Canh cánh cái bóng của Nguyễn Tuân

Những con chữ trau chuốt của Nguyễn Tuân bước khỏi trang sách lên sân khấu. Vang bóng một thời trong hình hài một vở kịch vẫn không thể đi chệch khỏi thông điệp về cái đẹp, sự hướng thiện mà cụ Nguyễn đau đáu. Đạo diễn, NSƯT Bùi Như Lai thừa nhận luôn canh cánh về cái bóng của nhà văn Nguyễn Tuân khi dựng vở Vang bóng một thời.

Diễn viên đều than khó khi nhận vai trong “Vang bóng một thời”, còn anh gánh trách nhiệm dàn dựng thì thế nào?

Thực tế đối diện mỗi vở diễn người làm đều gặp khó khăn nhất định, trong vở này cái khó lớn nhất là đối diện chiếc bóng rất lớn của nhà văn Nguyễn Tuân. Cả tập truyện Vang bóng một thời, ê-kíp gồm tác giả kịch bản Nguyễn Hiếu và tôi lựa chọn ba câu chuyện (Chữ người tử tù, Những chiếc ấm đất và Chém treo ngành) để xâu chuỗi trở thành bản diễn trên sân khấu. Hình bóng của nhà văn Nguyễn Tuân ẩn hiện rất nhiều trong vở diễn.

Thông điệp về cái đẹp xuyên suốt vở “Vang bóng một thời”

Có thể thấy, trong số các câu chuyện cụ Nguyễn Tuân viết gần như không có nhân vật xấu. Nhân vật nào cũng chứa chất đầy đủ tâm tư nguyện vọng dù là làm công việc ác như đao phủ- thầy Bát Lê. Làm sao lột tả được sự hoàn mỹ trong ngôn từ của Nguyễn Tuân chính là thách thức. Trải qua quá trình làm việc khá dài, công phu, ê-kíp lựa chọn ngôn từ, lời thoại đảm bảo giữ được vẻ đẹp toàn vẹn của câu chữ. Chúng tôi đã vượt qua. Ngôn ngữ đối thoại là điều chúng tôi băn khoăn nhất, cho nên những câu, chữ và đặc biệt có những câu đinh của Nguyễn Tuân chúng tôi cố gắng giữ nguyên.

Người tử tù Huấn Cao là nhân vật khó, đòi hỏi từ dáng vóc, đài từ cho tới thần thái. Lí do nào khiến anh lựa chọn một diễn viên trẻ như Anh Tuấn?

Trong Chữ người tử tù, tác giả không định danh Huấn Cao già hay trẻ, cao hay thấp cho nên tôi mạnh dạn lựa chọn người trẻ. Trong dàn diễn viên của Sân khấu Lệ Ngọc, Anh Tuấn là diễn viên có tiềm năng. Lí do chọn người trẻ còn ở chỗ, để sẵn sàng hi sinh cho lí tưởng yêu cái đẹp, yêu tự do thì người trẻ dễ có được tinh thần đó hơn. Hơn nữa, tôi cũng mong một Huấn Cao mang dáng dấp trẻ trung, mang hơi thở thời đại để hướng đến khán giả trẻ. Tinh thần của Huấn Cao là tinh thần bất diệt yêu cái đẹp, gìn giữ thiên lương của thi sĩ, văn sĩ, chí sĩ.

Nhân vật Bát Lê-đao phủ trong truyện Chém treo ngành - được bồi đắp, xử lý khá bất ngờ trên sân khấu

Chúng tôi rất chăm chút để diễn viên thể hiện cho kỳ được khí phách đó, đồng thời vẫn phảng phất bóng dáng của nhà văn Nguyễn Tuân. Tất nhiên để thấm, ngấm tinh thần của tiền nhân đòi hỏi diễn viên cần sự rèn giũa kỹ lưỡng hơn nữa. Anh Tuấn nỗ lực tập thoại, nắm bắt tinh thần nhân vật và phải hoàn thiện vũ đạo trong phân cảnh Huấn Cao luyện thư pháp.

Cụ Nguyễn Tuân nổi tiếng kỹ chữ đến khắt khe. Nhưng câu chữ không phải là tất cả đối với một vở diễn. Anh đã xử lý như thế nào để có một phiên bản sân khấu “Vang bóng một thời”?

