Hơn 11.000 thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Ngày 11/5, hơn 11.500 thí sinh chính thức bước vào kỳ thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Sáng nay (11/5), hơn 11.500 thí sinh chính thức bước vào kỳ thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Thí sinh đến từ nhiều tỉnh, thành khắp cả nước, gấp 2,5 lần so với năm trước; trong đó, môn toán có số lượng thí sinh đăng ký đông nhất với hơn 6.600 thí sinh; môn sinh học có số thí sinh dự thi ít nhất với 380 thí sinh.

Năm nay, thí sinh dự thi ở 291 phòng thi; trong đó, tại Quy Nhơn có 5 phòng thi, với 169 thí sinh. TP Đà Nẵng có 5 phòng thi, với 243 thí sinh. Hà Nội có 11 điểm thi, 281 phòng.

Công tác chuẩn bị cho kỳ thi được chuẩn bị chu đáo, được sự phân luồng tích cực của lực lượng công an và tình nguyện viên. Cổng các trường – nơi được trưng dụng làm điểm thi có bảng chỉ dẫn và tình nguyện viên tận tình trợ giúp hoặc đưa vào tận tòa nhà nơi đặt phòng thi theo phiếu báo.

Khá tự tin trước kỳ thi, em Trần Hương Giang (bên phải ảnh) tại Chương Mỹ, Hà Nội cho biết, em tham gia kỳ thi với nguyện vọng được đỗ vào Sư phạm Toán của Trường Sư phạm Hà Nội. Em đã chuẩn bị ôn đề khá kỹ và khá tự tin vào kỳ thi. Đánh giá về các kỳ thi đánh giá năng lực hiện nay, theo em Trần Hương Giang, việc hiện nay có quá nhiều kỳ thi như đánh giá năng lực, thi tốt nghiệp THPT… có hai mặt, vừa tạo cơ hội để các em có thể cọ xát nhưng cũng có không ít khó khăn khi các em phải cân nhắc thêm nhiều lựa chọn giữa các phương thức tuyển sinh. Tuy nhiên, theo em Trần Hương Giang, quan trọng là ở mỗi thí sinh, trước mỗi kỳ thi cần chuẩn bị cho mình những kiến thức đầy đủ thì sẽ tự tin trước kỳ thi".

Điểm mới của kỳ thi năm nay của trường là ngân hàng câu hỏi được bổ sung, cập nhật, chú ý định hướng phương thức mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2025. Ngoài ra, Hội đồng thi bố trí thêm hai điểm thi là: Đại học Đà Nẵng và Học viện Báo chí & Tuyên truyền.

Thí sinh phải làm các bài thi: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý. Đề thi bao gồm các câu hỏi trắc nghiệm và tự luận, nhằm đánh giá năng lực học sinh ở mức độ thông hiểu, vận dụng và vận dụng sáng tạo để xét tuyển đại học.

Thí sinh lựa chọn đăng ký một số bài thi và sử dụng kết quả thi để đăng ký dự tuyển vào các ngành đào tạo đại học theo yêu cầu của mỗi trường đại học. Ảnh Đỗ Nga

Nội dung các bài thi tương ứng và phù hợp với nội dung các môn học, môn thi cấp THPT mà học sinh đã quen thuộc; thí sinh làm bài thi trực tiếp trên giấy. Ảnh Đỗ Nga

Đề thi có kết hợp trắc nghiệm và tự luận với tỉ lệ điểm phù hợp tùy theo bài thi, bao gồm các câu hỏi đánh giá mức độ thông hiểu kiến thức cốt lõi và năng lực lập luận, phân tích, đánh giá, giải quyết vấn đề và sáng tạo. Ảnh Đỗ Nga

Kết quả bài thi được 9 trường đại học công nhận bao gồm: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2; Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh; Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế; Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng; Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên; Trường Đại học Vinh; Trường Đại học Quy Nhơn; Trường Đại học Y Dược Thái Bình. Ảnh Đỗ Nga

Chia sẻ với Báo Công Thương, TS Trần Bá Trình - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, kỳ thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm sẽ duy trì hình thức thi trên giấy trong một vài năm tới; mỗi bài thi đều có hai phần tự luận và trắc nghiệm. Kết quả kỳ thi dùng để xét tuyển vào các trường thuộc hệ thống sư phạm nên việc viết bài thi trên giấy sẽ có ý nghĩa trong việc đánh giá cách trình bày tư duy của những nhà giáo trong tương lai… Ảnh Đỗ Nga

Tại điểm thi, từ sáng sớm rất đông phụ huynh đã đưa thí sinh đến và chờ con hoàn thành các môn thi. Nhiều thí sinh đến từ các tỉnh vùng núi phía Bắc như Cao Bằng, Yên Bái, Hòa Bình... Ảnh Đỗ Nga

Ngọc Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hon-11000-thi-sinh-tham-gia-ky-thi-danh-gia-nang-luc-cua-truong-dai-hoc-su-pham-ha-noi-319461.html