Cập nhật thông tin trong sách giáo khoa: Tâm nguyện của người cựu binh

Để phục vụ công tác giảng dạy theo Chương trình GDPT 2018, Nhà xuất bản ĐH Sư phạm đã kịp thời giới thiệu Bộ sách Cánh Diều bao gồm 9 cuốn cho 7 môn:

Cựu chiến binh Lê Hữu Thảo (thứ 2 từ trái sang) cùng đồng đội.

Toán, Văn (2 tập) Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử (1 tập) của 7 tác giả do Đỗ Thanh Bình tổng chủ biên.

Kiến thức lịch sử thiết yếu

Tuy không thay đổi nhiều về bài mục so với SGK cũ, nhưng bộ sách Cánh Diều đã cập nhật một số thông tin mang tính thời sự và lịch sử, trong đó đặc biệt chú ý đến bài 9 (Đấu tranh bảo vệ Tổ quốc từ sau tháng 4 năm 1975 đến nay).

Theo đó trong mục 2 (Diễn biến chính của các cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc từ sau tháng 4 năm 1975), sau mục a (Chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam 1975 - 1979) và mục b (Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc 1979 -1989) là mục c (Cuộc chiến tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia của Việt Nam ở biển Đông) mà các SGK cũ chưa đề cập nhiều.

Ông Lê Hữu Thảo, cựu chiến binh trong trận Gạc Ma 14/3/1988 rất vui mừng khi nắm bắt được thông tin này. Ông Thảo thổ lộ: “Tôi đã dành thời gian đọc kỹ lại phần kiến thức trong Bài 9 của lớp 12 thuộc 3 bộ sách Cánh Diều, Kết nối tri thức, Chân trời sáng tạo của Chương trình GDPT 2018. Các bộ sách ở bản mẫu, bản in thử và sẽ là bản chính thức sau khi đã đón nhận các ý kiến góp ý, sẽ ban hành vào tháng 9/2024.

Điều mà chương trình và SGK cũ không đề cập, bổ sung sự kiện Gạc Ma (14/3/1988) thì bây giờ SGK mới đã khắc phục. Theo ông Thảo, mức độ, số lượng kênh chữ, kênh hình của từng bộ sách Lịch sử lớp 12 khi đưa sự kiện Gạc Ma này là khác nhau; bộ đậm, bộ nhạt, bộ ít, bộ nhiều nhưng đó là một điều cần thiết.

Trong sách có đoạn: “Ngày 13-3-1988 tàu vận tải HQ 604 thuộc Lữ đoàn 125 Hải quân nhân dân Việt Nam rời cảng Cam Ranh tham gia thực hiện chiến dịch CQ-88 (chủ quyền 1988). Trên tàu chở 1 phân đội của Lữ đoàn 146 Vùng 4 hải quân và 70 chiến sĩ, cán bộ của Trung đoàn Công binh 83 Hải quân. Chiều 13-3-1988 tàu đến đảo Gạc Ma.

Ngay sau đó 2 tàu chiến đối phương xuất hiện dùng loa yêu cầu hải quân công binh Việt Nam rời khỏi đảo nhưng không được chấp nhận. Sáng sớm hôm sau, tàu chiến đối phương cho quân đổ bộ lên đảo cuốn cờ, tấn công lực lượng quân đội Việt Nam và bắn chìm tàu HQ 604. Mặc dù chống trả quyết liệt, nhưng cuộc chiến đấu không cân sức đã khiến 64 chiến sĩ Việt Nam hy sinh, trong đó có Thiếu úy Trần Văn Phương, người khi ngã tay vẫn cầm chặt cán cờ”. Đọc đoạn này, ông Thảo vô cùng xúc động, không cầm được nước mắt.

Là người có mặt trên chuyến tàu đó, ông cảm thấy như câu chuyện mới xảy ra ngày hôm qua. Ký ức cứ luôn chập chờn trong tâm trí người cựu chiến binh ngay cả trong giấc ngủ. Ông Thảo bồi hồi nhớ lại, khi thấy tàu khu trục của Trung Quốc ập đến và dùng loa kêu gọi tàu và bộ đội ta phải rời đảo, chúng tôi liền tập trung lên boong tàu bắt tay lên miệng làm loa và nói đây là lãnh thổ thuộc chủ quyền của Việt Nam yêu cầu tàu của kẻ địch phải nhanh chóng rút khỏi đây ngay.

