Cấp cứu dị vật đường thở

Dị vật đường thở là thuật ngữ được dùng để chỉ các vật lạ rơi vào và mắc lại ở đường thở tại các vị trí thanh, khí hay phế quản. Dị vật đường thở là một cấp cứu thường gặp trong chuyên khoa Tai Mũi Họng. Nếu không được xử trí cấp cứu kịp thời, dị vật đường thở có thể gây tử vong.

Bất kỳ tuổi nào cũng có thể bị dị vật đường thở, lứa tuổi hay gặp là từ 1 đến 4 tuổi, nam gặp nhiều hơn nữ. Dị vật có thể có nguồn gốc từ thực vật như hạt na, hạt nhãn, hột lạc... hoặc có nguồn gốc động vật như xương cá, vỏ tôm. Ngoài ra còn có dị vật có nguồn gốc vô cơ như mảnh đồ chơi bằng nhựa, kim khâu, đinh ghim… Dị vật cũng có thể là chất lỏng như cháo, sữa… Cá biệt còn có thể gặp dị vật là những sinh vật sống như là con tắc te (đỉa suối).

Dị vật đường thở có thể xuất hiện trong những tình huống như: cười đùa trong khi ăn, ngậm đồ vật trong miệng. Thậm chí có thể ở những tình huống rất đặc biệt như ép trẻ uống thuốc bằng cách bóp mũi khiến trẻ há miệng rồi ném viên thuốc vào...

Cách sơ cứu cho trẻ em mắc dị vật đường thở.

Triệu chứng lâm sàng của dị vật đường thở

Trẻ đang ngậm hoặc đang ăn đột nhiên có cơn ho sặc sụa, tím tái, ngạt thở trong chốc lát. Đó là hội chứng xâm nhập xảy ra khi dị vật qua thanh quản. Ngay lúc đó phản xạ bảo vệ đường thở của thanh quản thiết lập để tống dị vật ra ngoài. Đó là phản xạ co thắt để ngăn không cho dị vật tiếp tục đi vào sâu hơn nữa và phản xạ ho để tống dị vật ra ngoài.

Sau đó tùy theo vị trí dị vật mắc lại tại đường thở mà có thể xuất hiện các triệu chứng của hội chứng định khu.

Tiến hành nghiệm pháp trên người lớn: để bệnh nhân đứng, người cúi ra trước, người cấp cứu đứng phía sau, hai tay bắt vào nhau thành một nắm đấm để vào vùng thượng vị của bệnh nhân, sau đó giật mạnh từ trước ra sau và từ dưới lên trên để làm tăng áp lực trong lồng ngực để có thể tống dị vật ra.

Dị vật thanh quản: Nếu dị vật mắc ở tiền đình thanh quản. Triệu chứng sẽ là khàn tiếng tăng dần, khó thở ngay lập tức nếu dị vật có kích thước lớn, hoặc khó thở từ từ tăng dần theo quá trình viêm nhiễm. Nếu dị vật ở hạ thanh môn, khó thở sẽ đến sớm hơn do đây là vùng dễ bị phù nề. Còn dị vật ở thanh môn sẽ gây khàn tiếng ngay lập tức, khó thở có ngay hoặc không cũng phụ thuộc vào kích thước dị vật.

Dị vật ở khí quản: Thường là những dị vật tròn nhẵn, trơn tru có đặc điểm di động theo nhịp thở. Sau hội chứng xâm nhập, bệnh nhân có thể trở lại bình thường nhưng sau đó thỉnh thoảng lại có cơn khó thở mà thường do ho sặc, thở mạnh đẩy dị vật lên vùng thanh môn. Đôi khi dị vật cố định như mảnh xương, nhọn, sắc cắm vào thành khí quản, bệnh nhân có cảm giác đau sau xương ức.

Dị vật ở phế quản: Dị vật ở phế quản bên phải hay gặp hơn bên trái. Sau hội chứng xâm nhập, bệnh nhân trở lại bình thường trong nhiều giờ, cho đến khi có những triệu chứng của viêm nhiễm thứ phát do dị vật gây nên: dị vật gây phù nề, xuất tiết, bội nhiễm. Dị vật gây phù nề bít tắc một phế quản phân thùy hoặc một thùy gây xẹp phổi hay khí phế thũng.

Xử trí cấp cứu dị vật đường thở

Dị vật đường thở là một cấp cứu, vì vậy việc cấp cứu phải được triển khai trong thời gian sớm nhất có thể. Trong đó việc sơ cứu ban đầu có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Tuy nhiên những người không có chuyên môn hoặc cán bộ y tế không chuyên khoa chỉ nên thực hiện các cấp cứu ban đầu này trong trường hợp tối khẩn cấp vì nếu không cấp cứu ngay người bệnh sẽ tử vong.

