'Cánh tay nối dài' bảo vệ an ninh Tổ quốc

“Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”, thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thời gian qua, lực lượng Công an nhân dân đã nhân lên sức mạnh của mình trong bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ), giữ gìn an ninh trật tự (ANTT) bằng cách phát huy sức mạnh đoàn kết to lớn trong nhân dân gắn với nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ”.

Đoàn viên, thanh niên huyện Vị Xuyên phối hợp với lực lượng Biên phòng tuần tra, bảo vệ đường biên, mốc giới.

Thị trấn Nông trường Việt Lâm (Vị Xuyên) trước đây là địa bàn xảy ra nhiều vụ việc phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự địa phương. Với quyết tâm giữ vững địa bàn, tạo môi trường “sạch” về ANTT nhằm thúc đẩy phát triển KT - XH và cụ thể hóa phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ” vào điều kiện thực tiễn, Công an thị trấn đã chủ động nắm chắc tình hình, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tăng cường lãnh, chỉ đạo đảm bảo an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác ở cơ sở; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân. Phong trào được đổi mới hoạt động cả về nội dung, hình thức với nhiều kết quả nổi bật. Trong 6 tháng đầu năm, lực lượng Công an thị trấn đã vận động thu hồi 3 khẩu súng tự chế, phối hợp bắt 1 vụ sử dụng trái phép chất ma túy, thành lập 2 mô hình đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy, giảm 2 vụ về trật tự xã hội so với cùng kỳ năm 2022, nhiều vụ việc được giải quyết dứt điểm từ cơ sở, không để kéo dài hay hình thành các điểm nóng về ANTT; tập trung xây dựng, củng cố, nhân rộng các mô hình quần chúng tự quản về ANTT. Nhờ đó, thị trấn đã chuyển hóa thành công địa bàn trọng điểm phức tạp về an ninh, trật tự.

Thực hiện Kế hoạch số 55 của UBND tỉnh về nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ” giai đoạn 2021 - 2025 và Chỉ thị số 700 của UBND tỉnh về đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ” trong cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm ANTT trong tình hình mới; lực lượng Công an chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng phong trào; ký kết Quy chế phối hợp đảm bảo ANTT với các ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục; tăng cường phối hợp giữa 3 lực lượng; đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện hiệu quả phong trào; phổ biến, giáo dục pháp luật, phòng, chống tội phạm, tai nạn, tệ nạn xã hội; tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên và nhân dân ký cam kết xây dựng khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục an toàn về ANTT; xóa bỏ hủ tục, tập quán lạc hậu; phát huy vai trò người có uy tín tham gia phong trào, hòa giải các vụ việc liên quan ANTT. Qua phong trào, nhân dân đã cung cấp nhiều tin báo, tố giác tội phạm có giá trị, giúp lực lượng Công an ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi xâm phạm ANTT ngay tại cơ sở. Năm 2022, lực lượng Công an đã vận động, thu hồi 524 khẩu súng săn các loại, 10 quả lựu đạn, 261 viên đạn súng quân dụng, 424 kíp nổ, 4 vũ khí thô sơ, 24 công cụ hỗ trợ, 8,l kg thuốc nổ, 20 mét dây cháy chậm, 2,8 kg pháo, 39 quả pháo tự chế.

Là mô hình được Cục Xây dựng phong trào bảo vệ ANTQ (Bộ Công an) ghi nhận, thông báo kinh nghiệm toàn quốc, mô hình “Dòng họ tự quản về ANTT” trên địa bàn huyện Quang Bình đang phát huy hiệu quả và được nhân rộng. Toàn huyện có 14 mô hình với trên 470 hộ, trên 2.200 khẩu tham gia. 14 Ban Quản lý dòng họ, 48 thành viên trong dòng họ tham gia tổ tự quản ANTT, 49 thành viên tham gia tổ hòa giải trong các thôn, xóm, 12 hội nàng dâu tự quản. Các thành viên trong dòng họ cùng đoàn kết, tích cực giúp đỡ nhau phát triển KT - XH, xây dựng cuộc sống ấm no; giáo dục con, cháu và nhân dân địa phương chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước; giữ gìn ANTT, nâng cao tinh thần tự quản, cảnh giác, phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; giữ gìn đạo đức và truyền thống gia đình, dòng họ, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân cư.

Toàn tỉnh hiện có 686 mô hình bảo vệ ANTQ. Năm 2022, các cấp, ngành, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục xây dựng mới được 89 mô hình với 1.016 thành viên. Trong đó: 1 mô hình trong doanh nghiệp; 12 mô hình phòng cháy, chữa cháy; 6 mô hình quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng; 20 mô hình liên kết bảo đảm ANTT; 15 mô hình dòng họ tự quản về ANTT; 9 mô hình camera giám sát an ninh... Nuôi dưỡng 100 mô hình tổ chức quần chúng tự quản về ANTT bằng hình thức hỗ trợ kinh phí. 2 mô hình “Dòng họ tự quản về ANTT” trên địa bàn huyện Quang Bình và “Camera giám sát ANTT” trên địa bàn thành phố Hà Giang được Cục Xây dựng phong trào bảo vệ ANTQ ghi nhận là mô hình tiêu biểu hoạt động hiệu quả, thông báo kinh nghiệm, nhân rộng toàn quốc.

Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng phong trào, Công an tỉnh phối hợp với cấp ủy, chính quyền cơ sở mở các lớp tập huấn nghiệp vụ bảo vệ ANTT cho lực lượng chủ chốt ở thôn, tổ dân phố nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trách nhiệm và năng lực thực tiễn cho lực lượng quần chúng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; tổ chức “Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ” hàng năm, tuyên truyền, khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc; nâng cao trách nhiệm của hệ thống chính trị và nhân dân trong tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ”.

Với nhiều kết quả nổi bật, phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ” lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, giúp khơi dậy sức mạnh, tiềm năng to lớn của nhân dân, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để phát triển KT - XH ở địa phương.

Bài, ảnh: BIỆN LUÂN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/an-ninh-quoc-phong/202307/canh-tay-noi-dai-bao-ve-an-ninh-to-quoc-9e929bb/