Cao Bằng phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa

Tỉnh Cao Bằng đã và đang triển khai các giải pháp hình thành nền nông nghiệp hàng hóa; có giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh cao; giảm nghèo bền vững. Mục tiêu tăng trưởng bình quân ngành nông nghiệp tỉnh từ nay tới năm 2020 là 4%/năm; ước chiếm tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế là 19,5%; xây dựng được 10 mô hình sản xuất nông nghiệp giá trị gia tăng cao.

Mô hình trồng lúa nếp tại xã Ngọc Côn, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) đạt hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: TRƯỜNG HÀ

Tỉnh phấn đấu đến năm 2020, có ít nhất 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới, với mức thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 25 triệu đồng (tăng gấp 1,7 lần so với năm 2015).

Tỉnh ủy chỉ đạo các địa phương chủ động rà soát, xác định lợi thế, thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp để có định hướng chỉ đạo phát triển phù hợp. Duy trì và sử dụng hiệu quả 30.000 ha đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực, nâng cao hiệu quả sử dụng đất; phát triển khoảng 1.000 ha giống lúa đặc sản, lúa thuần chất lượng cao trở thành hàng hóa. Khuyến khích sử dụng các giống ngô lai, giống chuyển gen năng suất, chịu hạn cao để đáp ứng đủ nguyên liệu cho chế biến và chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Duy trì và phát triển diện tích cây trồng hàng hóa chủ lực của tỉnh như thuốc lá, mía, sắn...

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng tăng quy mô về số lượng và nâng cao chất lượng các sản phẩm đã có trên thị trường; tận dụng hiệu quả diện tích mặt nước hiện có để nuôi trồng thủy sản; bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng hiện có gắn với phát triển du lịch sinh thái; nhân rộng mô hình kiểm soát, quản lý chất lượng nông sản theo chuỗi, áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, ISO, HACCP...

* Đà Nẵng thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy kinh tế tập thể

Thành phố Đà Nẵng hiện có 119 hợp tác xã (HTX), tổng vốn điều lệ theo đăng ký gần 114 tỷ đồng, tổng vốn kinh doanh hơn 259 tỷ đồng, thu hút 26.489 thành viên và giải quyết việc làm cho 31.500 lao động. Năm 2015, kinh tế HTX ở Đà Nẵng đạt lợi nhuận gần chín tỷ đồng, qua phân loại có gần 45% số HTX đạt khá giỏi, 47,6% số HTX trung bình và 7,6% số HTX yếu.

Để tiếp tục phát triển kinh tế tập thể, thành phố đề ra mục tiêu phát triển đa dạng loại hình HTX, tổ hợp tác thuộc nhiều lĩnh vực, ngành nghề, góp phần hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm, thu hút đông đảo thành viên HTX và mọi tầng lớp nhân dân tham gia; đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, phát triển dịch vụ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và phát triển cộng đồng, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế.

Liên minh HTX thành phố tập trung bám sát chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nghị quyết của Thành ủy, kế hoạch của UBND thành phố, triển khai hiệu quả đề án "Phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2016-2021"; trong đó chú trọng xây dựng mô hình HTX kiểu mới, đẩy mạnh đào tạo nghề cho thành viên HTX, giới thiệu việc làm cho người lao động; sử dụng hiệu quả Quỹ hỗ trợ phát triển HTX...

Giai đoạn 2016-2021, thành phố phấn đấu mỗi năm thành lập mới từ 10 đến 15 HTX, đào tạo nghề cho 200 đến 250 thành viên và xây dựng 10 HTX điển hình tiên tiến. Đến năm 2021, thu hút khoảng 50 nghìn thành viên tham gia HTX và tổ hợp tác, tạo việc làm cho 55 nghìn lao động.

PV và TTXVN

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/31462702-cao-bang-phat-trien-nong-nghiep-theo-huong-san-xuat-hang-hoa.html