Cánh chim đầu đàn của ngành điều trị bỏng Việt Nam

Dù đã có một sự nghiệp đầy vẻ vang, là Thiếu tướng, GS, TS, Thầy thuốc nhân dân, nhưng ông chẳng bao giờ đánh mất lối sống giản dị ân cần mà gần gũi. Nhiều người thường biết đến ông là ông Năm Viện Bỏng.

Với hàng chục năm trong nghề, bằng những cống hiến không mệt mỏi Thiếu tướng, TTND, GS.TS Lê Năm - nguyên GĐ Viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác đã ghi lại nhiều dấu ấn sâu sắc về công tác khám chữa, điều trị bệnh nhân bỏng và công tác quản lý, lãnh đạo Viện bỏng quốc gia Lê Hữu Trác, một trong những BV hàng đầu, có uy tín khắp trong và ngoài nước. Với cái tâm của người thầy thuốc và cái tầm của một vị Tướng quân đội, trong vai trò lãnh đạo ông đã điều hành và chèo lái con thuyền Viện Bỏng đi qua mọi khó khăn để thành công và phát triển về cả cơ sở vật chất lẫn chuyên môn, nghiệp vụ, khoa học kỹ thuật.

Thiếu tướng, TTND, GS.TS Lê Năm.

Ông Lê Năm, SN 1952 tại vùng quê nghèo huyện Cam Lộc (tỉnh Hà Tĩnh) tuổi thơ của ông là những chuỗi ngày dài đầy nắng và gió. Ông kể: “Hồi ấy, tôi đi học xa lắm, nhà cách trường hơn 6 cây số, chưa bao giờ biết đến chiếc xe đạp như chúng bạn. Lên 7 tuổi, đã phải tranh thủ đi làm thêm để lấy tiền đi học và phụ giúp bố mẹ. Bữa ăn chỉ có khoai, sắn, nhưng cũng chỉ bữa đói, bữa no. Ông Lê Năm cho biết thêm: “Năm 1970, lần đầu tiên tôi bước vào kỳ thi ĐH. Vì ước ao được làm bác sĩ, hồ sơ ban đầu tôi đăng ký là vào trường ĐH Quân y (nay là Học viện Quân y). Nhưng thời điểm đó, hồ sơ của tôi lại bị “gạt” và được chuyển sang trường ĐH Thương nghiệp (ĐH Thương mại ngày nay)”. Thế rồi, năm 1972, cuộc chiến tranh chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt, những sinh viên như ông đã xếp bút nghiên lên đường làm nhiệm vụ và chính môi trường quân đội đã giúp ông tìm lại ước mơ lớn nhất cuộc đời. Ông đã được Trường ĐH Quân y tuyển chọn để đào tạo trở thành bác sĩ phục vụ lâu dài trong quân đội. Sau 6 năm theo học tại trường ĐH Quân y (1973 - 1979), ông được điều về công tác tại BV Quân khu 4 (thuộc BV dã chiến TP Vinh). Đó là những ngày đầu tiên ông công tác trong một BV lớn và cũng là thời gian ông “bén duyên” với chuyên ngành bỏng. Với bản lĩnh sẵn sàng đối mặt với khó khăn, không ngại gian khổ, ông ngày đêm lao vào công việc. Người đã giúp ông bước một bước ngoặt lớn trong cuộc đời là Nhà khoa học, GS Lê Thế Trung – GĐ ĐH Quân y lúc bấy giờ.

Tiếp đó, được sự giúp đỡ của nhiều giáo viên trong trường, năm 1987, ông được cử đi thực tập sinh ở Liên Xô (cũ) và ông cũng là người đầu tiên bảo vệ thành công luận án TS về lĩnh vực bỏng. Trở về nước năm 1990, ông cùng các đồng nghiệp tiếp tục phát triển chuyên ngành bỏng. Sau 10 năm, khoa bỏng của Học viện Quân y đã được “lột xác” trở thành Viện Bỏng quốc gia với cơ ngơi khang trang và đội ngũ y, bác sĩ chuyên ngành bỏng hàng đầu đất nước. Từ những minh chứng bằng kết quả học tập, nghiên cứu, năm 2000, GS.TS Lê Năm đã được bổ nhiệm làm GĐ Viện Bỏng quốc gia.

