Cánh đồng tâm

Tác giả: Ni sinh Thích Nữ Hằng Huyền

Sự hiện hữu của mỗi người khi sinh ra đều có giá trị riêng, trong mỗi người đều có đời sống vật chất và đời sống tinh thần hay còn gọi đời sống tâm linh. Mỗi người đều lựa chọn một cách sống, khi hướng về cái gì thì đó là nhân duyên của mỗi người sẽ chú trọng đến điều đó.

Nhất là đời sống tâm linh là cái nội tại bên trong, mỗi người tự chiêu cảm và chiêm nghiệm. Nó cúng thay đổi theo tư duy của tâm. Khi một người có đời sống tâm linh sung mãn, thì người đó sẽ cảm nhận được khả năng vượt qua chính họ, đạt được sự an lạc ngay trong hiện tại.

Khả năng an lạc đó xuất phát từ một đời sống có nguồn an vui, có nền tảng đạo đức sẽ thì có ảnh hưởng rất lớn đến mọi người chung quanh. Vì vậy, chúng ta có thể hiểu chắc chắn rằng việc xây dựng đời sống tâm linh cho sung mãn đó là tâm nguyện của những ai đã có chút thiện duyên với Tam Bảo. Có như vậy thì mới có thể cân bằng toàn bộ cuộc sống của mọi người. Nếu không xây dựng đời sống tâm linh sung mãn thì cuộc sống chúng ta dễ bị chao đảo và khó vững vàng trong cuộc sống. Giáo lý nhà Phật giúp con người xây dựng đời sống tâm linh ngày càng viên mãn và nhận ra rằng có những người có cuộc sống tiện nghi sung túc, mà vẫn cảm thấy chán nản, đau khổ và tuyệt vọng. Để trưởng dưỡng tâm linh đó chúng ta cần phải thực tập cần cù như một người nông dân thực thụ. Như trong đoạn kinh Kasibhāradvāja (Có Phải Đức Phật Tự Nhận Mình Là Người Nông Phu?)

“Có một lần đức Phật cư ngụ tại đồi Ekanala, gần đó có một ngôi làng tên là làng Dakkhinagiri. Dân trong làng chủ yếu theo đạo Bà La Môn. Hôm đó có khoảng hơn 500 người nông dân chuẩn bị ra đồng làm việc. Các nông dân này làm việc cho ông Kasi Bhàradvàja. Đức Phật đắp y mang bát và bước xuống đồi để đi khất thực. Ngài đến nơi chỗ người ta đang phát thức ăn cho các nông dân và đứng sang một bên.

Ông Kasi thấy Phật nên lên tiếng, Này ông Gotama, chúng tôi phải làm việc rất nhiều trên đồng ruộng, nào là cày bừa, nào là gieo mạ, nào là chăn trâu, nào là dẫn nước vào đồng, khi lúa chín, chúng tôi phải gặt lúa, cái này là cũng phải nhờ mưa thuận gió hòa, các nông dân phải dầm sương dãi nắng, lúc đó mới có cơm để ăn, ông cũng phải vậy ông Gotama, ông cũng phải làm việc trên đồng ruộng, phải cày bừa, phải gieo mạ, phải chăn trâu, phải dẫn nước vào đồng, nói chung là tất cả những việc của người nông dân thì mới có cơm để ăn.

Đức Phật nói, Này ông Kasi, tôi cũng làm việc trên đồng ruộng, cũng cày bừa, cũng gieo mạ, cũng chăn trâu, cũng dẫn nước vào đồng, cũng làm những việc mà một người nông dân làm. Tôi đã làm mọi thứ xong rồi nên bây giờ tôi mới ăn.

Ông Kasi tỏ vẻ hơi ngạc nhiên nên hỏi lại, Ông Gotama này, tôi nào có thấy cây cày, cái ách, cái lưỡi cày của ông đâu, ông không có tư liệu sản xuất nào cả, tôi không thấy con bò con trâu nào để ông chăn cả, ông nói ông là nông dân nhưng ruộng của ông đâu, mảnh đất ông vừa xới đâu, thóc lúa của ông đâu? Vậy ông nói ông cày là cày cái gì?

Đức Phật ôn tồn trả lời, Tôi có đức tin rất lớn vào chính pháp, đó chính là hạt giống giúp tôi lao động hàng ngày. Kỷ luật của tôi là hạt mưa và những cơn mưa, khi nào tôi biết mình cần tinh tấn chăm sóc cho hạt giống của mình và khi nào tôi cần nghỉ ngơi. Trí tuệ là cái ách và cái cày, tôi biết điều khiển và chế ngự mảnh đất tâm của mình để phát triển trí tuệ theo ý muốn. Khiêm tốn là cán cày, tôi biết điều phục tâm ngã mạn để học hỏi và đi xa hơn. Tâm là dây cương, biết dừng lại những chỗ cần dừng và tiếp tục bước đi ở những chỗ cần biết đi. Niệm là lưỡi cày và cây roi, có thể chăn được trâu và thả những đàn bò.

