Cảnh giác với hiện tượng lừa đảo qua điện thoại

Thời gian qua, tại nhiều địa phương tái diễn tình trạng một số đối tượng giả danh cơ quan pháp luật hay nhà mạng, gọi điện cho người dân nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng này thường sử dụng dịch vụ gọi điện trên nền in-tơ-nét (VoIP) của các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài, thiết lập các tổng đài VoIP, sau đó phân công các nhóm theo kịch bản chi tiết gọi điện đến số điện thoại cố định, di động ở Việt Nam nhằm thực hiện hành vi lừa đảo.

Khoảng 8 giờ ngày 7-5, điện thoại cố định nhà chị Nguyễn T.L (phố Ðội Cấn, Hà Nội) đổ chuông. Từ đầu dây bên kia, một giọng nói tự xưng là "tổng đài tự động của VNPT" thông báo: "Số thuê bao cố định của quý khách đang nợ cước điện thoại số tiền hơn tám triệu đồng, đề nghị thanh toán ngay trong vòng hai tiếng kể từ khi nhận thông báo, nếu không sẽ bị cắt liên lạc". Tổng đài tự động này còn không quên nhắn nhủ: "Ðể biết thêm chi tiết, mời quý khách vui lòng bấm phím 9; để gặp tổng đài viên, vui lòng bấm phím 0 ". Ngỡ ngàng, chị T.L nhấn phím 0 thì đầu dây bên kia là một giọng nữ tự xưng là "tổng đài viên" cho biết, số tiền nợ cước vốn là của một thuê bao cố định tại Hải Phòng, nhưng đăng ký dưới tên chị T.L. Khi được thắc mắc, "tổng đài viên" này gợi ý, đây là sai phạm và đề nghị chị T.L báo công an thông qua sự kết nối trực tiếp của tổng đài. Làm theo hướng dẫn, chị T.L tiếp tục được nối máy để gặp một người đàn ông xưng là cảnh sát 113 Hà Nội. Sau khi vòng vo hỏi han đầy đủ các thông tin cá nhân, người này thông báo sẽ gọi điện thoại lại sau. Chị T.L sinh nghi, liền gọi điện đến tổng đài hỗ trợ khách hàng của VNPT Hà Nội thì mới biết, cuộc gọi báo nợ cước là hình thức lừa đảo đang diễn ra nhiều ngày qua. Không chỉ chị mà nhiều người khác cũng nhận được các cuộc điện thoại tương tự. Trung bình mỗi ca trực, tổng đài nhận được cả chục cuộc gọi báo về hiện tượng này.

Theo đại diện VNPT, hình thức lừa đảo mạo danh nhân viên viễn thông này từng xảy ra vào những năm 2013-2014, nay bùng phát trở lại. Mục tiêu của chúng không đơn thuần chỉ "câu giờ" đàm thoại giữa thuê bao tới các tổng đài lạ do chúng dẫn dụ người nghe bấm số chọn đến nhằm chiếm đoạt cước viễn thông từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng, mà còn uy hiếp, lừa đảo, moi thông tin cá nhân nhằm mục đích tống tiền. Nếu nạn nhân chi trả tiền nợ sẽ được hướng dẫn chuyển tiền vào một tài khoản nào đó; trường hợp thắc mắc, sẽ bị đe dọa khai thác thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt tiền;... VNPT không thực hiện việc nhắc nợ cước qua bất kỳ hình thức hộp thư ghi âm tự động nào, khách hàng cần cảnh giác để không bị lừa gạt. Khi có nghi ngờ, khách hàng có thể điện thoại trực tiếp đến tổng đài chăm sóc khách hàng 800126 (miễn phí từ điện thoại cố định VNPT).

Đại diện Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - C50 (Bộ Công an) cho biết: Qua điều tra cho thấy, các đối tượng lừa đảo thường được chia thành ba nhóm với nhiệm vụ khác nhau. Nhóm thứ nhất giả danh nhân viên viễn thông, gọi điện cho nạn nhân thông báo nợ cước với số tiền lớn, khai thác các thông tin cá nhân của nạn nhân. Nhóm thứ hai giả danh các cơ quan thực thi pháp luật như công an, viện kiểm sát,... đe dọa họ hoặc người thân liên quan các vụ buôn bán ma túy, rửa tiền,… và đã nhận một khoản tiền lớn chuyển vào tài khoản. Khi bị hại phủ nhận, nhóm đối tượng này cho rằng có thể giấy tờ tùy thân của bị hại đã bị sử dụng trái phép để mở tài khoản ngân hàng. Ðể chứng minh không liên quan vụ án, bị hại phải cung cấp thông tin về các sổ tiết kiệm, tài khoản tiền gửi, sau đó chuyển tiền vào một tài khoản do chúng chỉ định với lý do kiểm tra, nếu không có nghi vấn sẽ trả lại ngay. Tuy nhiên, ngay sau khi bị hại chuyển tiền, chúng lập tức rút hoặc chuyển qua các tài khoản khác để rút tiền. Ðối tượng lừa đảo thường đăng ký tài khoản VoIP giống số điện thoại của một số đơn vị công an và yêu cầu bị hại kiểm tra qua tổng đài 1080 xem có đúng số của các đơn vị công an không. Chúng cho bị hại một khoảng thời gian ngắn để kiểm tra nhằm tăng độ tin tưởng, sau đó liên tục gọi để lừa đảo, buộc bị hại không được trao đổi với ai khác trước khi chuyển tiền xong. Các cuộc gọi lừa đảo thường kéo dài vài giờ và kèm âm thanh được ghi âm sẵn như tiếng còi hú của xe cảnh sát, tiếng người bên ngoài nói chuyện như đang báo cáo về một vụ án nào đó,... cố tình cho bị hại nghe thấy; thường gọi nhiều lần để nạn nhân tin tưởng. Nhóm cuối được phân công mở các tài khoản ngân hàng có đăng ký dịch vụ chuyển tiền trực tuyến (internet banking) và rút tiền quốc tế tại các ngân hàng ở Việt Nam. Chúng thuê các cá nhân có hoàn cảnh khó khăn, nhận thức pháp luật hạn chế mở tài khoản tại nhiều ngân hàng, sau khi nhận thẻ thì đưa toàn bộ thẻ cho chúng để sử dụng. Nhóm này chuyển thông tin về các tài khoản ngân hàng cho các đối tượng ở nhóm hai để yêu cầu bị hại chuyển tiền vào. Ngay sau khi tài khoản được báo có tiền, chúng chuyển tiền lòng vòng qua nhiều tài khoản trung gian, sau đó rút tiền.