Cấp cứu ở ngoài cơ sở y tế

Trong tình trạng bệnh nhân bị ngạt thở do dị vật gây bít tắc hoàn toàn đường thở, cần tiến hành làm nghiệm pháp Heimlich để tống dị vật ra ngoài. Lưu ý nghiệm pháp Heimlich chỉ được tiến hành khi tình trạng bệnh nhân khó thở ở mức độ nguy kịch. Nếu bệnh nhân không quá khó thở mà làm nghiệm pháp trên có thể kích thích dị vật di chuyển lên trên và kẹt ở thanh môn làm cho tình trạng khó thở thêm trầm trọng.

Tiến hành nghiệm pháp trên người lớn: để bệnh nhân đứng, người cúi ra trước, người cấp cứu đứng phía sau, hai tay bắt vào nhau thành một nắm đấm để vào vùng thượng vị của bệnh nhân, sau đó giật mạnh từ trước ra sau và từ dưới lên trên để làm tăng áp lực trong lồng ngực để có thể tống dị vật ra. Cần làm động tác nhanh và dứt khoát. Khi bệnh nhân hôn mê: đặt bệnh nhân nằm ngửa, mặt ngửa lên trên. Nếu bệnh nhân nôn cần để đầu nghiêng sang một bên. Người cấp cứu quỳ gối ở hai bên hông bệnh nhân, đặt một cùi bàn tay lên bụng ở giữa rốn và mũi ức, bàn tay kia úp lên trên, đưa người ra phía trước ép nhanh lên phía trên, làm lại nếu cần. Sau mỗi đợt ép bụng: dùng 2 đến 3 ngón tay để móc khoang miệng kiểm tra. Nếu không thể hô hấp được cho bệnh nhân lập lại quá trình: ép bụng, kiểm tra đường thở và hô hấp nhân tạo, nhắc lại tới khi giải phóng được đường thở và hô hấp nhân tạo được.

Đối với trẻ nhỏ người sơ cứu ngồi, đặt trẻ nằm vắt ngang qua đùi người sơ cứu ở tư thế đầu thấp hơn ngực. Vỗ vào lưng bằng phần phẳng ở bàn tay (tốt nhất là vùng tiếp xúc giữa cẳng tay và bàn tay) 5 lần – 6 lần ở vị trí giữa hai xương bả vai của trẻ, đồng thời kiểm tra dị vật đường thở có được tống ra ngoài không.

Cấp cứu tại y tế cơ sở

Cần mở khí quản cấp cứu hoặc chọc kim qua màng giáp nhẫn để đưa ngay oxy đến đầy đủ trước khi chuyển đến tuyến chuyên khoa.

Tại tuyến chuyên khoa

Tại cơ sở chuyên khoa Tai Mũi Họng bệnh nhân sẽ được soi thanh khí phế quản cấp cứu. Đây vừa là biện pháp chẩn đoán vừa là biện pháp điều trị. Soi thanh khí phế quản trực tiếp là biện pháp tích cực nhất để điều trị dị vật sẽ được phát hiện và lấy ra trong quá trình soi. Trước khi soi có thể phải mở khí quản trong các trường hợp: có khó thở thanh quản cấp 2-3, dị vật có kích thước lớn gây khó thở nhiều, khi soi gắp ở nơi có trang thiết bị soi còn thiếu còn chưa thành thạo. Sau khi soi gắp dị vật bệnh nhân cần được theo dõi sát sao trong nhiều giờ tiếp theo, thở oxy hỗ trợ, hút dịch và các chất xuất tiết, nếu có mở khí quản nên rút ống sớm. Đồng thời bệnh nhân cần được điều trị nội khoa hỗ trợ như chống nhiễm trùng bằng kháng sinh đường tĩnh mạch, chống phù nề và co thắt bằng corticoid theo đường tĩnh mạch và khí dung.

Phòng bệnh

Dị vật đường thở là một tai nạn có thể ảnh hưởng đến tính mạng, việc
tuyên truyền để nhiều người được biết rõ những nguy hiểm của dị vật đường thở là rất quan trọng. Trong sinh hoạt hàng ngày không nên để cho trẻ em đưa các vật và đồ chơi vào mồm ngậm và mút. Không nên để cho trẻ nhỏ ăn các loại quả và hạt dễ hóc như: hạt na, lạc, quất, hồng bì, hạt bí, hạt dưa... Nếu thấy trẻ đang ngậm hoặc ăn những thứ dễ gây nên hóc, không nên hoảng hốt, la hét, mắng trẻ vì làm như vậy trẻ sợ hãi dễ bị hóc. Người lớn cần tránh thói quen ngậm dụng cụ vào miệng khi làm việc.

TS.BSCKII. Quách Thị Cần

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/20120101031355466p0c63/cap-cuu-di-vat-duong-tho.htm