Đức Phật nói tiếp “Tôi làm việc bằng cách thu thúc sáu căn, thu thúc hành động và thu thúc lời nói. Tôi ăn uống độ lượng để có nhiều thì giờ lao động và sản xuất. Tôi sử dụng sự chân thật để cắt đứt những cọng cỏ dại có thể làm hoang tàn đất tâm. Đến khi đạt tới quả vị giải thoát, tôi mở dây cương thả bỏ, thả đi những lo toan, những vướng bận và những mơ tưởng về hạnh phúc mong manh. Hoa trái của sự tu tập là giải thoát, là hạt lúa trắng trong, ngọt ngào và tinh khiết”.

Ảnh: St

Đức Phật vẫn nói chuyện với ông Kasi bằng giọng nói nhẹ nhàng: “Này ông Kasi, tinh tấn là sự siêng năng thức khuya dậy sớm, dãi nắng dầm sương, chăm sóc cho ruộng vườn, cho đất tâm của mình. Người tu thương tâm mình như người nông dân thương mảnh ruộng. Nhờ tinh tấn mà tôi đạt đến trạng thái an tịnh và niềm vui tuyệt đối. Tôi đã không còn phiền não và không bao giờ còn quay trở lại phiền não nữa. Phiền não đã cao chạy xa bay, để lại đất tâm niềm an tịnh vĩnh cữu. Giống như người nông dân bỏ đi những sâu bọ và côn trùng có thể gây hại, quyết tâm bảo vệ thuở ruộng của mình. Tôi cày ruộng như vậy đó nhưng tôi cày đến đâu phiền não tan biến đến đó. Do phiền não không còn, hoa trái mọc ra, đó là niềm vui, là an lạc, là thảnh thơi, là hạnh phúc tuyệt đối”.

Đức tin là hạt giống
Kỉ luật là hạt mưa
Trí tuệ là cây cày
Khiêm tốn ở ngay đây.

Tâm chính là dây cương
Niệm chính là lưỡi cày
Cắt những dòng cỏ dại
Làm héo úa hình hài.

Thu thúc được sáu căn
Hành động trong chính đáng
Ăn uống có độ lượng
Hướng về quả tối thượng.
Ta mở dây thả bò
Buông hết phiền não lo
Tinh tấn trong an tịnh
Tâm không còn co ro.
Tu cũng là ra đồng
Gieo hạt giống từ bi
Ngày đêm luôn hành trì
Gặt hái quả chính tri”

Qua đó, cho chúng ta thấy rằng người đi tu không phải là không còn làm việc. Mà vẫn làm việc nhưng cách làm việc của chúng ta không giống như người đời thường làm. Chúng ta vẫn ra cánh đồng, vẩn gieo hạt, vẫn quét dọn, vẫn nấu cơm và thu hoạch, nhưng tất cả mọi thứ chúng ta làm đều có tỉnh thức hay năng nượng chính niệm, tức là chú tâm vào công việc đang làm, không vọng tưởng và rồi không thả tâm vào những chuyện của phiền não, chuyện thế gian, chuyện phù phiếm, nói chung là những chuyện có thể gây khổ đau. Chúng ta sử dụng ngay thân tâm này để trưởng dưỡng mầm mống Phật mà trong ai cũng có. Bằng sự siêng năng và thực tập liên tục, và thực hành chính niệm tỉnh giác, chúng ta phát triển dần dần triển được định, một nội lực mạnh mẽ mà không có gì có thể lay chuyển được, lúc này thân tâm chúng ta như khối đá vững chãi. Và chuyện gì đến rồi cũng sẽ đến, trí tuệ là hoa trái của thực tập, chúng ta giải thoát bằng chính trí tuệ, không còn kẹt vào phiền não nào nữa, cho dù đó là phiền não nhỏ nhất.

Sự hiện hữu của người tu hành có ảnh hưởng đối với nhân thế là đức tin, giới luật, lòng khiêm cung…chứ không phải cày đất, gieo hạt hay làm ra sản phẩm, vật dụng. Nhưng sự tu hành đó không phải là nhất thời, nông nổi mà nó là cái gì đó chảy ngầm trong tâm. Cũng vậy “Cánh đồng tâm” là công việc bình nhật của người tu hành và cũng là của tất cả mọi người có duyên lành với biết được giáo lý của đức Phật

Tác giả: Ni sinh Thích Nữ Hằng Huyền

PDF PRINT

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/canh-dong-tam.html