Đọc câu văn của Nguyễn Tuân ta thấy sự khó tính, khắt khe của cụ. Chính sự kỹ tính trau chuốt đó làm khó cho cả diễn viên và ê-kíp sáng tạo, ngược lại cũng thúc đẩy sự chỉn chu của chúng tôi. Câu chuyện Nguyễn Tuân viết mang tính tự sự nhiều, không dễ để chuyển thành mâu thuẫn, xung đột. Chúng tôi may mắn thống nhất từ khâu kịch bản, lựa chọn ba câu chuyện để xây dựng thành tuyến, kết nối chặt chẽ. Bên cạnh sự kết nối đó, nhân vật thầy Quản cầm nhịp tạo xung đột, có sự xoay chuyển về nhận thức.

Rất may mắn sau đêm diễn đầu tiên 1/3 vở diễn không những được khán giả chấp nhận, đồng nghiệp đón nhận mà còn được gia đình nhà văn ưng thuận. Ngay khi Sân khấu Lệ Ngọc đặt vấn đề chuyển thể Vang bóng một thời, con gái nhà văn Nguyễn Tuân và gia đình đã có những yêu cầu nghiêm cẩn về văn chương của cụ. Chúng tôi cố gắng giữ nguyên tinh thần của Nguyễn Tuân, đồng thời xây dựng tuyến nhân vật đảm bảo tính kịch đặc trưng của sân khấu. Bên cạnh các nhân vật sẵn có, tác giả và đạo diễn phát triển thêm cho các nhân vật như vợ ngục tốt Bột, Bòi Triển-lính hầu của quản ngục- thầy Bát Lê... Điều này đảm bảo yếu tố tạo kịch tính một cách kín đáo, thâm thúy để không văng ra khỏi tinh thần của cụ Nguyễn.

Anh nói rằng khó nhất là đối diện với cái bóng của nhà văn Nguyễn Tuân. Vậy làm thế nào để anh đủ tĩnh tâm hoàn thành vở diễn?

Kể cả dựng vở thiếu nhi tôi cũng áp lực (cười). Vở diễn cảm tác từ tác phẩm có tầm vóc văn học lớn thì áp lực càng lớn hơn. Cái áp lực luôn thúc đẩy tôi buộc phải vượt chính mình bằng cách nghĩ thật nhiều. Để chạm tới trái tim người xem không thể làm đơn giản được, bởi như thế hình bóng tác phẩm đè vào vở diễn, sẽ không thấy bóng dáng vở diễn đâu cả. Trong suốt thời gian nghỉ dịch dài vừa qua, tôi vẫn duy trì thói quen để kịch bản trong túi bất cứ khi nào mở ra cũng nhìn thấy. Có suy nghĩ, ý tứ nào hay tôi đều ghi lại-trước đây là một cuốn sổ gọi là sổ nghĩ, bây giờ là chiếc điện thoại thông minh. Tôi thường nghĩ 70-80% rồi mới dựng vở, 20% còn lại sẽ được thăng hoa trong quá trình tập luyện trên sàn diễn. Tôi luôn tâm niệm nghĩ nhiều hơn, làm nhiều hơn, nghĩ đúng và nghĩ trúng.

Cảm ơn anh!

Tác giả kịch bản, nhà văn Nguyễn Hiếu thành công khi cảm tác một kịch bản dựa trên chất liệu Vang bóng một thời. Từ những truyện ngắn, chi tiết trong tập truyện ngắn của Nguyễn Tuân, tác giả xây dựng câu chuyện về hai nhân vật chính là viên Quản ngục và Huấn Cao. Hai người theo đuổi lý tưởng, mục tiêu sống khác nhau nhưng cuối cùng lại gặp nhau trong hoàn cảnh bất ngờ tại ngục tối. Vở diễn quy tụ các gương mặt như nghệ sĩ Nguyễn Hải, NSND Lệ Ngọc, NSƯT Chí Kiên, diễn viên Anh Tuấn, Lâm Cương, Hán Quang Tú…

Nhà văn Nguyễn Hiếu nhận định, tác phẩm của Nguyễn Tuân ngày càng thu hút được bạn đọc và giới chuyên môn bởi sự ma mị, đa chiều và nhiều thông điệp về lẽ sống, cuộc đời. Diễn viên trẻ Anh Tuấn cũng bày tỏ rất nỗ lực để nắm bắt được thông điệp lớn nhất của vở diễn chính là thiên lương, sự hướng thiện của con người như câu nói trong tác phẩm: “Để sống tốt trên đời điều đầu tiên phải giữ thiên lương trong mình”.

NGUYÊN KHÁNH

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/canh-canh-cai-bong-cua-nguyen-tuan-post1420570.tpo