đoòng được hình thành từ khoảng 5 triệu năm trước, sở hữu hệ sinh thái nguyên thủy, tách biệt với thế giới bên ngoài. Đó là hệ động vật mù và hệ động vật bạch tạng chưa từng tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, hệ thống động thực vật và cảnh quan độc đáo gồm sông, thác, mây mù... Sự đa dạng sinh học với các loài đặc chủng cùng với những viên ngọc động khổng lồ chỉ được tìm thấy tại nơi này cũng là một "đặc sản" hiếm nơi nào có được. Hơn nữa những giá trị khảo cổ lưu giữ các hóa thạch có niên đại trên 300 triệu năm cũng là một tài sản lớn của Sơn Đoòng.

Cuối năm 2014, tỉnh Quảng Bình đưa ra thông tin đầu tư tuyến cáp treo từ Phong Nha vào cách cửa động Sơn Đoòng 300m, đưa du khách ngắm rừng nguyên sinh. Dự án có vốn đầu tư lên đến 3.000 tỷ đồng này bị dư luận phản ứng. Và đó cũng là một trong những lý do khiến nhà đầu tư rút lui.

Tháng 6/2015, quy hoạch chung xây dựng Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đến năm 2030 đã được công bố. Theo đó, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng rộng hơn 123,3 nghìn héc-ta, trong đó diện tích lập quy hoạch khoảng 40.860ha, thuộc 6 xã của huyện Bố Trạch. Mục tiêu của quy hoạch là bảo tồn nguyên trạng và toàn diện giá trị di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, gồm cả các giá trị độc đáo về tự nhiên, văn hóa và lịch sử; phát huy giá trị di sản để trở thành một trong những vùng du lịch sinh thái hấp dẫn “bậc nhất” khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đồ án quy hoạch không đề cập đến việc xây dựng tuyến cáp treo tại khu di tích Phong Nha - Kẻ Bàng.

Cho đến giữa năm 2017, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài đã chia sẻ với báo giới là tỉnh có chủ trương kêu gọi nhà đầu tư làm cáp treo Sơn Đoòng, trong quần thể di sản Phong Nha - Kẻ Bàng. Tuy nhiên lúc đó chỉ mới dừng lại ở việc chủ trương khảo sát.

Tạo điều kiện phát triển du lịch nhưng vẫn phải giữ được di sản

Có nhiều lý do khiến dư luận e ngại về việc làm cáp treo trong quần thể di sản Phong Nha - Kẻ Bàng. Đơn cử, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng di sản thiên nhiên thế giới và là di tích, danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt, do đó, việc quản lý, bảo vệ di sản này phải được thực hiện nghiêm túc theo Hướng dẫn thực hiện Công ước di sản thế giới và Luật Di sản văn hóa. Việc xây dựng hệ thống cáp treo sẽ ảnh hưởng đến hiện trạng di sản thiên nhiên cũng như môi trường thiên thiên trong khu vực. Việc khai thác cáp treo, du lịch đại trà sẽ làm ảnh hưởng, thậm chí là tàn phá di sản…

Tuy nhiên, cũng không ít những ý kiến đồng tình. GS.TS Đặng Đình Đào - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, Quảng Bình trong tay có rất nhiều tài nguyên nhưng lại chưa làm được nhiều để thu hút du khách, cáp treo là một trong những lựa chọn tốt, là bàn đạp để thúc đẩy Quảng Bình phát triển kinh tế. Bởi nếu có cáp treo thì nhiều người sẽ có cơ hội được tới đây chiêm ngưỡng vẻ đẹp của tạo hóa ban tặng cho mảnh đất này, đưa du lịch Quảng Bình "cất cánh". Việc thu hút khách du lịch chắc chắn sẽ kéo theo sự phát triển các ngành dịch vụ. Khi dịch vụ phát triển, các ngành hỗ trợ khác cũng phát triển theo chuỗi để nâng cao giá trị gia tăng.

Theo ông Đặng Đình Đào, điều quan trọng là khai thác tài nguyên thì làm thế nào đừng ảnh hưởng đến tính nguyên thủy, tính tự nhiên của hang động. Tương tự, cùng xây dựng cáp treo là xây dựng các công trình khác cũng không được làm ảnh hưởng đến tính nguyên sơ của di sản thế giới.