Khi mới nhận nhiệm vụ làm GĐ Viện, GS.TS Lê Năm không ít lần tâm sự với bạn bè, đồng nghiệp nỗi lo lắng của mình về trách nhiệm và hướng hoạt động của Viện. “Trong đầu tôi lúc đó luôn nung nấu khát vọng phải đổi mới, phải cải cách, nếu không là tự đánh mất chính mình, là tụt hậu”, GS.TS Lê Năm bày tỏ. Nhưng cải cách như thế nào mới là câu hỏi lớn cần đặt ra. Sau nhiều trăn trở, tìm tòi, ông đã tìm ra được con đường sáng: “Tôi đã mừng rơi nước mắt sau khi được tham dự Hội thảo Bỏng quốc tế tại Pháp năm 2001 và từ đây, tôi đã tìm thấy cho mình chân trời để đi tới”. Mỗi lần đi công tác nước ngoài, ông thường chú trọng quay phim, chụp ảnh những viện, trung tâm điều trị về bỏng hiện đại của thế giới hay những tài liệu về kỹ thuật bỏng mới thế giới đang phát triển để về nước nghiên cứu kinh nghiệm và chia sẻ với đồng nghiệp. Từ đó, hàng loạt những kỹ thuật mới đã được triển khai tại viện như kỹ thuật siêu lọc máu, kỹ thuật oxy cao áp, kỹ thuật ghép da kiểu mảnh siêu nhỏ, kỹ thuật giãn vạt da, kỹ thuật vi phẫu thuật… Kết quả, nhiều bệnh nhân bỏng sâu đến 78% và diện bỏng nặng đến 90% đã được chữa khỏi hoàn toàn bằng công nghệ mới, sử dụng bằng trung bì lợn. Để rồi, Viện Bỏng không chỉ được biết đến là “cánh chim đầu đàn của ngành bỏng Việt Nam” mà nó còn được bạn bè quốc tế nhắc đến như một địa chỉ tin cậy.

Năm 2013, GS.TS Lê Năm và Viện Bỏng đã hoàn thành công trình Khu tưởng niệm Hải Thượng Lãn ông Lê Hữu Trác tại Hương Sơn - Hà Tĩnh. Công trình không chỉ mang giá trị văn hóa vật thể, mà còn chứa đựng những giá trị tinh thần to lớn, có ý nghĩa giáo dục đối với hậu thế nói chung và những người làm nghề thuốc nói riêng. Bên cạnh đó, cũng trong năm 2013, Viện Bỏng quốc gia đã vinh dự được đồng nghiệp quốc tế tin cậy chọn đăng cai Hội nghị Bỏng châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 9 với chủ đề: “Những thách thức trong điều trị bỏng toàn diện” tổ chức tại Khách sạn Melia Hà nội. Tham dự Hội nghị có 32 nước trên thế giới với 600 đại biểu trong và ngoài nước. Là người chủ trì Hội nghị, Chủ tịch Hội Bỏng Châu Á - Thái Bình Dương, ông Lê Năm đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần đưa ngành bỏng nói riêng và nền y học nước nhà nói chung sánh vai với bạn bè quốc tế. Mỗi khi nói đến sự nghiệp và những thành công của mình, ông đều rất khiêm tốn, nhưng ánh mắt lại đầy tự hào khi nhắc đến sự hy sinh thầm lặng của vợ mình - bà Phạm Thị Trọng. Nhờ có sự tiếp sức rất lớn từ hậu phương, đã giúp ông dành hết tâm huyết, tất cả sức lực để làm lên một Viện Bỏng vững chuyên môn, giỏi nghiệp vụ và khang trang. Ông Lê Năm vinh dự nhận Bảng vàng “Trí thức tiêu biểu Việt Nam trên mặt trận kinh tế - xã hội năm 2013”; Huân chương Chiến công hạng nhất do Chủ tịch nước tặng năm 2004; Bằng khen của Chính phủ năm 2005 cùng với nhiều huân huy chương cao quý khác. Ông được xem biểu tượng của một người thầy thuốc vẹn toàn y đức, là một tấm gương sáng để thế hệ tiếp nối ngành y học tập và noi theo.

Đài Sơn

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/doi-song/canh-chim-dau-dan-cua-nganh-dieu-tri-bong-viet-nam-117632