Cạnh tranh dệt may trong TPP: Phải đầu tư nhà máy sợi hiện đại

(HQ Online)- Dệt may được cho là một ngành có thế mạnh của Việt Nam so với các thành viên khác trong TPP - Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương vừa được ký kết. Theo TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, để thực sự chủ động cạnh tranh khi TPP có hiệu lực, Nhà nước phải bỏ tiền ra đầu tư nhà máy sợi với công nghệ hiện đại hàng đầu bởi vấn đề này doanh nghiệp không thể tự đầu tư được.

TS. Nguyễn Đức Kiên: Đừng nhìn vào những nhà máy nhuộm của những năm 60 mà lo lắng về ô nhiễm môi trường.

Ông nhận định như thế nào về lợi thế cũng như thách thức của ngành Dệt may Việt Nam trong TPP?

Theo TPP, doanh nghiệp chỉ có thể hưởng lợi nếu đáp ứng tiêu chí “từ sợi trở đi”, nghĩa là nguyên vật liệu phải tự sản xuất hoặc nhập khẩu trong nội khối. “Từ sợi trở đi” thì Việt Nam có đáp ứng được không khi quá nửa nguyên phụ liệu hiện nhập khẩu từ Trung Quốc mà Trung Quốc không phải nội khối TPP? Vậy phải đầu tư nhà máy sợi thôi.

Hiện ở Việt Nam có khoảng 3 triệu cọc sợi, trong đó 2 triệu cọc có tuổi đời 15 năm, 1 triệu cọc có tuổi 7 năm. 7 năm có phải một nền công nghiệp hiện đại? không phải. 15 năm có là công nghiệp không? Là công nghiệp nhưng đáng phải thay thế.

Trong Hiến pháp ghi, kinh tế Nhà nước có vai trò chủ đạo, vậy vai trò chủ đạo sẽ thể hiện ở chỗ nào? Nhà nước cổ phần hóa, thoái vốn ở những doanh nghiệp khác thì Nhà nước phải bỏ tiền ra đầu tư nhà máy sợi với công nghệ hiện đại hàng đầu. Như vậy hai năm sau, TPP đi vào hoạt động chúng ta mới kịp có nhà máy.

Đến lúc đó, sau khi Nhà nước đầu tư xong phải cổ phần hóa, thoái vốn để các thành phần kinh tế khác tham gia. Điều này là bởi 95% doanh nghiệp chúng ta là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chứ không phải là vừa, nên để huy động nguồn lực làm được khoảng 300-500 nghìn cọc sợi mất cỡ 200 triệu USD, doanh nghiệp tư nhân không thể làm được mà chỉ có Nhà nước. Nhà nước phải có trách nhiệm tổ chức thực hiện nếu không khối FDI sẽ vào.

Ông đang lo ngại sự cạnh tranh giữa hai dòng vốn nhằm đón đầu TPP?

Ba năm trở lại đây xu hướng xuất khẩu của chúng ta là điều đáng lo ngại. Trong lúc khối FDI đang tiến lên thì xuất khẩu của doanh nghiệp nội lại đi xuống. Nếu cứ giữ đà này cuối cùng doanh nghiệp của ta sẽ là doanh nghiệp FDI, sản xuất của ta sẽ do FDI thực hiện. Liệu một nền kinh tế dựa hoàn toàn vào đầu tư nước ngoài có phải là một nền kinh tế độc lập, tự chủ?

Nếu dòng vốn FDI rút ra vì giá nhân công không rẻ nữa, tài nguyên hết rồi, người dân sẽ sống bằng gì? Cho nên vấn đề không phải là chọn ngành nào to lớn, vĩ đại để đầu tư mà vấn đề là chỉ có dệt may mới có khả năng làm ngành công nghiệp sống còn của chúng ta.

Nếu làm được, năm 2025 chúng ta mới nâng xuất khẩu dệt may lên hơn 40 tỷ USD. Không có một ngành nào trong vòng 10 năm có giá trị xuất khẩu trên 16 tỷ USD như dệt may. Vậy sao chúng ta không làm, vừa chuyển sang công nghiệp hóa, vừa phân phối lại được lao động. Lao động ngành may thu nhập 3 - 4 triệu/tháng, một năm kể cả tiền thưởng là khoảng 50 triệu. Một người nông dân một năm có làm được 50 triệu không? Không có. Đầu tư vào dệt may là vừa giải quyết được phân công lao động vừa giải quyết được cả vấn đề ổn định xã hội.

Gần đây một số địa phương không chấp nhận dự án dệt nhuộm vì lo ảnh hưởng tới môi trường. Ông nghĩ sao về điều này?

Đừng nhìn vào những nhà máy nhuộm của những năm 60 mà lo lắng về ô nhiễm môi trường. Giờ anh phải đầu tư những nhà máy nhuộm tiên tiến của thế giới, khi đó xử lý môi trường không đến nỗi quá khó.

Vấn đề là ngành giáo dục phải đào tạo đội ngũ để thực hiện, xử lý công nghệ mới, ngành hóa chất phải có những sản phẩm để phục vụ công nghệ lọc, không phải cung cách lọc như ngày xưa là đổ nước thải qua bể lọc mà là lọc qua hóa chất vi sinh công nghệ cao để ra được nước nuôi cá.

Và khi chúng ta nhập công nghệ máy móc về, việc đầu tiên là công nghiệp sửa chữa máy của chúng ta cần thay đổi. Phải cán luyện thép để chế tạo được loại thép đáp ứng tiêu chuẩn tạo ra những bánh răng cứng, chạy êm, không bị mẻ chứ đừng nghĩ thép xây dựng chỉ là thép CT5, CT3.

Nói như vậy là chúng ta có thể lạc quan với ngành công nghiệp trọng điểm này?

Chúng ta đừng nghĩ là dệt nhuộm sẽ ô nhiễm môi trường mà phải nhìn ở góc độ khác, mới hơn. Nếu trong vòng 5 năm tới Chính phủ không đầu tư các nhà máy sợi và khu công nghiệp dệt thì đừng nói Việt Nam có thể đạt mục tiêu xuất khẩu 25 tỷ USD vào năm 2020.

Trong ngành Dệt may, thị trường Nhật Bản và Mỹ là niềm mơ ước của nhiều quốc gia mà nay chúng ta đã thâm nhập được rồi, vậy tại sao chúng ta lại không tận dụng.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/canh-tranh-det-may-trong-tpp-phai-dau-tu-nha-may-soi.aspx