Cảnh báo sự lạm quyền của nhà giáo

Bấy lâu nay, nói đến nhà giáo là nói đến một trong những biểu tượng mang 'tính chất thiêng' trong xã hội. 'Tính chất thiêng' của nhà giáo được biểu thị ở vị trí quyền lực xã hội theo nấc thang 'quân-sư-phụ'. Theo đạo Khổng, con người phải có nghĩa vụ cung kính, tuân thủ tuyệt đối sự chỉ giáo của vua, người thầy và người cha, nếu không sẽ bị quy vào tội bất trung, bất nghĩa và bất hiếu-những loại tội có thể bị xử trảm.

Suốt cả ngàn năm sống dưới thời quân chủ phong kiến, tâm lý người Việt luôn bị chi phối bởi “tính chất thiêng” của người thầy, nên nói đến người thầy với tâm thế trọng vọng, niềm tin tôn kính gần như tuyệt đối. Điều đó được thể hiện qua những câu: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, “Không thầy đố mày làm nên”, “Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy”, “Muốn sang thì bắc cầu Kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”... Thậm chí, ngày xưa người thầy qua đời, có học trò để tang thầy tới ba năm. Điều đó cho thấy sức ảnh hưởng cũng như quyền lực của người thầy đối với con người và xã hội.

Ảnh minh họa: TTXVN

Không ai và không bao giờ được phép phủ nhận đạo lý truyền thống tôn sư trọng đạo tốt đẹp của dân tộc và con người Việt Nam. Tuy nhiên, phải chăng vì quá đề cao, thậm chí tuyệt đối hóa vai trò của người thầy trong xã hội khiến người trong cuộc đôi khi ảo tưởng về mình? Tâm lý học chỉ ra, khi một ai đó luôn được nâng niu, chiều chuộng, cưng nựng, vỗ về bằng những lời lẽ ngọt ngào thì họ có thể sống trong hào quang giả tạo. Những biểu hiện như tự đại, tự mãn, tự cho mình cái quyền đứng trên người khác là hệ quả tất yếu của những người ảo tưởng về sức mạnh, quyền lực bản thân.

Thuở xưa, thời phong kiến còn lạc hậu, người thầy có vai trò và sức mạnh tuyệt đối trong việc truyền bá tri thức nên được cả xã hội trọng vọng, kính nể. Trong thời đại 4.0 hiện nay, dù nghề giáo vẫn là một nghề cao quý và rất cần được quan tâm, coi trọng, nhưng nhà giáo không phải là nhân tố duy nhất kiến tạo và lan tỏa tri thức cho mọi người. Nếu nhà giáo nào đó tự coi mình như “cái rốn vũ trụ”, tự “ru ngủ” mình thì sẽ dễ tự tha hóa ngay trong suy nghĩ, nhận thức, tư tưởng và hành động.

Thay vì phải dùng uy tín, trí tuệ, tài năng, tâm huyết để góp phần giáo dục, thuyết phục và cảm hóa con người thì một bộ phận nhà giáo thời nay dễ mắc tâm lý đòi hỏi người khác phải quan tâm đến mình nên có biểu hiện lạm dụng quyền lực thái quá. Việc nhà giáo tự cho mình cái quyền khám xét học sinh, “từ chối giáo dục” học sinh khi phụ huynh nêu ý kiến phản biện hay có hành vi bạo lực tinh thần học sinh diễn ra tại một số trường ở Hà Nội, Đắk Lắk... trong những ngày qua là ví dụ điển hình.

Nghiêm trọng hơn là lợi dụng quyền lực nghề nghiệp để nhũng nhiễu, thương mại hóa giáo dục, dạy thêm tràn lan, bán điểm, bán bằng... Những vụ việc tiêu cực nổi cộm trong ngành giáo dục gây chấn động dư luận xã hội như hơn 220 thí sinh được nâng khống điểm trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018 ở các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La; hay vụ cấp hơn 400 bằng tiếng Anh giả ở Trường Đại học Đông Đô năm 2019... vừa là nguyên nhân, vừa là hệ lụy của sự lạm dụng và tha hóa quyền lực của một bộ phận nhà giáo.

Không ngẫu nhiên mà văn kiện Đại hội XII của Đảng đã chỉ ra 5 nhóm lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao, trong đó có lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Tháng 5-2023, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã công bố những sai phạm nghiêm trọng xảy ra trong ngành giáo dục và cảnh báo những biểu hiện tiêu cực, sai phạm trong ngành này cùng sự lạm dụng quyền lực nghề nghiệp của một bộ phận nhà giáo đã ảnh hưởng lớn đến mục tiêu “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” của Đảng và Nhà nước ta.

(Theo qdnd.vn)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/dien-dan/202310/canh-bao-su-lam-quyen-cua-nha-giao-992968/