Yếu tố then chốt là phải tìm được nhà đầu tư thi công đảm bảo được chất lượng công trình. Trước đó phải tổ chức đấu thầu như thế nào để khai thác hợp lý. Mục đích là tìm được nhà đầu tư "có lòng yêu nước", có trách nhiệm với mỗi công trình. Nếu thực sự xây dựng được hệ thống cáp treo cùng với các giải pháp đồng bộ khác thì chắc chắn sẽ trở thành “bàn đạp” phát triển nội lực, kinh tế đối với Quảng Bình.

Ủng hộ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ khi yêu cầu các bên làm đúng quy trình, không ảnh hưởng đến di sản thiên nhiên thế giới, KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh văn phòng Hội KTS Việt Nam nhận định: Thủ tướng đề cao di sản và giữ gìn di sản. Nếu việc sử dụng cáp treo không ảnh hưởng đến di sản, tạo thuận lợi cho du khách đến tham quan, từ đó phát triển kinh tế thì đó là điều cần thiết và rất tốt.

Theo KTS Phạm Thanh Tùng, sau khi có ý kiến Thủ tướng, tỉnh Quảng Bình cần tổ chức những hội thảo khoa học, mời các chuyên gia nước ngoài, UNESCO và các nước có di sản tương tự để học tập. Làm thế nào để tạo điều kiện phát triển du lịch nhưng vẫn giữ được di sản của mình. Vì di sản này còn để dành cho muôn đời sau chứ không phải cho ngày hôm nay. “Xây dựng cáp treo là một dự án lớn nên phải đánh giá tác động môi trường. Hơn nữa, Quảng Bình cần phải giải bài toán khoa học, không phải chỉ là dự án đầu tư mà còn liên quan đến các vấn đề môi trường, nhân văn, xã hội, văn hóa rồi cuối cùng mới là kinh tế”, ông Tùng nhấn mạnh.

Còn đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc thì cho rằng vấn đề không phải là nên làm hay không nên làm mà là làm như thế nào mới là quan trọng. Cáp treo là thành tựu về khoa học công nghệ, với rất nhiều tiện ích phục vụ cho con người thì tại sao không làm?

Theo ông Quốc, đưa ra mục tiêu hàng đầu là bảo vệ di sản, nhưng đồng thời phải chỉ ra được phương án cụ thể. Điều này không dựa trên sự chủ quan mà phải dựa trên trải nghiệm của mấy chục năm nay là chúng ta đã ứng dụng cáp treo trong việc tiếp cập với những di tích, thắng cảnh.

Với Sơn Đoòng, đặt mục tiêu phải gìn giữ bảo tồn nhưng không thể không phát huy. Trước khi lên phương án khai thác du lịch ở nơi này, phải trả lời các câu hỏi cụ thể như phát huy đến mức độ nào? Phục vụ cho ai? Có phải chỉ thuần túy kinh tế không?

Ông Quốc cho rằng: Khi cho DN đầu tư xây dựng cáp treo, Nhà nước đảm bảo tạo điều kiện cho họ kinh doanh có lãi, nhưng không phải vì lợi nhuận mà phá hoại di sản. Vì di sản của quốc gia, của thế giới. Chúng ta bảo vệ, có nghĩa là tính toán thế nào để khai thác bền vững, mang lại nguồn lợi lâu dài chứ không phải chộp giật trước mắt.

Theo quy hoạch chung xây dựng Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đến năm 2030, tại các phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và phục hồi sinh thái, sẽ không phát triển du lịch đại chúng, chỉ cho phép phát triển du lịch đáp ứng lượng nhỏ du khách đến tham quan, như khám phá hang động, leo núi mạo hiểm, thám hiểm bằng xe đạp địa hình, đi bộ thám hiểm rừng nguyên sinh, ngắm thú ban đêm...

Du lịch tại nhiều hang động như Thiên Đường, Phong Nha, Tiên Sơn, Sơn Đoòng... sẽ tiếp tục được phát triển với phương tiện di chuyển là thuyền, hoặc đi bộ. Các công trình xây dựng phục vụ quản lý, nghiên cứu khoa học, dịch vụ du lịch… phải áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường, hạn chế thay đổi cảnh quan, không gây ảnh hưởng đến cấu trúc hệ sinh thái núi đá vôi, không gây suy thoái hệ sinh thái rừng...

Quý Quý

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/quy-hoach-kien-truc/cap-treo-phong-nha-ke-bang-lam-the-nao-de-giam-tac-dong-den-di-san.html