“Thế nhưng vào sáng hôm sau, khi thấy lá cờ đỏ sao vàng tung bay giữa đảo thì bọn chúng bắt đầu khiêu khích và xả súng vào đội hình xếp vòng tròn giữ lá cờ Tổ quốc. Tàu HQ604 bị bắn chìm và rất nhiều đồng đội hi sinh cũng như bị thương trôi dạt trên biển, tôi cố gắng bơi ra để cứu vớt đồng đội, rồi trở lại đảo cùng những người may mắn sống sót tìm vớt thi thể các anh và những người bị thương”, giọng kể của ông chùng xuống.

Suốt 40 năm qua, tình yêu biển đảo trong trái tim người cựu chiến binh Lê Hữu Thảo, Trưởng ban liên lạc cựu chiến binh Gạc Ma - HQ604 vẫn dạt dào. “Khi giáp mặt đối phương, chúng tôi không hề run sợ, kề vai sát cánh bên nhau để bảo vệ cờ Tổ quốc. Khi bơi lặn giữa dòng nước xiết để tìm cứu vớt đồng đội bị thương và tử sĩ, tôi khắc sâu tình đồng chí.

Chúng tôi vừa đói vừa khát phải vật lộn với đối phương và nút xuồng bị thủng rồi tát nước để chở thi thể các anh, dùng tay chèo xuồng trở về. Tôi canh thi thể anh Phương cho đến khi an táng rồi lấy chiếc nhẫn cưới gửi về cho người mẹ già của anh ở Quảng Bình. Hình ảnh đồng đội xếp thành hình tròn bảo vệ lá cờ Tổ quốc, hình ảnh đồng đội ngã xuống và những người sống sót như chúng tôi phải tranh giành thi thể các anh với cá mập, tôi mãi không thể nào quên”, ông Thảo xúc động cho biết.

Bìa SGK Lịch sử 12 bản mẫu.

Bài học giáo dục từ lịch sử

Trước đây ông Thảo đã từng đề xuất: Ngành Giáo dục nên đưa các sự kiện về biên giới, hải đảo vào sách giáo khoa các cấp, dung lượng từ thấp lên cao từ cấp tiểu học đến đại học. Nhắc lại lịch sử không phải để khắc sâu hận thù, cũng không phải để kích động chiến tranh. Học lịch sử để hiểu rõ truyền thống đấu tranh gian khổ và sự hi sinh của các thế hệ cha ông ta có từ thuở trước, hiểu rõ cái giá của tự do độc lập, rút ra những bài học kinh nghiệm xương máu cho hiện tại và tương lai.

Đồng thời nhắc nhở và tô thắm thêm niềm tự hào dân tộc, biết tôn trọng và nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ cũng như những người có công với nước, làm đẹp truyền thống văn hóa uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa có tự lâu đời trong hồn người Việt. Thế kỷ 21 là kỷ nguyên kinh tế biển. Phải nắm rõ về Luật Biển, nắm rõ về lục địa và thềm lục địa, quyền và chủ quyền tài phán quản lý khai thác sử dụng cả kinh tế cũng như quốc phòng. Vậy nên ngành Giáo dục cần cân nhắc đưa thêm nhiều hơn thời lượng vào môn Đia lý và Lịch sử.

“Kiến thức lịch sử chỉ diễn ra một lần, nhưng nhận thức lịch sử là một quá trình. Giá trị lớn nhất của những tri thức lịch sử là rút ra bài học lịch sử và giáo dục cho học sinh phải biết trân quý, trân trọng những giá trị lịch sử!”, ông Thảo chia sẻ.

Nguyện vọng của người cựu binh sau hơn 10 năm đã được toại nguyện. Bây giờ ông Thảo cảm thấy lòng nhẹ nhàng hơn và chắc những đồng đội của ông dù đã hi sinh cũng sẽ vui hơn khi được lịch sử nhắc lại, để giáo dục truyền thống bảo vệ biển trời cho Tổ quốc, 1 tấc biển cũng không để rơi vào tay kẻ xâm lăng.

Nguyễn Hoàng Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/cap-nhat-thong-tin-trong-sach-giao-khoa-tam-nguyen-cua-nguoi-cuu-binh-post675389.html