Ðấu tranh với loại tội phạm này, đầu tháng 6 vừa qua, Công an tỉnh Lạng Sơn phát hiện một nhóm đối tượng do người Trung Quốc cầm đầu tổ chức điều hành, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các nạn nhân ở nhiều nơi như Hải Phòng, Thái Bình, Thanh Hóa, Bình Ðịnh, Phú Yên,… Từ tháng 5 đến khi bị phát hiện, các nạn nhân bị lừa 7,2 tỷ đồng. Riêng tại Lạng Sơn, các nạn nhân bị lừa chuyển tiền qua ngân hàng gần 5,2 tỷ đồng, trong đó hơn 4,6 tỷ đồng bị rút và chuyển ra nước ngoài. Cơ quan điều tra Công an tỉnh Lạng Sơn đã phong tỏa số tiền gần 600 triệu đồng còn lại. Ngày 11-7, Công an tỉnh Ninh Thuận cho biết, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Nguyễn Văn Toàn (30 tuổi, ở Vân Ðồn, Quảng Ninh), Trần Thế Quynh (23 tuổi, ở Gia Bình, Bắc Ninh) và Ðàm Trọng Nghĩa (35 tuổi, ở Văn Quan, Lạng Sơn) để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo hồ sơ, Toàn, Quynh và Nghĩa nằm trong đường dây chuyên gọi điện thoại tự xưng là công an, hù dọa nạn nhân liên quan vụ án buôn bán ma túy, hình sự. Sau đó, yêu cầu người dân phải chuyển tiền vào các tài khoản do chúng cung cấp để được bỏ qua. Trong vòng 10 ngày (từ ngày 6 đến 15-6), nhóm này đã gọi điện đến 37 hộ dân ở tỉnh Ninh Thuận để lừa đảo và có tám trường hợp đã chuyển cho chúng gần 1,8 tỷ đồng vào 15 tài khoản khác nhau ở Quảng Ninh.

Cơ quan công an khuyến cáo: Công an không bao giờ trao đổi thông tin vụ án qua điện thoại, khi có yêu cầu làm việc sẽ có giấy mời hoặc giấy triệu tập. Cơ quan công an cũng không có tài khoản ngân hàng mang tên cá nhân và không yêu cầu đương sự phải chuyển tiền để chứng minh vô tội. Người dân cần lưu ý, tất cả số điện thoại giả mạo theo số máy của cơ quan chức năng đều có thêm dấu (+) trước dãy số vì chúng được thực hiện qua mạng in-tơ-nét. Nếu chỉ kiểm tra số máy gọi đến qua tổng đài 1080 sẽ không phát hiện được sự giả mạo này. Các đối tượng thường nhắm vào các gia đình có số điện thoại bàn và hoạt động chủ yếu vào giờ hành chính, bởi đây là thời điểm phần lớn các thành viên trong gia đình đi làm, chỉ có người già ở nhà và thường có tài khoản tiết kiệm, dễ tác động tâm lý. Người dân cần cảnh giác, thông báo hình thức lừa đảo của tội phạm cho các thành viên trong gia đình, nhất là người già, ít tiếp cận thông tin, báo chí; nâng cao ý thức cảnh giác khi nghe điện thoại của người lạ yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản, thẻ tín dụng,... Khi xảy ra tình huống bị lừa đảo, người dân không được chuyển tiền ngay mà kịp thời thông báo cho cơ quan công an gần nhất để có biện pháp ngăn chặn, đấu tranh bắt giữ tội phạm. Nếu đã chuyển tiền thì liên hệ ngay với ngân hàng nơi gửi hoặc báo cho cơ quan công an để phong tỏa tài khoản, ngăn chặn thiệt hại xảy ra.

CHÍ CÔNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/phapluat/item/33871002-canh-giac-voi-hien-tuong-lua-dao-qua-dien-thoai.html